Đấu thầu thuốc rơi vào tay nước ngoài

(BĐT) - Trên thị trường chứng khoán nửa năm trở lại đây, cổ phiếu các doanh nghiệp ngành dược đã có mức tăng trưởng ấn tượng, vượt qua mức tăng trưởng bình quân của thị trường. Kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp trong ngành củng cố cho việc tăng giá cổ phiếu nói trên. Tuy nhiên đó chưa là tất cả.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nghịch lý vẫn tồn tại

Trên thực tế, thị trường dược Việt Nam đang được các tổ chức nước ngoài đánh giá cao, và không tránh khỏi con mắt của các quỹ đầu tư khi hầu hết các doanh nghiệp dược ăn nên làm ra đều đã kín “room” ngoại (tỷ lệ sở hữu tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài). Lời hứa hẹn nới room, việc mở rộng công suất, cùng những cái bắt tay với doanh nghiệp nước ngoài trong công tác sản xuất kinh doanh, nghiên cứu sản phẩm mới...

Thế nhưng, có một nghịch lý vẫn tồn tại bấy lâu nay trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dược. Trên thị trường dược Việt Nam, kênh phân phối chính là hệ thống các bệnh viện dưới hình thức thuốc được kê đơn (ETC) chiếm khoảng 70%, còn lại được bán lẻ ở hệ thống quầy thuốc (thuốc không kê đơn - OTC). Thế nhưng, quan sát cơ cấu doanh thu các doanh nghiệp dược nội địa, điều thấy rõ nhất là tỷ trọng doanh thu ETC đang có xu hướng ngày càng giảm, đóng góp rất ít vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Ví dụ với ông lớn Dược Hậu Giang, doanh thu ETC năm 2015 chỉ ở vào khoảng 9% (trong khi mục tiêu đề ra cũng chỉ 10%). Với Traphaco, tỷ lệ này năm 2015 ở vào khoảng 19%, giảm sâu so với mức 27,7% năm 2014. Ở Domesco, tỷ lệ này năm 2015 là 29%, giảm 2 điểm % so với năm 2014. Với Imexpharm, tỷ trọng doanh thu ETC lao dốc trong 4 năm trở lại đây, từ mức 57% năm 2012 xuống còn 13% năm 2015.

Cuộc chiến về giá

Trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Phạm Thị Việt Nga – Tổng giám đốc Dược Hậu Giang cho biết, hiện nay Công ty cũng như các doanh nghiệp nội khác khi tham gia đấu thầu thuốc ở các bệnh viện đang phải cạnh tranh kịch liệt về giá. Về thị trường thuốc ETC, các doanh nghiệp nội đang chơi chung một sân, hoàn toàn tách biệt với các doanh nghiệp ngoại – bà Nga nhận định.

Trên thực tế, miếng bánh ngon nhất của thị trường ETC hiện đang nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này không hẳn do các chính sách, mà do các hãng nước ngoài sở hữu sản phẩm do chính họ phát minh, đang được bảo hộ trí tuệ nên mang tính độc quyền và giá cả khá cao. Về vấn đề này, doanh nghiệp nội gần như đương nhiên chịu thua khi khả năng nghiên cứu, phát minh có hạn.

Ngay cả thuốc generic (thuốc gốc), dù hết hạn bảo hộ, các hãng dược nước ngoài cũng có lợi thế hơn khi một số sản phẩm của họ được ưa chuộng hơn các sản phẩm tương đương của các hãng thuốc nội địa.

Đến bao giờ các doanh nghiệp Việt đủ lớn để đấu thầu cạnh tranh sòng phẳng, chia miếng bánh thị phần ETC với các doanh nghiệp nước ngoài?
Chính vì những lý do nói trên, mặc dù doanh thu thị trường dược chủ yếu đến từ ETC thì mảng này vẫn là điểm yếu của các doanh nghiệp nội địa.

Ở miếng bánh nhỏ còn lại của kênh phân phối ETC dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, cạnh tranh về giá cũng cực kỳ khốc liệt – bà Nga cho biết. Các doanh nghiệp dược nội hiện tại tham gia đấu thầu hầu như giống nhau, giá cả là điều kiện quan trọng và tiên quyết.

Đối với Traphaco, Công ty này cũng nhận định khó có thể cạnh tranh về giá trong quá trình đấu thầu thuốc vào các cơ sở điều trị.

Không mặn mà

Là một miếng bánh ngon, đang được nhà đầu tư nước ngoài dòm ngó, thị trường dược hẳn không tránh nổi cạnh tranh dù là kênh ETC hay OTC. Thế nhưng, nhìn vào mức độ thu hẹp kênh bán hàng ETC, có thể thấy rằng các doanh nghiệp nội dường như không mặn mà với thị trường này.

Với Traphaco, Domesco hay Dược Hậu Giang, giải pháp đối với tình trạng kênh ETC ngày càng bị thu hẹp là dùng doanh thu từ OTC để bù vào chứ không phải là đầu tư mở rộng kênh ETC. Hiện nay, việc đấu thầu đưa thuốc vào bệnh viện đều do các doanh nghiệp trực tiếp tham gia. Và quá trình đó thực sự gian nan. Do ảnh hưởng Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTC-BYT nên giá trúng thầu ngày càng tiệm cận chi phí sản xuất, biên lợi nhuận ngày càng thu hẹp.

Doanh thu thấp, lợi nhuận mỏng, các doanh nghiệp dược không có lý do để “lao tâm khổ tứ” với thị trường ETC, với việc đấu thầu thuốc.

Trong khi đó, với thói quen tiêu dùng của người Việt, với việc ngại khám và chữa các bệnh thông thường tại các cơ sở y tế, tiềm năng của kênh bán hàng OTC rõ ràng hơn hẳn. Các loại thuốc thông thường như giảm đau, hạ sốt, thực phẩm chức năng… hiện đang là sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp lớn trong nước. Chi phí marketing, quảng cáo của các doanh nghiệp dược cho mảng sản phẩm này vì vậy cũng đang được tăng mạnh theo thời gian.

Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ các doanh nghiệp Việt đủ lớn để đấu thầu cạnh tranh sòng phẳng, chia miếng bánh thị phần ETC với các doanh nghiệp nước ngoài?

Tin cùng chuyên mục