Dự thầu mà không nhận được kết quả

(BĐT) - Thời gian vừa qua Báo Đấu thầu liên tục phản ánh tình trạng các bên mời thầu/chủ đầu tư (BMT/CĐT) chậm trễ, cố tình không đăng tải thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT). Thậm chí, có nhiều BMT/CĐT không cung cấp KQLCNT trong suốt thời gian dài với hàng chục gói thầu. 
Nhà thầu phản ánh không nhận được thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu một gói thầu cung cấp thiết bị tin học ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Ảnh: Lê Tiên
Nhà thầu phản ánh không nhận được thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu một gói thầu cung cấp thiết bị tin học ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Ảnh: Lê Tiên

Một số nhà thầu đã phản ánh rằng, ngay cả nhà thầu tham gia dự thầu nhưng khi có KQLCNT, BMT/CĐT cũng không gửi cho họ.

Dự thầu nhưng chỉ biết kết quả nhờ đọc báo

Nhà thầu dự thầu nhưng không nhận được thông báo KQLCNT­­­­. Câu chuyện tưởng như… đùa nhưng đâu đó vẫn xảy ra cho thấy, nhiều CĐT/BMT dù được giao tổ chức đấu thầu nhưng không tuân thủ nghiêm quy định, dẫn tới không đảm bảo quyền lợi của nhà thầu.

Phản ánh với Báo Đấu thầu, một nhà thầu chuyên cung cấp trang thiết bị tin học bức xúc: “Chúng tôi có tham gia dự thầu một gói thầu cung cấp thiết bị trường học ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Gói thầu này trước đó đã bị hủy thầu do những vi phạm trong trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu như: Đưa ra những tiêu chí không phù hợp trong hồ sơ mời thầu (HSMT), tư vấn đấu thầu không đủ năng lực”…

Tuy nhiên, khi tổ chức đấu thầu lại, nhà thầu vẫn tiếp tục có những phàn nàn về sự thiếu chuyên nghiệp và chưa làm hết trách nhiệm của BMT đối với các nhà thầu. Cụ thể, một nhà thầu có thâm niên lâu năm về cung cấp thiết bị giáo dục tại TP.HCM cho biết: “Mở thầu từ ngày 29/11/2016 nhưng đến ngày 23/1/2017, khi Báo Đấu thầu công bố KQLCNT của gói thầu này chúng tôi mới biết kết quả cụ thể của gói thầu mà mình tham gia. Trong quá trình đi đấu thầu, đây là lần đầu tiên nhà thầu chúng tôi gặp trường hợp này. Cách làm việc của BMT quá thiếu trách nhiệm với các nhà thầu”.

Một nhà thầu uy tín khác đến từ Đồng Nai thống nhất quan điểm nêu trên và cho biết thêm: “Chúng tôi không hề nhận được KQLCNT từ phía BMT của gói thầu này. Chúng tôi tham gia đấu thầu và có quyền nhận được thông báo KQLCNT. Trách nhiệm của BMT theo quy định của Luật Đấu thầu là phải cung cấp cho nhà thầu. Các nhà thầu tham gia đấu thầu rất buồn với hành động này của BMT, vừa thiếu trách nhiệm và yếu kém về chuyên môn đấu thầu”.

Tại Bình Dương, một nhà thầu chuyên thi công xây lắp đã lập tức làm đơn kiến nghị và thông tin cho Báo Đấu thầu khi biết BMT không công bố KQLCNT của gói thầu mà nhà thầu này tham gia đấu thầu. Văn bản của nhà thầu này cho biết, BMT đã cố tình lờ đi trách nhiệm gửi KQLCNT đến các nhà thầu tham dự thầu. Trao đổi với Báo Đấu thầu về kiến nghị này của nhà thầu, đơn vị tư vấn được giao làm BMT đã nhận trách nhiệm và trực tiếp gặp nhà thầu để xin lỗi. Lý giải cho thiếu sót trên, BMT cho rằng, bộ phận văn thư… có bỏ sót một vài nhà thầu khi gửi KQLCNT. 

Cần bêu tên và xử phạt để răn đe

Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (NĐ63) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu có nhiều nội dung mới nhằm tăng cường tính minh bạch về thông tin trong đấu thầu. Cụ thể, về KQLCNT, Khoản 6 Điều 20 của NĐ63 nêu rõ: Sau khi có quyết định phê duyệt KQLCNT, BMT phải đăng tải thông tin về KQLCNT theo quy định (…); gửi văn bản thông báo KQLCNT cho các nhà thầu tham dự thầu trong thời hạn quy định tại Điểm n Khoản 1 Điều 12 của Luật Đấu thầu.

Tình trạng các CĐT/BMT chậm trễ, vô ý hoặc cố tình không công bố KQLCNT thể hiện nhiều khoảng trống trong công khai thông tin về đấu thầu. Và chính khoảng trống này đã tạo ra nhiều kẽ hở khiến công tác quản lý đấu thầu gặp nhiều khó khăn, tạo nên sự bất bình đẳng giữa các nhà thầu.

Các chuyên gia về đấu thầu khẳng định, mục đích của việc đưa ra thời hạn đăng tải công khai KQLCNT là để thông báo cho các nhà thầu khác biết là họ trượt thầu, trượt vì lý do gì. Từ đó, nếu nhà thầu nào có thắc mắc, chưa đồng thuận với KQLCNT thì còn kịp thời có văn bản kiến nghị đến CĐT, BMT trong thời gian 10 ngày. CĐT/BMT phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi nhà thầu trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu.

Do đó, nhiều nhà thầu cho rằng, nếu CĐT/BMT đã lựa chọn được nhà thầu lâu rồi mới đăng tải, công khai thông tin thì đã cố tình tước đi cơ hội kiến nghị về KQLCNT.

Tuy nhiên, việc giám sát công tác đấu thầu hiện nay còn nhiều kẽ hở và chưa xử nghiêm các hành vi bưng bít KQLCNT. “Vì vậy, nhiều BMT coi thường pháp luật cũng như coi thường quyền lợi của các nhà thầu chân chính. Cần bêu tên và xử phạt nghiêm đối với các CĐT/BMT cố  tình không công bố cũng như không gửi KQLCNT cho các nhà thầu theo đúng tinh thần của Nghị định số 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư để làm gương cho các BMT khác”, một chuyên gia đấu thầu cho biết.

Tin cùng chuyên mục