Chẩn bệnh “lấn sân” của nhà thầu nhỏ

(BĐT) - Thực tế đấu thầu hiện nay cho thấy, có một số nhà thầu dù đã trúng hàng loạt gói thầu quy mô lớn, trong đó có những gói thầu có giá trị hàng trăm tỷ đồng, nhưng vẫn tìm cách đoạt những gói thầu mà theo quy định của pháp luật về đấu thầu chỉ dành cho doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ. Cần làm gì để xóa bỏ tình trạng này?
Gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng chỉ dành cho nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ tham gia đấu thầu. Ảnh: Tiên Giang
Gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng chỉ dành cho nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ tham gia đấu thầu. Ảnh: Tiên Giang

Nhà thầu không chịu lớn!

Để tạo điều kiện và hỗ trợ tạo việc làm cho doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ, Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định, đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp tham gia đấu thầu.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, việc xác định doanh nghiệp cấp siêu nhỏ, nhỏ, vừa là căn cứ quy mô tổng nguồn vốn (tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên). Đối với doanh nghiệp xây dựng thì doanh nghiệp được xác định là cấp nhỏ khi có tổng nguồn vốn từ 20 tỷ đồng trở xuống hoặc có số lao động từ 10 người đến 200 người.

Trên thực tế, có một số doanh nghiệp có tổng nguồn vốn lên tới gần 100 tỷ đồng nhưng hồ sơ công khai tổng số lao động dưới 200 người nên vẫn tham gia và trúng hàng loạt gói thầu mà theo quy định của pháp luật về đấu thầu chỉ dành cho nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ. Ví dụ điển hình là Công ty CP HACISCO, công ty này có vốn điều lệ 80 tỷ đồng (quy mô vốn của doanh nghiệp loại vừa) nhưng vẫn trúng một số gói thầu xây lắp dành cho doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ, trong đó có Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Công viên Công nghệ Phần mềm Hà Nội. Gói thầu này có giá gói thầu gần 3.619 triệu đồng do Hanel mời thầu. Điều đáng nói là trước đó, Công ty CP HACISCO đã từng trúng nhiều gói thầu xây lắp có giá trị hàng trăm tỷ đồng.

TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia lâu năm về đấu thầu cho rằng, về mặt lý thuyết, nếu doanh nghiệp “cố thủ” trong vai nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ, siêu nhỏ tuy được lợi khi tham gia đấu thầu các gói thầu có giá trị thấp nhưng sẽ bất lợi khi tham gia những gói thầu quy mô lớn. Mặc dù pháp luật về đấu thầu không cấm các doanh nghiệp cấp nhỏ, siêu nhỏ tham gia các gói thầu có giá trị lớn, song việc trúng các gói thầu này là hết sức hy hữu. Tuy nhiên, có thể trên thực tế, việc kiểm tra, giám sát “đầu vào” của chủ đầu tư/bên mời thầu quá lỏng lẻo hoặc có chủ ý tạo điều kiện nên một số nhà thầu là doanh nghiệp không nhỏ đã “đấu nhầm sân” và trúng thầu. Đó cũng là lý do mà một số nhà thầu dù là doanh nghiệp không còn nhỏ lại “vào vai” nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ để tham gia đấu thầu. 

Công khai, minh bạch dữ liệu về nhà thầu

Có thể trên thực tế, việc kiểm tra, giám sát “đầu vào” của chủ đầu tư/bên mời thầu quá lỏng lẻo hoặc có chủ ý tạo điều kiện nên một số nhà thầu là doanh nghiệp không nhỏ đã “đấu nhầm sân” và trúng thầu. Đó cũng lý do mà một số nhà thầu dù là doanh nghiệp không còn nhỏ lại “vào vai” nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ để tham gia đấu thầu.
Để hạn chế việc nhà thầu gian lận hồ sơ để hưởng lợi, cố tình “chiếm đoạt sân chơi của nhà thầu bé hơn mình”, một luật sư cho rằng, cần sớm thiết kế và công khai kho dữ liệu chung của nhà thầu. Theo đó, Bộ KH&ĐT nên xây dựng một website chung để mỗi nhà thầu có thể “tự định vị” là mình thuộc hạng doanh nghiệp loại gì (siêu nhỏ, nhỏ, vừa, lớn) và tự chịu trách nhiệm về sự xếp hạng này của mình. Việc thực thi các quy định của pháp luật về đấu thầu phụ thuộc rất nhiều đến yếu tố con người. Vì thế, Nhà nước khó có thể quy định và làm chặt hết tất cả các trường hợp nếu các cán bộ quản lý và nhà thầu không tự giác thực hiện hoặc cố tình “lách luật”, “xé rào các quy định”. Theo đó, điều thiết thực là cần phải công khai tối đa dữ liệu chung của nhà thầu để tăng cường sự giám sát chéo của xã hội, cộng đồng nhà thầu với nhau, các cơ quan quản lý cũng thuận tiện trong việc kiểm tra, đối chiếu hồ sơ về nhà thầu; đồng thời có chế tài xử phạt đối với các hành vi gian lận để trục lợi trong đấu thầu, yêu cầu nhà thầu phải bồi thường các thiệt hại do hành vi gian lận gây ra một cách thích đáng.

Còn theo một chuyên gia về đấu thầu, khi xảy ra việc nhà thầu “đá nhầm sân” nhưng vẫn trúng thầu thì không có cơ quan nào đứng ra xử lý, giải quyết thỏa đáng nên nhà thầu vẫn liên tục tái diễn hành vi này. Vấn đề cốt lõi ở đây là thực tế xử lý không nghiêm hoặc có sự buông lỏng trong quản lý nên dẫn đến việc nhà thầu đã và đang có ý định “trục lợi” các chính sách ưu đãi về đấu thầu.         

Tin cùng chuyên mục