Dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi Kênh Đông Củ Chi: Triển khai nhanh hai gói thầu lớn nhất

(BĐT) - Hai gói thầu xây dựng lớn nhất thuộc Dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi Kênh Đông Củ Chi đang được thi công cùng lúc. Dù triển khai trong điều kiện thi công rất khó khăn nhưng cả đại diện Chủ đầu tư, Nhà thầu thi công và Tư vấn giám sát đều khẳng định sẽ nỗ lực để đưa công trình về đích đúng hạn, đảm bảo tiến độ.
Gói thầu số 28 thuộc Dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi đã được khởi công vào tháng 10/2018. Ảnh: Văn Huyền
Gói thầu số 28 thuộc Dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi đã được khởi công vào tháng 10/2018. Ảnh: Văn Huyền

Vừa thi công vừa đảm bảo nguồn nước cho TP.HCM

Ngày 4/6/2019, Lễ động thổ thi công Gói thầu số 27 Xây dựng, nâng cấp kênh và các công trình trên kênh N46 đoạn từ K0+000-k4+060 thuộc Dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi đã diễn ra tại TP.HCM. Đơn vị trúng thầu gói thầu này là Liên danh Công ty CP Xây dựng thương mại Thới Bình - Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương. Việc tổ chức thi công Gói thầu đang đẩy tiến độ toàn bộ phần xây dựng lớn của Dự án vào giai đoạn tăng tốc.

Trước đó, Gói thầu số 28 Xây dựng, nâng cấp kênh và công trình trên kênh N46 đoạn từ K0+060-K8+750 thuộc Dự án đã được khởi công vào tháng 10/2018, thời gian thi công là 450 ngày. Hiện đơn vị trúng thầu Gói thầu số 28 là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Quang Phúc - Công ty CP Tập đoàn Hà Mỹ Hưng - Công ty TNHH Phú Hương đang gấp rút thi công dưới sự giám sát chặt chẽ của đơn vị tư vấn giám sát, quản lý và theo dõi của đại diện Chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM.

Hai gói thầu nêu trên tiếp nối nhau với tổng chiều dài là 8 km. Theo đánh giá của đại diện Chủ đầu tư, cả hai gói thầu đều có điều kiện thi công khó khăn, phức tạp. Cụ thể, các đơn vị thi công phải vừa đảm bảo việc huy động nhân lực, vật tư, phương tiện thi công, vừa đảm bảo nguồn nước trên kênh Đông Củ Chi vẫn duy trì cấp nước cho Nhà máy Nước Tân Hiệp. “Do đó, sự phối hợp giữa Chủ đầu tư, Đơn vị thi công, Tư vấn giám sát và Nhà máy Nước Tân Hiệp phải rất chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ. Làm sao phải đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công, nhưng vẫn không ảnh hưởng đến nguồn cấp nước cho Nhà máy. Nếu không, nguồn nước sinh hoạt cho cả TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng”, đại diện Chủ đầu tư chia sẻ.

Theo Kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT), Dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi có tổng mức đầu tư là 577 tỷ đồng. Dự án này có 39 gói thầu, trong đó có 17 gói xây lắp. Gói thầu số 28 có giá gói thầu là 122.384.961.000 đồng. Gói thầu số 27 có giá gói thầu là 115.781.302.596 đồng. Đây là hai gói thầu có quy mô lớn nhất của toàn bộ Dự án nên “bắt buộc phải lựa chọn kỹ để tìm được những đơn vị thi công đủ năng lực, đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng thi công”, đại diện Chủ đầu tư chia sẻ. 

Nâng vai trò dòng kênh vùng đất thép

Hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi được xây dựng từ năm 1985, hoàn thành cơ bản năm 1987, được kiên cố hóa từ năm 2002, đến nay đã hoàn chỉnh đồng bộ từ kênh chính đến kênh nội đồng. Hệ thống thủy lợi này có nhiệm vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 12.000 ha, cấp nước sinh hoạt và giao thông nội đồng… Trong đó, nguồn nước tưới được dẫn từ hồ Dầu Tiếng về TP.HCM qua kênh Đông Củ Chi chảy vào các kênh tưới cấp 1, 2, 3...

Hệ thống kênh Đông Củ Chi có tổng chiều dài kênh tưới, tiêu các cấp là 630 km, gồm: 11 km kênh chính, 140 km kênh loại II (cấp 1 và 2), 480 km kênh loại III (cấp 3, 4 và nội đồng) và trên 1.950 công trình xây đúc các loại trên kênh. Các kênh tưới được thiết kế theo kênh nổi hoặc nửa nổi nửa chìm; hệ thống tiêu thoát nước là kênh đào, có tận dụng và cải tạo một số rạch tự nhiên trong khu vực. Hệ thống tưới tiêu này do Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM quản lý, bảo vệ, vận hành, khai thác.

Theo đại diện Chủ đầu tư, đây là hệ thống công trình có quy mô lớn và mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là đối với huyện Củ Chi. Công trình thủy lợi kênh Đông Củ Chi đã góp phần to lớn trong việc khai thác tổng hợp nguồn nước phục vụ đa mục tiêu theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và dân sinh của TP.HCM. Nhờ có công trình thủy lợi, Thành phố đã chủ động được nguồn nước, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản với trên 1.000 ha mặt nước; cấp nước sinh hoạt cho Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, công suất 5.000 m3/ngày đêm.

Dòng kênh Đông Củ Chi còn có nhiệm vụ dẫn nước phục vụ cho Nhà máy Nước Tân Hiệp, do đó, nhu cầu đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi đặt ra rất cấp thiết.

Đại diện Đơn vị tư vấn giám sát thi công - Công ty CP Tư vấn xây dựng Ý Tân cho biết, việc thi công các gói thầu số 27 và 28 rất phức tạp. “Đơn vị tư vấn ý thức được vai trò của mình nên đặc biệt tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động thi công và duy trì chế độ báo cáo tiến độ với Chủ đầu tư theo tuần. Đến nay, những hạng mục đã thi công của các nhà thầu đều cơ bản đạt yêu cầu”, đại diện Tư vấn giám sát cho biết.

Tin cùng chuyên mục