Đề xuất lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt

(BĐT) - 18 trường hợp được đề xuất áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với một số nội dung mua sắm thường xuyên.
Gói thầu về hợp tác, sản xuất phim được đề xuất áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Ảnh: Hải Hưng
Gói thầu về hợp tác, sản xuất phim được đề xuất áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Ảnh: Hải Hưng

Đây là nội dung quan trọng trong Dự thảo Quyết định Danh mục các nội dung mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu. Dự thảo này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gấp rút hoàn thiện. 

Đề xuất 18 trường hợp đặc biệt

Theo Dự thảo Quyết định, cơ quan soạn thảo dự kiến đề xuất 18 trường hợp áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Đơn cử như: Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành đặc thù cho cán bộ công chức, bao gồm biên soạn giáo trình do cần thiết phải mời cơ quan, đơn vị có thẩm quyền hoặc chức năng, nhiệm vụ đào tạo chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền giao; Gói thầu bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự xã hội, an toàn xã hội; Gói thầu vận chuyển hàng dự trữ quốc gia cứu trợ, viện trợ trong trường hợp phải giao hàng ngay; In tem rượu, tem thuốc lá sản xuất trong nước; Mua, trao đổi bản quyền chương trình truyền hình; Gói thầu có giá không quá 30 triệu đồng; gói thầu hợp tác, sản xuất phim…

Hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được áp dụng khi trên thực tế không thể áp dụng được các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 của Luật Đấu thầu (đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh…).

Tại cuộc họp liên quan đến nội dung này diễn ra chiều ngày 6/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho rằng, cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo cần nêu bật được sự cần thiết cũng như làm rõ những vướng mắc liên quan trong quá trình thực hiện quy định này trong thời gian vừa qua, từ đó sớm hoàn thiện Dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ký ban hành.

Trước đó, ngày 16/2/2016, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 1008/VPCP-KTN thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với một số nội dung mua sắm thường xuyên. Tại Văn bản này, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu những nội dung vướng mắc trong mua sắm thường xuyên liên quan đến hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đề cập tại Văn bản số 176/TTr-BTC ngày 4/12/2015 của Bộ Tài chính, đề xuất phương án giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện nhiệm được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất phương án thực hiện. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương liên quan, Dự thảo Quyết định đề xuất việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với một số nội dung mua sắm thường xuyên. 

Bảo đảm duy trì hoạt động thường xuyên

“Gói thầu hợp tác, sản xuất phim” sẽ được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu.
Đề cập về sự cần thiết phải ban hành quyết định này, tại cuộc họp vừa qua, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Việc ban hành Quyết định là rất cần thiết để gỡ khó cho hoạt động của ngành chúng tôi”. Bởi theo vị đại diện này, dù Luật Điện ảnh đã được ban hành và có hiệu lực từ lâu, song Thông tư hướng dẫn việc đấu thầu, đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước đã 9 năm rồi vẫn chưa được ban hành. “Do đó, chúng tôi vẫn phải bơi loạn cào cào lên trong hoạt động này”, vị đại diện này phản ánh.

Dự thảo Quyết định hiện đưa ra đề xuất “Gói thầu hợp tác, sản xuất phim” sẽ được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu. Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, do tính chất đặc thù gắn với bản quyền tác giả từ khâu sáng tác kịch bản đến tổ chức sản xuất, phim là một tác phẩm nghệ thuật tùy theo thành phần sáng tác và nội dung kịch bản có yêu cầu khác nhau về bối cảnh, thiết bị kỹ thuật, công nghệ, đạo cụ không có khuôn mẫu chung như các loại hàng hóa đơn thuần khác nên không thể xây dựng được định mức kinh tế, kỹ thuật chung cho phim. Do đó không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 của Luật Đấu thầu để lựa chọn cơ sở sản xuất phim. Vì thế, nếu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu sẽ đảm bảo được những yêu cầu đặc thù đặt ra.

Bộ Tài chính cho rằng, trên thực tế, trong chi thường xuyên có rất nhiều khoản chi có giá trị nhỏ từ vài trăm nghìn đồng đến một vài triệu đồng như các khoản sửa chữa, mua sắm thường xuyên phát sinh đột xuất như: sửa xe ô tô, máy tính, máy in, điều hòa nhiệt độ; mua cây cảnh, dụng cụ nhỏ… Những nội dung mua sắm này nếu thực hiện quy trình như phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phải có hợp đồng cung cấp sẽ không đáp ứng yêu cầu đảm bảo hoạt động thường xuyên. Do đó, gói thầu có giá gói thầu không quá 30 triệu đồng cần thiết được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, Dự thảo Quyết định cũng đề xuất 6 loại quy trình áp dụng cho 18 trường hợp đặc biệt được đưa ra.

Tin cùng chuyên mục