Công khai, minh bạch mua sắm tài sản nhà nước

(BĐT) - Bộ Tài chính vừa gửi công văn tới các bộ, ngành, địa phương nhằm đốc thúc thực hiện việc mua sắm tài sản nhà nước (TSNN) theo phương thức tập trung.
 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Công bố tài sản nhà nước mua sắm tập trung trước 30/6/2016

Trong công văn gửi các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính yêu cầu phải tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc mua sắm tập trung như Luật Đấu thầu 2013; Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu Quyết định 08/2016/QĐ-TTg về mua sắm TSNN theo phương thức tập trung.

Bộ Tài chính cũng “đốc” các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh công bố Danh mục tài sản mua sắm tập trung (MSTT) trước 30/6/2016. Danh mục tài sản MSTT phải đáp ứng một trong các điều kiện là mua sắm với số lượng lớn hoặc chủng loại hàng hóa, dịch vụ được sử dụng phổ biến tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị; hàng hóa có yêu cầu tính đồng bộ, hiện đại; đảm bảo không trùng lắp với Danh mục MSTT cấp quốc gia do Bộ Tài chính và Bộ Y tế công bố.

Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai cho biết, việc MSTT ở các bộ, ngành, địa phương cũng như ở cấp quốc gia phải thực hiện theo nguyên tắc không thành lập mới đầu mối, không bổ sung biên chế đối với đầu mối hiện hành. Trong thời gian chưa tổ chức sắp xếp lại đầu mối MSTT hoặc không có đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng cung cấp dịch vụ công về tài chính, tài sản, y tế, các bộ ngành, UBND cấp tỉnh phải giao cho một đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nhiệm vụ MSTT theo mô hình kiêm nhiệm.

Theo quy định hiện hành (Thông tư 34/2016/TT-BTC) thì từ năm 2016 MSTT cấp quốc gia sẽ được áp dụng đối với xe ô tô, bao gồm, xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dụng (trừ xe ô tô chuyên dụng có gắn kèm trang thiết bị chuyên dụng, xe ô tô có cấu tạo đặc biệt theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, xe ô tô chuyên dụng tại đơn vị vũ trang nhân dân). Các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh phải tổng hợp nhu cầu mua sắm xe ô tô của bộ, ngành, địa phương mình và gửi về Bộ tài chính trước ngày 30/5/2016.

Đối với MSTT cấp bộ, ngành, địa phương, theo Thông tư 35/2016/TT-BTC thì các bộ ngành, địa phương tùy theo tính chất, đặc điểm và điều kiện thực tế của mình để công bố Danh mục MSTT trước ngày 30/6/2016.

Dù MSTT cấp quốc gia hay MSTT ở các bộ, ngành, địa phương, bà Mai cho biết, Bộ Tài chính đều yêu cầu Kho bạc Nhà nước các cấp thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ, không thanh toán các khoản kinh phí mua sắm tài sản thuộc Danh mục MSTT nhưng không thực hiện MSTT hoặc hợp đồng mua sắm tài sản không phù hợp với thỏa thuận khung và quy định của pháp luật.

Mua sắm tập trung chống được lãng phí, tiêu cực

Khi tổ chức đấu thầu mua ô tô công khai, minh bạch, chắc chắn sẽ không còn câu chuyện mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức; chấm dứt được lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong mua sắm tài sản công. Đơn vị sử dụng không được trực tiếp mua ô tô công nên không thể “nhập nhèm”, trong khi đó, đơn vị MSTT quốc gia đứng ra tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu lại không trực tiếp ký hợp đồng mua bán và trả tiền mua tài sản nên cũng không có cơ hội tiêu cực”
Theo số liệu của Bộ Tài chính, cả nước hiện có khoảng gần 40.000 xe ô tô công (chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước) nên hàng năm phải chi phí đầu tư, sửa chữa, thay thế vô cùng lớn. Tình trạng mua xe ô tô vượt tiêu chuẩn, định mức diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là ở các địa phương. Không ít địa phương sẵn sàng giảm chi ngân sách cho y tế, giáo dục… để dành tiền để sắm “xe sang” đưa đón, phục vụ lãnh đạo. Để chấm dứt tình trạng này, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính cho biết, ngay từ năm 2007, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 179/2007/QĐ-TTg thí điểm mua sắm ô tô công và TSNN tập trung tại 23 bộ, ngành, địa phương. Kết quả là, sau 5 năm thực hiện thí điểm, số tiền chênh lệch giữa dự toán và số thực tế mua sắm tài sản theo phương thức tập trung là hơn 467 tỷ đồng.

“MSTT thực hiện với số lượng lớn, nên theo đúng cơ chế thị trường, khi mua với số lượng nhiều chắc chắn giảm được giá so với mua đơn lẻ. Không những thế, khi mua nhiều, khách hàng hoàn toàn có quyền đặt hàng với nhà sản xuất để mua được đúng sản phẩm theo tiêu chuẩn, định mức, yêu cầu quản lý” - ông Thắng khẳng định.

Liên quan đến việc MSTT quốc gia đối với xe ô tô công năm 2016, ông Thắng cho biết, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát nhu cầu mua sắm, đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, định mức theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính (đơn vị MSTT quốc gia) thực hiện lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu và ký Thỏa thuận khung với đơn vị trúng thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn. Các cơ quan, đơn vị sử dụng xe ô tô trực tiếp ký hợp đồng mua bán, thanh toán, tiếp nhận xe với đơn vị trúng thầu trên cơ sở Thỏa thuận khung đã ký.

“Khi tổ chức đấu thầu mua ô tô công khai, minh bạch, chắc chắn sẽ không còn câu chuyện mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức; chấm dứt được lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong mua sắm tài sản công. Đơn vị sử dụng không được trực tiếp mua ô tô công nên không thể “nhập nhèm”, trong khi đó, đơn vị MSTT quốc gia đứng ra tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu lại không trực tiếp ký hợp đồng mua bán và trả tiền mua tài sản nên cũng không có cơ hội tiêu cực” - ông Thắng nhấn mạnh.

Đối với các loại TSNN khác, theo ông Thắng, thực hiện MSTT chắc chắn sẽ hạn chế được tiêu cực, lãng phí, thất thoát vì đầu mối MSTT tại các bộ, ngành, địa phương (hiện có khoảng 1.000 đơn vị và sẽ được giảm xuống còn 127 đơn vị), kể từ ngày 10/4/2016 bắt buộc phải công khai trên Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương có liên quan và Trang thông tin về TSNN về số lượng tài sản; chủng loại tài sản; dự toán; nguồn vốn mua sắm tài sản; công khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, đầu mối thực hiện MSTT còn phải công khai đơn giá tài sản mua sắm; hình thức mua sắm tài sản; nhà thầu cung cấp tài sản; các khoản hoa hồng, chiết khấu, khuyến mãi (nếu có) khi thực hiện mua sắm.

Tin cùng chuyên mục