Cơ chế đặc thù xây dựng 8 dự án giao thông cấp bách tại Hà Nội

UBND TP. Hà Nội vừa cho ý kiến về cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng một số công trình cấp bách giảm ùn tắc giao thông của thành phố Hà Nội.

Sau khi nhận được Văn bản số 573/TTg-KTN, ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng một số công trình cấp bách giảm ùn tắc giao thông của TP. Hà Nội, UBND Thành phố đã giao các Sở bao gồm: Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục theo quy định, đảm bảo hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với các dự án có liên quan, đảm bảo tiến độ các dự án.

Trước đó, nhằm khẩn trương khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương triển khai thực hiện theo lệnh khẩn cấp, cấp bách và áp dụng hình thức giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng đối với 8 công trình dự án giao thông cấp bách.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nộii chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm; đồng thời, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm, không để thất thoát lãng phí, tiêu cực, bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông (cả trong quá trình thi công và khai thác) và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, hiệu quả công trình, đúng các quy định hiện hành.

Một số công trình giao thông cấp bách sẽ hoàn thành trong năm 2016 được Bộ GTVT và UBND. TP Hà Nội thống nhất triển khai như: Cải tạo mở rộng và cầu vượt tại nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc,  cầu vượt tại nút giao Bạch Mai - Lê Thanh Nghị,  cầu vượt tại nút giao Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái,  cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, Đường vành đai 3 dưới đất, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long...

Tin cùng chuyên mục