Chủ đầu tư thờ ơ với hàng nội công nghệ cao

(BĐT) - Mua sắm công tập trung đối với sản phẩm công nghệ cao (CNC) sản xuất trong nước là nội dung được nhấn mạnh tại Dự thảo kiến nghị giải pháp khuyến khích phát triển sản phẩm CNC sản xuất trong nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Nhiều doanh nghiệp trong nước đã làm được những sản phẩm công nghệ cao. Ảnh: Tường Lâm
Nhiều doanh nghiệp trong nước đã làm được những sản phẩm công nghệ cao. Ảnh: Tường Lâm

Doanh nghiệp sẵn sàng, chủ đầu tư thờ ơ

Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, việc sử dụng các sản phẩm CNC xuất xứ trong nước vào các dự án đầu tư, trong đó có dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách còn rất hạn chế. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) trong nước đã làm chủ được công nghệ trong nhiều lĩnh vực như: sản xuất nước sạch, xử lý môi trường, chiếu sáng bằng đèn LED... Chính bất cập này khiến nhiều sản phẩm CNC chưa chiếm lĩnh được thị trường trong nước.

Đề cập về hạn chế trên, Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT cho hay, trên thực tế, một số DN trong nước  nghiên cứu, làm chủ được công nghệ lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn, rác thải y tế. Một số sản phẩm lò đốt đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao, thậm chí tốt hơn cả về công nghệ và tính ưu việt. Chẳng hạn như sản phẩm lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn (công suất 500kg/giờ). Sản phẩm này đáp ứng được yêu cầu cao về tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà nước, trong khi  chi phí đầu tư chỉ bằng 1/3 giá của các sản phẩm cùng loại trên thị trường, nhất là hàng nhập khẩu. Hay sản phẩm lò đốt rác thải y tế do DN trong nước sản xuất được cũng tương tự.

Căn nguyên của thực trạng này được đại diện Cục Phát triển DN chỉ ra là: “Vì các sản phẩm chưa được thương mại hóa, chưa nhận được sự ủng hộ của các chủ đầu tư/bên mời thầu. Mặt khác họ có thói quen sính dùng hàng ngoại, sợ chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, hoặc sản phẩm giá rẻ nên khó có được các khoản chi phí không chính thức hay tâm lý “e ngại” tiên phong sử dụng sản phẩm “nội”… Do đó, trong các hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu, các chủ đầu tư/bên mời thầu không hướng tới sản phẩm CNC xuất xứ trong nước mà áp đặt các tiêu chí kỹ thuật theo công nghệ ngoại”.

Trước yêu cầu cấp bách về bảo vệ môi trường hiện nay, Dự thảo kiến nghị đã đề xuất thí điểm lựa chọn hai sản phẩm CNC là lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn và lò đốt rác thải y tế để giải quyết các vấn đề bức thiết, về ô nhiễm môi trường do rác thải gây nên.

Hàng nội giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng

Khi các sản phẩm CNC sản xuất trong nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép mua sắm công tập trung sẽ tiết kiệm đáng kể cho ngân sách nhà nước
Trước thực trạng về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm CNC trong lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, rác thải sinh hoạt y tế, Dự thảo kiến nghị Thủ tướng cho phép thực hiện mua sắm công tập trung đối với số sản phẩm CNC sản xuất trong nước được lựa chọn theo quy định của Luật Đấu thầu. “Cách làm này sẽ không chỉ tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh mà còn khuyến khích các nhà khoa học, nhà sáng chế và DN trong nước không ngừng đổi mới, sáng tạo. Các DN trong nước có sản phẩm được lựa chọn sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, quy mô sản xuất nâng cao chất lượng cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, cách lựa chọn này sẽ giúp giảm thiểu chi phí, minh bạch trong hoạt động mua sắm công của các cơ quan nhà nước”, đại diện Ban soạn thảo cho biết.

Nhấn mạnh sự cần thiết cần phải khuyến khích mua sắm công tập trung sản phẩm CNC sản xuất trong nước, đại diện Cục Phát triển DN cho rằng: “Khi các sản phẩm CNC sản xuất trong nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép mua sắm công tập trung sẽ tiết kiệm đáng kể cho ngân sách nhà nước”. Ví dụ, nếu áp dụng mua sắm công tập trung sản phẩm lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn do DN trong nước sản xuất vào Chương trình Nông thôn mới, chúng ta sẽ chỉ cần đầu tư dưới 1 tỷ đồng/máy/xã, tiết kiệm khoảng từ 2 - 4 tỷ đồng cho mỗi xã để đạt tiêu chí về môi trường (1/19 tiêu chí nông thôn mới). Do vậy, với khoảng 2.000 xã nông thôn mới trên cả nước, chỉ cần dưới 2 nghìn tỷ đồng, tiết kiệm từ 4 nghìn - 8 nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

“Nếu cách làm này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, sau một thời gian Việt Nam sẽ có thêm nhiều sản phẩm công nghệ quốc gia đủ sức cạnh tranh trong nước và vươn ra thị trường thế giới. Đồng thời sự khích lệ, động viên toàn xã hội quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm đổi mới, sáng tạo khoa học công nghệ” – vị đại diện cơ quan soạn thảo dự cảm.

Tin cùng chuyên mục