Cơ hội lớn cho nhà thầu kỷ nguyên 4.0

(BĐT) - Dữ liệu của Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia thuộc Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến nay đã định hình top 100 nhà thầu tham gia đấu thầu điện tử trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhiều nhất. 
Đấu thầu điện tử sẽ là sân chơi rộng rãi, không biên giới và là xu hướng tất yếu trong tương lai gần đối với công tác lựa chọn nhà thầu
Đấu thầu điện tử sẽ là sân chơi rộng rãi, không biên giới và là xu hướng tất yếu trong tương lai gần đối với công tác lựa chọn nhà thầu

Trong đó, nhiều nhà thầu như Tập đoàn Tuấn Ân, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hải Đăng, Công ty TNHH Cơ điện Phương Đông, Công ty CP Thiết bị điện Sài Gòn, Công ty CP Địa ốc cáp điện Thịnh Phát… đã xây dựng cho mình thương hiệu rất tốt, có tính lan tỏa toàn quốc đối với đấu thầu qua mạng.

Những nhà thầu tiên phong

Vốn là một “ông lớn” trong lĩnh vực thiết bị điện, trong khoảng 3 năm trở lại đây, Tập đoàn Tuấn Ân đã và đang trở thành lá cờ tiên phong, là niềm cảm hứng lớn cho cộng đồng các nhà thầu khi ghi dấu ấn mạnh mẽ trong đấu thầu qua mạng. Trong buổi trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trần Thiện Chương, Giám đốc Công ty CP Thiết bị điện Tuấn Ân - đơn vị chủ lực của Tập đoàn Tuấn Ân khẳng định, đấu thầu điện tử là con đường để hoạt động đấu thầu đạt sự công khai, minh bạch và công bằng với tất cả các nhà thầu; phương thức này giúp các nhà thầu tự hoàn thiện, nâng cao sức cạnh tranh.

Còn nhớ, vào thời điểm 30/4/2017, Tuấn Ân đã đạt kỷ lục về số gói thầu từng tham gia đấu thầu qua mạng, là 435 gói thầu. Đến nay, con số này đã tăng trưởng như vũ bão bởi Tuấn Ân đã thông qua đấu thầu qua mạng thực sự xâm nhập được rất nhiều thị trường xa tại miền Bắc, miền Trung. Lãnh đạo tập đoàn này nhận xét, đấu thầu điện tử với tần số dày đặc, thường xuyên đã giúp Tuấn Ân nhận thấy hiệu quả rõ rệt của hình thức đấu thầu này. “Đấu thầu điện tử giúp Tuấn Ân vận hành bộ máy tham gia đấu thầu một cách hiệu quả, nhanh gọn. Sau những bỡ ngỡ ban đầu và kể cả những trục trặc kỹ thuật khó tránh khỏi khi tham gia đấu thầu điện tử, chúng tôi đã tận dụng tốt những tiện ích của đấu thầu điện tử đem lại cho mình. Điều này cũng giúp Tuấn Ân tính toán giá dự thầu hợp lý sau khi trừ các chi phí so với đấu thầu truyền thống”, đại diện nhà thầu này khẳng định.

Với Công ty CP Thang máy Thiên Nam, những tiện ích đến từ đấu thầu qua mạng lại có sức tác động rất nhanh và hiệu quả. Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Tấn Vũ, Giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam đã chia sẻ kinh nghiệm đáng nhớ về đấu thầu qua mạng với một nhà thầu lâu nay chỉ tham gia đấu thầu truyền thống: “Công ty Điện lực Tây Ninh tổ chức mời thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia Gói thầu Cung cấp và lắp đặt thiết bị thang máy thuộc Dự án Mở rộng Nhà điều hành Công ty Điện lực Tây Ninh. Gói thầu này yêu cầu cung cấp 2 chiếc thang máy tải khách, loại có phòng máy. Theo hồ sơ mời thầu (HSMT) được bên mời thầu công bố, yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu này có nội dung hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Về hãng sản xuất, xuất xứ, HSMT đưa ra những yêu cầu phù hợp với quy định, tuy nhiên về mã hiệu, HSMT lại yêu cầu “NEXIEZ Series – MR hoặc tương đương”. Theo Nhà thầu Thiên Nam, về mã hiệu, HSMT đã chỉ đích danh một model của nhãn thang máy Mitsubishi (Nhật Bản), do đó, để các nhà thầu chào tương đương mẫu model này là rất khó.

Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia giúp nhà thầu có thêm cơ hội tham gia gói thầu và góp phần hạn chế tiêu cực trong quá trình lựa chọn nhà thầu

Thông qua thư điện tử, Nhà thầu Thiên Nam có gửi đến Bên mời thầu những thắc mắc của mình về nội dung có tính hạn chế nhà thầu. “Chúng tôi thực sự vui mừng vì Bên mời thầu sớm phản hồi và lập tức có điều chỉnh nội dung HSMT trên Hệ thống. Rõ ràng, đấu thầu qua mạng giúp Bên mời thầu lẫn nhà thầu tiếp cận vấn đề khi triển khai đấu thầu rất nhanh. Trong khi những kiến nghị trong đấu thầu truyền thống hiện vẫn thường bị kéo dài thời gian xử lý khiến quyền lợi của nhà thầu bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Tấn Vũ đánh giá.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu như Công ty TNHH Cơ điện Phương Đông, Công ty CP Thiết bị điện Sài Gòn… - những nhà thầu đã mở đường cho rất nhiều nhà thầu khác trên con đường tích cực tham gia đấu thầu qua mạng - nhận xét, việc tiếp cận với các gói thầu ngày càng dễ dàng hơn, thông tin minh bạch hơn, tức là sự cạnh tranh ngày càng tăng. Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, không ngừng cải tiến sản phẩm nếu muốn trúng thầu.

Bên mời thầu càng có nhiều lựa chọn

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM Phạm Quốc Bảo cho biết, thông tin hoạt động đấu thầu được công khai thì việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh cũng dễ dàng hơn, đi kèm công khai kết quả lựa chọn nhà thầu sẽ giúp nhà thầu nhận thấy được những hạn chế, điểm mạnh, điểm yếu, những thách thức đến từ đối thủ cạnh tranh. Từ đó, doanh nghiệp càng có cơ sở để đề ra hướng đi cho doanh nghiệp trong môi trường đấu thầu điện tử.

Ông Phạm Quốc Bảo cho biết, thông tin gói thầu được công bố rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống) từ Tổng công ty Điện lực TP.HCM cũng như đơn vị trực thuộc sẽ tăng thêm số lượng nhà thầu quan tâm tham gia gói thầu và góp phần hạn chế tiêu cực trong lựa chọn nhà thầu. Theo đó, tất cả các bước trong quy trình lựa chọn nhà thầu gồm thông báo mời thầu, phát hành hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu, biên bản mở thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu... đều được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đồng thời Hệ thống có tính bảo mật cao nên đảm bảo tính công bằng, minh bạch. ‘‘Điều quan trọng nhất là trong đấu thầu qua mạng, nhà thầu không tiếp xúc trực tiếp với chủ đầu tư, bên mời thầu trong thời gian phát hành HSMT, do đó giảm thiểu được các tiêu cực có thể có trong đấu thầu như hạn chế tình trạng cản trở nhà thầu mua HSMT", ông Bảo chia sẻ.

Cơ hội lớn cho nhà thầu kỷ nguyên 4.0 ảnh 3
Lãnh đạo ngành điện TP.HCM cũng khẳng định, chính vì phạm vi không giới hạn, mọi nhà thầu đều được khuyến khích tham gia nên công tác lựa chọn nhà thầu của Tổng công ty cũng như các đơn vị trực thuộc đều có nhiều lựa chọn, do đó, dễ dàng tìm được nhà thầu có năng lực, đáp ứng yêu cầu cũng như đem lại giá trị tiết kiệm cao.

Các nhà thầu nhận định, sẽ ngày càng nhiều nhà thầu tích cực tham gia đấu thầu điện tử hơn ở mọi lĩnh vực chứ không chỉ riêng ngành điện. Vì đấu thầu điện tử sẽ là sân chơi rộng rãi, không biên giới và giúp hạn chế tối đa tiêu cực trong đấu thầu. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong tương lai gần đối với công tác lựa chọn nhà thầu, mở đường cho các nhà thầu thực sự muốn nắm bắt, làm chủ các cơ hội tiếp cận thị trường mua sắm chính phủ thời đại công nghệ 4.0 tại Việt Nam.

Đấu thầu qua mạng giúp nâng cao năng lực của bên mời thầu

Bà Nguyễn Thụy Phương Thảo, Phó Giám đốc Sở Tài chính Bình Phước, Tổ trưởng Tổ mua sắm tài sản tập trung Bình Phước

“Đấu thầu qua mạng đang dần trở thành xu thế tất yếu bởi những ưu việt của nó như rất mở, công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia đấu thầu. Để đấu thầu qua mạng thực sự hiệu quả, đi vào cuộc sống, các địa phương cần nhanh chóng nhập cuộc. Tham gia đấu thầu qua mạng sẽ giúp các bên mời thầu tiếp cận với các tiện ích mà hình thức lựa chọn nhà thầu này mang lại. Thông qua những cọ xát trong đấu thầu qua mạng, chúng tôi tin, năng lực của các bên mời thầu sẽ được cải thiện rất nhanh”.

Tin tưởng vào sự minh bạch, công khai mà đấu thầu qua mạng đem lại

Ông Lê Thái Bình, Giám đốc  Công ty CP Công nghệ Tin Việt Tiến

“Tham gia đấu thầu nhiều gói thầu cung cấp thiết bị theo phương thức truyền thống, chúng tôi nhận thấy tình trạng bưng bít thông tin, ém HSMT còn khá phổ biến. Điều này đã khiến các nhà thầu phần nào mất niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật về đấu thầu. Nếu tổ chức đấu thầu qua mạng, sẽ giúp xóa bỏ triệt để tình trạng này. Rõ ràng, đấu thầu qua mạng nếu triển khai rộng, nhiều tại các địa phương, các ngành và lĩnh vực thì sẽ lấy lại niềm tin cho nhà thầu. Đấu thầu qua mạng là không gian mở, công bằng và chính xác để các nhà thầu cạnh tranh, đem lại hiệu quả kinh tế cho ngân sách”.

Chắc chắn không còn mỏi mắt vì đi mua hồ sơ mời thầu

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng thủy lợi 2

“Tham gia thị trường đấu thầu, mua sắm công đã lâu, chúng tôi rất thấm sự mệt mỏi đối với những gói thầu mà chủ đầu tư cố tình bưng bít thông tin. Đối với những gói thầu đó, dẫu có cố gắng, kiên trì thế nào để có được HSMT thì các nhà thầu cũng không còn tin vào sự minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà thầu nữa. Do đó, bằng đấu thầu qua mạng, cách thức hạn chế cao nhất sự tiếp xúc giữa các bên, sự bưng bít thông tin thì các gói thầu sẽ được triển khai tốt hơn. Nhà thầu lúc này cũng chỉ tập trung thi thố với nhau bằng năng lực thực sự, bằng giá chào thầu cạnh tranh thực sự”.

Hi vọng cấp huyện được nâng cao năng lực đấu thầu qua mạng

Ông Đoàn Tấn Lực, Trưởng ban Ban Quản lý dự án huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai)

“Chúng tôi đã và đang tổ chức lựa chọn nhà thầu theo các cách thức truyền thống. Tuy nhiên, đấu thầu qua mạng là nội dung mà các đơn vị được giao tổ chức đấu thầu cấp huyện rất quan tâm và dành nhiều thời gian để học hỏi. Chính các gói thầu mua sắm do đơn vị cấp huyện quản lý lại rất phù hợp về quy mô, tính chất để lựa chọn nhà thầu qua mạng. Do đó, chúng tôi mong muốn được nâng cao năng lực, hiểu biết về đấu thầu qua mạng để có thể triển khai sớm nhất các gói thầu mà mình quản lý”.

Tin cùng chuyên mục