Chưa chuyên nghiệp, khó đảm bảo quyền lợi của nhà thầu

(BĐT) - Sau hơn 3 năm triển khai, hoạt động đấu thầu qua mạng (ĐTQM) ngày càng đi vào cuộc sống. Do đó, những câu chuyện của các nhà thầu khi đề cập đến ĐTQM đã “sâu hơn” như: yêu cầu làm rõ hồ sơ mời thầu (E-HSMT), kiến nghị về E-HSMT… Nhưng trái lại, nhiều bên mời thầu (BMT) lại chưa bắt kịp những yêu cầu này của nhà thầu.
Bên mời thầu quên đính kèm bản vẽ thiết kế thi công trong hồ sơ mời thầu khiến nhà thầu gặp khó khi lập hồ sơ dự thầu. Ảnh minh họa
Bên mời thầu quên đính kèm bản vẽ thiết kế thi công trong hồ sơ mời thầu khiến nhà thầu gặp khó khi lập hồ sơ dự thầu. Ảnh minh họa

Quên bản vẽ, chậm trả lời kiến nghị

Liên tục trong thời gian qua, nhiều nhà thầu phản ánh đến Báo Đấu thầu tình trạng E-HSMT được các BMT phát hành thường sót những nội dung quan trọng, dẫn tới khó khăn cho các nhà thầu khi lập hồ sơ dự thầu (E-HSDT).

Cụ thể, trong E-HSMT một gói thầu xây lắp tại Đắk Lắk, BMT đã “quên” đính kèm bản vẽ thiết kế thi công của công trình. Đối với gói thầu xây lắp, bản vẽ thiết kế thi công được ví như một bộ khung rất quan trọng để nhà thầu lập phương án tổ chức thi công. Nếu E-HSMT thiếu nội dung này, nhà thầu gần như phải tự “mò mẫm” để xây dựng phương án thi công. “Điều này khiến E-HSDT của nhà thầu thiếu chuẩn xác, không chất lượng, và không đảm bảo các yêu cầu của E-HSMT. Tuy nhiên, điều đáng buồn là dù nhà thầu có thắc mắc, liên hệ trực tiếp với BMT nhưng BMT vẫn không cung cấp bản vẽ thiết kế thi công nhằm hoàn thiện E-HSMT”, một nhà thầu cho biết.

Một gói thầu mua sắm thiết bị đồ gỗ tại TP. Cần Thơ, E-HSMT cũng “bị” BMT quên phần bản vẽ kỹ thuật của hàng hóa. Khi nhà thầu yêu cầu cung cấp thì BMT lại cung cấp… sơ đồ bố trí thiết bị. Rõ ràng, chính những sự bỏ quên này của BMT trong các bộ E-HSMT đã trực tiếp dẫn đến nhiều bất cập, cản trở việc dự thầu của các nhà thầu.

Một tình trạng khác cũng đang khiến các nhà thầu mệt mỏi là việc kiến nghị về E-HSMT chưa được các BMT quan tâm đúng mực. Tại gói thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng do 1 BMT tại TP.HCM mời thầu đã “quên” văn bản kiến nghị của nhà thầu trong suốt gần 1 tuần lễ. Chỉ đến trước thời điểm đóng thầu hơn 10 tiếng đồng hồ, BMT mới có văn bản trả lời kiến nghị của nhà thầu này. “Thực sự là lần đầu tổ chức ĐTQM, chưa có nhiều kinh nghiệm, không sát sao nên mới dẫn đến tình huống này. Mặc dù nội dung kiến nghị của Nhà thầu và trả lời của BMT không dẫn tới sửa đổi, điều chỉnh E-HSMT nhưng chúng tôi rất lo lắng về quyền lợi của Nhà thầu bị ảnh hưởng”, BMT này cho biết.

Không lơ là, chủ quan

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều chủ đầu tư (CĐT)/BMT luôn khẳng định, “rất quan tâm và mong muốn được tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng. Bởi ĐTQM sẽ giúp cho BMT “nhàn” hơn rất nhiều”. Chữ “nhàn” ở đây thể hiện việc, E-HSMT được công khai, không phải túc trực bán, việc làm rõ E-HSMT, đóng/mở thầu, làm rõ E-HSDT, kiến nghị, công bố kết quả lựa chọn nhà thầu tự động công khai… Tuy nhiên, cũng vì tâm lý này mà không ít nơi, không ít BMT đang có dấu hiệu chủ quan, thiếu giám sát, thậm chí để xảy ra quá nhiều sơ suất khi tổ chức ĐTQM.

Bên cạnh đó, dường như nhiều BMT chưa quan tâm đúng mức đến việc trả lời các yêu cầu của nhà thầu về làm rõ E-HSMT. Cụ thể, nhiều gói thầu có hiện tượng nhà thầu vất vả kiến nghị nhưng BMT đủng đỉnh, chậm chạp phản hồi. Nhiều gói thầu buộc nhà thầu phải mang yêu cầu làm rõ E-HSMT đến tận địa chỉ BMT để được xử lý. “Điều này làm cho một số gói thầu tuy được lựa chọn nhà thầu qua mạng nhưng lại khiến nhà thầu vất vả, thiệt thòi hơn đấu thầu truyền thống”, một nhà thầu than phiền.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 8/2019, tỷ lệ các BMT, số gói thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng tăng rất cao. Rất nhiều cơ quan như Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có số gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng cao, chiếm tỷ lệ trên 25,6% đến 36,8%. Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng cho 8675 gói thầu, chiếm 40%. Một số địa phương có nhiều bứt phá, đưa ĐTQM “phủ sóng” như Bình Phước (61,4%), Bắc Ninh (33,4%), Bắc Kạn (24,9%)…

Đặc biệt, các cơ quan, địa phương này nhận được sự đồng thuận rất cao từ các nhà thầu khi tổ chức đấu thầu hiệu quả, chuyên nghiệp, không gây khó khăn cho các nhà thầu. Do đó, để đấu thầu qua mạng thực sự đem lại hiệu quả, cần các BMT chuyên nghiệp, coi trọng quyền lợi của nhà thầu dự thầu, từ đó tạo niềm tin cho các nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục