Đấu thầu Dự án Thu giá không dừng giai đoạn 2: Cuộc đua của nhiều “ông lớn”

(BĐT) - Qua sơ tuyển rộng rãi, Dự án Thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 thực hiện theo hình thức PPP đã thu hút sự tham gia của rất nhiều nhà đầu tư. Cuộc đua sẽ cạnh tranh hơn, rất khác con đường mà Công ty CP Tasco trở thành nhà đầu tư Dự án giai đoạn 1.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giảm tổng mức đầu tư

Đề xuất Dự án Thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 được phê duyệt ngày 7/6/2016, với tên gọi ở bước phê duyệt đề xuất dự án là Dự án Thu phí tự động không dừng đối với các trạm thu phí thuộc khu vực miền Trung, miền Nam và do Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tài trợ vốn theo hợp đồng BOO. Tổng mức đầu tư phê duyệt tại đề xuất dự án là 2.122 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư công nghệ hạ tầng Vietin (Vietinf) là nhà đầu tư đề xuất dự án.

Trước đó, Dự án Thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc - giai đoạn 1 áp dụng đối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hợp đồng BOO đã được chỉ định thầu cho Liên danh TASCO - VETC thực hiện. Tổng mức đầu tư của Dự án là 1.524 tỷ đồng, lắp đặt hệ thống thu phí không dừng trên 28 trạm BOT.

Khi đề xuất Dự án giai đoạn 2 được công bố cách đây gần 2 năm với nhà đầu tư lập đề xuất là Vietinf gồm các cổ đông sáng lập là Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, Công ty CP Xây dựng cầu đường Sài Gòn, rất nhiều ý kiến chuyên gia khuyến nghị, để bảo đảm cạnh tranh, minh bạch, cần phải đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án giai đoạn 2.

Thực hiện Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định 30/2015/NĐ-CP, sau khi đề xuất dự án được công bố, ngày 9/4/2018, Dự án giai đoạn 2 bắt đầu được sơ tuyển rộng rãi. Tổng mức đầu tư lúc này đã giảm còn 1.751 tỷ đồng. 

Đông đảo ông lớn tham gia

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải), qua 1 tháng phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, đã có 12 nhà đầu tư mua hồ sơ, gồm: Công ty CP Đầu tư công nghệ hạ tầng Vietin (Vietinf), Công ty CP VETC, Công ty CP Giải pháp tòa nhà thông minh (IBS), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty CP Viễn thông tin học - bưu điện (CTIN), Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT, Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ Trí Nam, Công ty CP Xây dựng và Lắp đặt viễn thông, Công ty CP Itera Việt Nam, Công ty TNHH Thăng Long L.T, Công ty TNHH Tiền Phong, Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch (Newtatco).

Ngày 9/5/2018, Dự án đóng sơ tuyển. 7 nhà đầu tư đã nộp hồ sơ dự sơ tuyển đúng quy định, gồm: Liên danh ETC - DLHC - Newtatco, Liên danh Vietinf - VietinBank Capital - VVT - DTS, Liên danh CTIN - VNPT, Liên danh Thăng Long L.T - Hải Thạch - SBRC, Liên danh Viettel - ITD, Liên danh Alpha - Tasco - VETC, Liên danh IBS - Vinaconex. Trong danh sách này, dễ nhận thấy nhiều “ông lớn” như Tasco, Viettel, VNPT… Trong đó, Liên danh Tasco - VETC là nhà đầu tư đã được lựa chọn cho Dự án giai đoạn 1, Viettel đã từng thể hiện sự quan tâm, muốn tham gia lắp đặt hệ thống thu giá không dừng tự động trên các trạm BOT do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC quản lý.

Trong cuộc đua này, Vietinf có lợi thế là nhà đầu tư lập đề xuất dự án. Thứ hai, các cổ đông sáng lập của Vietinf ban đầu hoặc là nhà đầu tư hoặc có liên quan tới VietinBank - ngân hàng tài trợ vốn nhiều trạm BOT thuộc phạm vi Dự án giai đoạn 2. Tuy nhiên, với nhiều tên tuổi tham gia sơ tuyển, cuộc đua để trở thành nhà đầu tư Dự án Thu giá không dừng giai đoạn 2 đã cạnh tranh hơn. Vietinf liệu có được lựa chọn là nhà đầu tư dự án do mình đề xuất hay không còn là một ẩn số.  

Tin cùng chuyên mục