Đấu thầu lại gạo dự trữ: Xuất hiện những tên tuổi mới

(BĐT) - Ngày 12/5/2020, Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực TP.HCM (bên mời thầu - BMT) đã tổ chức đóng/mở 7 gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia (DTQG) năm 2020. Đây là các gói thầu thuộc Dự án Cung cấp gạo nhập kho DTQG năm 2020 cho các chi cục đã buộc phải hủy thầu do các nhà thầu từ chối ký hợp đồng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.

7 nhà thầu dự thầu

Cả 7 gói thầu có thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 17/4/2020 đến thời điểm đóng thầu (9 giờ ngày 12/5/2020). 7 gói thầu sẽ cung cấp 6.500 tấn gạo nhập kho DTQG năm 2020 tại các chi cục trực thuộc Cục DTNN khu vực TP.HCM, với tổng giá dự toán là 71,216 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, đến thời điểm đóng thầu, 7 gói thầu trên thu hút 7 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT). Đó là: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Bình Minh Hai (tham gia 3 gói: 1, 2, 3), Công ty CP Lương thực Cao Lạng (tham gia 4 gói: 4, 5, 6, 7), Công ty CP Lương thực Đông Bắc (tham gia 3 gói: 4, 6, 7), Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh (tham gia 2 gói: 1, 6), Công ty TNHH Việt Phát Hưng (tham gia 2 gói: 4, 5), Công ty TNHH Kim Hằng (tham gia 6 gói: 1, 3, 4, 5, 6, 7) và Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (tham gia 3 gói: 1, 2, 3).

Theo BMT, hai nhà thầu Kim Hằng và Lộc Trời được ghi nhận lần đầu tiên tham gia đấu thầu cung cấp gạo nhập kho DTQG tại khu vực TP.HCM. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh “đìu hiu” thường thấy của các gói thầu gạo dự trữ.

Ông Đinh Quang Thành, Cục trưởng Cục DTNN khu vực TP.HCM cho biết, do tiến độ gấp về thời điểm bàn giao gạo tại kho của 7 gói thầu này (30/6/2020) nên BMT sẽ đẩy nhanh thời gian đánh giá HSDT. “Chúng tôi sẽ nhanh chóng đánh giá HSDT để sớm lựa chọn được đơn vị cung cấp, thương thảo, ký hợp đồng đúng tiến độ. Tránh việc bàn giao gạo nhập kho chậm trễ, rơi vào mùa mưa sẽ khó khăn cho cả nhà thầu lẫn BMT”, ông Thành cho biết.

Yêu cầu thoáng hơn về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu, chặt hơn về chất lượng gạo

Trong việc tổ chức đấu thầu cung cấp gạo nhập kho DTQG năm 2020 trên toàn quốc, đây là lần đầu tiên các BMT bắt buộc áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về DTNN đối với gạo ban hành kèm theo Thông tư số 78/2019/TT-BTC ngày 12/11/2019 của Bộ Tài chính. Do đó, theo đại diện Tổ chuyên gia xét thầu các gói thầu cung cấp gạo của Cục DTNN khu vực TP.HCM, “tiêu chuẩn gạo nhập kho đã cao hơn cả gạo xuất khẩu với những chỉ tiêu khắt khe. Tuy nhiên, BMT phải tính toán rất kỹ để trong bối cảnh không có nhiều nhà thầu tham gia đấu thầu cung cấp gạo nhập kho, các HSMT phải thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo nhà thầu”.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, HSMT các gói thầu cung cấp gạo nhập kho do Cục DTNN khu vực TP.HCM phát hành được các nhà thầu đánh giá là “cởi mở, thuận lợi, và tạo ra nhiều cơ hội dự thầu cho các nhà thầu”.

Cụ thể, phần tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, mục kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự, HSMT yêu cầu: “Từ ngày 1/1/2017 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu phải hoàn thành toàn bộ tối thiểu 1 hợp đồng cung cấp gạo tương tự với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh). Trong các hợp đồng cung cấp gạo tương tự mà nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ, phải có 1 hợp đồng đáp ứng: giá trị tối thiểu bằng 50% tổng giá trị gói thầu mà nhà thầu tham dự. Trường hợp hợp đồng cung cấp nhiều loại hàng hóa thì phần giá trị cung cấp gạo trong hợp đồng phải đạt tối thiểu 50% tổng giá trị gói thầu mà nhà thầu tham dự”.

Nếu như phần năng lực, kinh nghiệm được BMT “mở” rộng cửa cho đông đảo nhà thầu thì tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, chất lượng của gạo cung cấp lại “siết” mạnh hơn so với trước để tăng chất lượng gạo.

Cụ thể, gạo phải được sản xuất trong vụ Đông Xuân năm 2020, loại hạt dài, với các yêu cầu chi tiết về cảm quan như màu sắc, mùi vị, tạp chất, đánh bóng, sinh vật hại, chỉ tiêu chất lượng... Bên cạnh đó còn một số yêu cầu về tiêu chuẩn đặc thù của gạo nhập kho như: độ ẩm 14%, tiêu chuẩn về dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật, giới hạn tối đa độc tố vi nấm cho phép…

Tin cùng chuyên mục