Chọn nhà thầu đủ năng lực cải tạo hạ tầng đường sắt

(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa chấp thuận đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 100 đường ngang thành các đường ngang cảnh báo tự động với kinh phí 170 tỷ đồng và hoàn thành trong năm 2018. 
Nhu cầu cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng đường sắt nói chung và các đường ngang dân sinh để đảm bảo an toàn giao thông là rất lớn. Ảnh: Nhã Chi
Nhu cầu cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng đường sắt nói chung và các đường ngang dân sinh để đảm bảo an toàn giao thông là rất lớn. Ảnh: Nhã Chi

Phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Sỹ Mạnh, Phó Tổng giám đốc VNR về kế hoạch và giải pháp để sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí này.

Ông có thể cho biết kế hoạch sử dụng 170 tỷ đồng của VNR là gì? 100 đường ngang được lựa chọn sửa chữa, nâng cấp lần này nằm ở đâu?

VNR được giao nhiệm vụ quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành trong cả nước, gồm tổng số 3.501 km đường sắt, trong đó có 2.548 km đường chính tuyến và 503 km đường nhánh. Số lượng giao cắt giữa đường sắt và đường bộ là rất lớn, tổng cộng là 5.726 điểm, trong đó có 645 đường ngang có người gác, 363 đường ngang cảnh báo tự động và 507 đường ngang có biển báo, ngoài ra còn 4.211 lối đi dân sinh tự mở.

Thực tế hiện nay cho thấy, tầm nhìn tại hầu hết  đường ngang đều bị vi phạm, dẫn đến tai nạn giao thông trên các đường ngang gia tăng đột biến, đặc biệt trong thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại các đường ngang có biển báo.

Trước thực trạng nguy cơ mất an toàn cao tại các vị trí điểm giao giữa đường sắt và đường bộ phòng vệ bằng biển báo, ngày 25/4/2017, VNR đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cho phép bổ sung danh mục 452 đường ngang biển báo lên cảnh báo tự động có cần chắn tự động và đường ngang có người gác (tại các vị trí đặc biệt trong ga) giai đoạn từ 2017 - 2020 để đẩy lùi và kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt tại các đường ngang về cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương.

Ngày 18/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao bổ sung dự toán ngân sách năm 2017 cho Bộ GTVT với tổng kinh phí 170 tỷ đồng để thực hiện nâng cấp, cải tạo các đường ngang đang tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn giao thông.

Sau đó, VNR đã tiến hành rà soát lựa chọn ra 100 đường ngang biển báo thường xuyên xảy ra tai nạn trong 3 năm qua (theo thống kê của Ban An ninh - An toàn giao thông đường sắt) và những đường ngang có lưu lượng người và xe qua lại lớn để báo cáo Bộ GTVT xem xét, chấp thuận cho phép thực hiện trước trong năm 2018.

Ngày 28/2/2018, Bộ GTVT đã có văn bản đồng ý triển khai nâng cấp, cải tạo sửa chữa đường ngang năm 2018, trong đó thống nhất chủ trương về danh mục, khối lượng, phương án thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo các đường ngang biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động và có người gác.

Chọn nhà thầu đủ năng lực cải tạo hạ tầng đường sắt ảnh 1
Ông Đặng Sỹ Mạnh
VNR có phương án gì để sử dụng hiệu quả nguồn vốn 170 tỷ đồng này?

Nhu cầu cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng đường sắt nói chung và các đường ngang dân sinh để đảm bảo an toàn giao thông là rất lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, VNR đã chủ động rà soát, ưu tiên lựa chọn các đường ngang biển báo thường xuyên xảy ra tai nạn, sự cố, các đường ngang phải bố trí cảnh giới để ưu tiên đầu tư nâng cấp trước với phương châm “đầu tư sớm một ngày sẽ ngăn chặn thêm một hiểm hoạ”, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Trong quá trình triển khai thực hiện, VNR sẽ rà soát các quy định của pháp luật để tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ, tránh những sai sót ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Trong công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện, VNR sẽ chọn nhà thầu tư vấn, xây lắp, cung cấp vật tư, thiết bị đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng. VNR cũng sẽ tổ chức quản lý dự án, thực hiện chế độ giám sát chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Và trong quá trình thi công sẽ lựa chọn các giải pháp công nghệ hợp lý, vừa đảm bảo chất lượng, an toàn, vừa hợp lý về giá. 

Trong bối cảnh thiếu nguồn lực đầu tư, VNR có phương án nào để huy động thêm nguồn lực để nâng cao chất lượng dịch vụ?

VNR là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được giao quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Vì vậy, việc kêu gọi đầu tư từ các nguồn lực bên ngoài (hình thức xã hội hoá) phải thực hiện theo quy định của Nhà nước về quản lý, đầu tư sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trước tình hình nguồn vốn bố trí cho các dự án đường sắt trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 không đủ để đáp ứng nhu cầu sửa chữa, cải tạo, nâng cao an toàn trên các tuyến đường sắt, đặc biệt là tại các vị trí điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông giữa đường sắt và đường bộ, VNR đã chủ động rà soát, đề xuất kịp thời các vị trí tiềm ẩn hiểm họa, từ đó đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phép ưu tiên nâng cấp, cải tạo kịp thời. Thời gian tới, VNR sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, các địa phương để đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. VNR cũng chủ động đề nghị và hướng dẫn các thủ tục để các địa phương, doanh nghiệp huy động nguồn lực đầu tư các hạng mục: đường gom, đường ngang, cầu vượt, hầm chui đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật (như tỉnh Đồng Nai, Quảng Trị); chủ động đề xuất các lý trình, dự án xã hội hoá, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để kêu gọi đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ ngành đường sắt.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục