Công khai HSMT trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

(BĐT) - Khó tiếp cận, không mua được hồ sơ mời thầu (HSMT) có lẽ là một trong những nội dung được phản ánh nhiều nhất của nhà thầu trong các kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng. 
Việc bắt buộc công khai HSMT trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ giúp giải quyết triệt để hiện tượng hạn chế nhà thầu tiếp cận HSMT. Ảnh: Lê Tiên
Việc bắt buộc công khai HSMT trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ giúp giải quyết triệt để hiện tượng hạn chế nhà thầu tiếp cận HSMT. Ảnh: Lê Tiên

Vấn nạn này chỉ thực sự được giải quyết triệt để nhờ cơ chế buộc các bên mời thầu phải công khai HSMT, hồ sơ yêu cầu (HSYC), bản yêu cầu báo giá trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngay cả khi gói thầu chưa áp dụng đấu thầu qua mạng (ĐTQM).

Vô vàn lý do né tránh bán hồ sơ

Mặc dù pháp luật về đấu thầu đưa ra nhiều quy định tạo điều kiện cho các nhà thầu có thể tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng HSMT nhưng trên thực tế, ngay từ khâu đầu tiên của quá trình lựa chọn nhà thầu này đã nảy sinh quá nhiều hiện tượng tiêu cực. Các bên mời thầu luôn có vô vàn lý do để từ chối, né tránh và tìm mọi cách trì hoãn càng muộn càng tốt việc bán hồ sơ cho nhà thầu.

Qua Đường dây nóng của Báo Đấu thầu, có rất nhiều phản ánh của nhà thầu về việc không mua được HSMT như: địa chỉ phát hành HSMT “tù mù”, trì hoãn việc bán hồ sơ bằng những lý do: cán bộ bán hồ sơ đi vắng, hồ sơ hết và phải chờ photo thêm, hẹn nhà thầu quay lại mua hồ sơ vào ngày cận kề, thậm chí đúng vào ngày đóng thầu… Đó là chưa kể đến việc một số bên mời thầu tìm cách phát hành HSMT vào những dịp có nhiều ngày nghỉ, ngày lễ nhằm rút ngắn thời gian nhà thầu có thể tiếp cận được HSMT.

Theo chuyên gia đấu thầu, việc cố tình né tránh, trốn tránh bán HSMT cho nhà thầu có thể được coi là hành vi cản trở đối với nhà thầu, thuộc hành vi bị cấm theo Điểm b Khoản 5 Điều 89 Luật Đấu thầu. Đối với hành vi này, theo quy định tại Khoản 5 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì hình thức xử phạt là cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Báo Đấu thầu chưa ghi nhận được bất cứ một trường hợp nào về việc xử phạt các bên liên quan trong quá trình đấu thầu vì lý do né tránh, trốn tránh bán HMST. 

Không đấu thầu qua mạng vẫn phải công khai hồ sơ

ĐTQM được triển khai tại Việt Nam đã được 10 năm (kể từ năm 2009), trong đó đã có 3 năm được triển khai chính thức. Theo đánh giá của chuyên gia đấu thầu, thông tin về đấu thầu công khai, minh bạch hơn và liên tục được cập nhật đã tạo điều kiện cho các nhà thầu tra cứu, tiếp cận thông tin đấu thầu dễ dàng, kịp thời và đáng tin cậy hơn.

Đáng chú ý, việc công khai thông tin đấu thầu khi thực hiện ĐTQM sẽ “xóa nhòa” khoảng cách về không gian, thời gian, không bị tác động, ảnh hưởng bởi các yếu tố chủ quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Minh chứng rõ nhất là có những gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đã thu hút tới 21 nhà thầu tham gia, rất nhiều gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng ghi nhận số lượng nhà thầu tham dự trên 15 nhà thầu, đây là dấu hiệu cho thấy tính cạnh tranh được nâng cao rất nhiều, cần được nhân rộng và tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa.

Với ưu thế đó từ ĐTQM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những định hướng chính sách cụ thể trong việc tăng cường công khai, minh bạch trong đấu thầu ngay từ việc phát hành HSMT/HSYC.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đề nghị bên mời thầu có thể đính kèm file HSYC, file bản yêu cầu báo giá, file HSMT, file hồ sơ mời quan tâm, file hồ sơ mời sơ tuyển và đăng tải đồng thời với thông báo mời chào hàng, thông báo mời thầu, thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để nhà thầu/nhà đầu tư có thể tải miễn phí các file hồ sơ này nhằm tăng tính cạnh tranh của gói thầu/dự án. Tuy nhiên, đối với những gói thầu không áp dụng ĐTQM, việc triển khai quy định này trên thực tế không được các bên mời thầu thực hiện, các phản ánh của nhà thầu về việc không mua được HSMT vẫn không hề thuyên giảm.

Mới đây, Bộ KH&ĐT đã có Văn bản số 4652/BKHĐT-QLĐT ngày 05/7/2019  thúc đẩy triển khai áp dụng ĐTQM đáp ứng chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 cũng một lần nữa nhấn mạnh đề nghị các bên mời thầu thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện đề xuất trên đối với các gói thầu không áp dụng ĐTQM.

Đáng chú ý, Bộ KH&ĐT đang tổ chức soạn thảo Thông tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng thay thế Thông tư liên tịch 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC. Trong đó, Dự thảo thông tư mới này hiện đang có định hướng yêu cầu bắt buộc đối với gói thầu được tổ chức đấu thầu không qua mạng, bên mời thầu phải đính kèm các tài liệu (gồm: quyết định phê duyệt HSMT, HSYC, yêu cầu báo giá; HSMT, HSYC, yêu cầu báo giá đã duyệt) giúp cho tổ chức, cá nhân quan tâm có thể tải về các tài liệu này để lập hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, báo giá.

Đây là yêu cầu bắt buộc nhằm giải quyết triệt để các hiện tượng tiêu cực trong phát hành HSMT, tăng cường tính công khai, minh bạch và nâng cao hơn nữa hiệu quả cạnh tranh trong đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục