Giá trúng thầu thấp bất thường tại TCT Điện lực Miền Nam: Sự “hớ hênh” trị giá tiền tỷ

(BĐT) - Như thông tin đăng tải ở kỳ 1, giá trúng thầu chưa đến 15% giá gói thầu, xảy ra tại gói thầu kiểm toán KT-02-2015: Kiểm toán dự án phân phối hiệu quả (10 tiểu dự án bổ sung) vay vốn Ngân hàng Thế giới do Ban QLDA Điện lực Miền Nam làm bên mời thầu. Xung quanh câu chuyện giá trúng thầu thấp bất thường này, các chuyên gia nói gì?
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Giá trúng thầu xoay quanh giá thị trường

Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, có tới 6 nhà thầu tham gia đấu thầu gói thầu trên, giá dự thầu sau khi giảm giá của các nhà thầu dao động từ 319 triệu đồng - 826 triệu đồng, bỏ xa giá gói thầu được phê duyệt (giá gói thầu gần 2.177 triệu đồng). Như vậy, có thể thấy rằng giá chào thầu của các nhà thầu chỉ “loanh quanh” trong khoảng gần 15% - 38% giá gói thầu.

TS. Nguyễn Việt Hùng cho rằng: Đã đành việc xây dựng và đưa ra giá gói thầu một cách chính xác là điều hết sức khó khăn vì nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Điểm a Khoản 2 Điều 35 Luật Đấu thầu 2013 quy định: “Giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán (nếu có) đối với dự án; dự toán mua sắm đối với mua sắm thường xuyên. Giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết”. Pháp luật về đấu thầu không bắt buộc chủ đầu tư phải đưa ra giá gói thầu thực sự chính xác nhưng cũng ràng buộc là chủ đầu tư phải cập nhật các thông tin để làm sao giá gói thầu bám sát giá thị trường. Tuy nhiên, qua sự việc trên cho thấy, giá gói thầu mà chủ đầu tư – Tổng công ty Điện lực Miền Nam phê duyệt là không chính xác, cao bất thường. So với giá thị trường để thực hiện gói thầu thì giá gói thầu là “trên trời”.

Nhìn vào thông tin tại Biên bản mở hồ sơ đề xuất (HSĐX) tài chính sáng ngày 11/3/2016 tại Ban QLDA Điện lực Miền Nam có thể minh chứng cho nhận định trên của TS. Nguyễn Việt Hùng. Theo đánh giá của bên mời thầu, HSĐX kỹ thuật  của 6 nhà thầu tham dự gói thầu trên đều đáp ứng yêu cầu với số điểm được đánh giá dao động từ 95,5 điểm -  96,7 điểm. Điều này cho thấy các nhà thầu đã đáp ứng tương đối tốt “đề bài” kỹ thuật và mức độ đáp ứng là khá đồng đều.

Tuy nhiên, giá chào thầu của 6 nhà thầu lại có biên độ giao động rất lớn: 319 triệu đồng, 734 triệu đồng, 765,9 triệu đồng, 2.257 triệu đồng, 2.442,422 triệu đồng và 2.447 triệu đồng. Tại Lễ mở thầu HSĐX tài chính, 3 nhà thầu chào thầu cao nhất gồm: Công ty TNHH Kiểm toán Việt, Công ty TNHH Kiểm toán DTL và Công ty TNHH Kiểm toán An Việt đều đưa ra thư giảm giá lần lượt là 1.897 triệu, 1.642,422 triệu đồng và 1.431 triệu đồng. Như vậy, mức độ giảm giá của 3 nhà thầu giao động từ khoảng 63% - 78% giá chào thầu trước đó của các nhà thầu, trung bình giảm hơn 2/3 giá chào thầu, đây là một câu chuyện khá hiếm hoi trong các lễ mở thầu vì mức giảm giá quá nhiều này là hơi bất thường.

Theo phân tích của chuyên gia đấu thầu thì việc chủ đầu tư phê duyệt giá gói thầu “trên trời” trong trường hợp này là một “món hời” của nhiều nhà thầu tham dự bởi vì hiện nay, giá gói thầu không còn bí mật như trước đây. Theo quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành, chủ đầu tư phải công khai giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu trước khi đấu thầu. Nhà thầu quan tâm có thể tìm hiểu và biết trước giá gói thầu và không dại gì khi giá gói thầu bị “vống’ lên, nhà thầu lại không đưa ra giá dự thầu “sát nút” với giá gói thầu. Tuy nhiên, trong trường hợp này, điều mà một số nhà thầu tham dự thầu khó lường trước được là mình có nhiều đối thủ cạnh tranh và khi nhà thầu nhận thức được điều này thì đã có giải pháp xử lý “tình huống” khá thông minh là bằng cách giảm sâu giá chào thầu. Và như vậy, giá dự thầu sau khi giảm giá của các nhà thầu gần như đã trở về giá trị thực của gói thầu, bám sát hơn giá thị trường của gói thầu trên.

Đấu thầu rộng rãi “sửa lỗi” cho giá gói thầu

Cần phải làm tốt khâu tổ chức lựa chọn nhà thầu, trong trường hợp trên thì việc đấu thầu rộng rãi, công khai là một giải pháp “cứu cánh” cho sự “hớ hênh” của giá gói thầu, mà thông thường những gói thầu về tư vấn rất hay được chỉ định thầu.
Những đặc điểm ưu việt của hình thức đấu thầu rộng rãi, công khai một lần nữa được khẳng định, đó là đánh giá của TS. Nguyễn Việt Hùng đối với trường hợp giá trúng thầu thấp bất thường tại gói thầu nêu trên. TS. Việt Hùng cho rằng: Rất may cho túi tiền ngân sách nhà nước là gói thầu này dù có giá “trên trời” nhưng nhờ đem ra đấu thầu rộng rãi nên đã chọn được nhà thầu chào thầu và trúng thầu với giá cạnh tranh nhất.

Quan sát thông tin tại Biên bản mở HSĐX tài chính của gói thầu trên có thể thấy, từ đầu đến cuối, nhà thầu trúng thầu – Chi nhánh Công ty TNHH hãng kiểm toán AASC đều “trung thành” với giá chào thầu là 319 triệu đồng (không có thư giảm giá) và tại văn bản làm rõ các yếu tố cấu thành chi phí chào thầu trong hồ sơ đề xuất tài chính của gói thầu trên, nhà thầu khẳng định, đã cân đối tính toán kỹ càng khi đưa ra giá dự thầu và cam kết thực hiện gói thầu đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Tuấn Vũ, Giám đốc Công ty ELINCO (Bộ Quốc phòng) cũng cho biết, nếu được tổ chức đấu thầu rộng rãi, công bằng và minh bạch thì trong trường hợp giá gói thầu không chính xác vẫn giảm thiểu được “rủi ro” cho túi tiền của Nhà nước. Bên mời thầu/chủ đầu tư vẫn lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, có giá dự thầu cạnh tranh, theo đó sẽ tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước (con số tiết kiệm thực trong đấu thầu).

Một chuyên gia về đấu thầu cũng khẳng định, cần phải làm tốt khâu tổ chức lựa chọn nhà thầu, trong trường hợp trên thì việc đấu thầu rộng rãi, công khai là một giải pháp “cứu cánh” cho sự “hớ hênh” của giá gói thầu, mà thông thường những gói thầu về tư vấn rất hay được chỉ định thầu. Khi mà việc xây dựng và phê duyệt giá gói thầu thiếu chính xác, nếu buông lỏng công tác tổ chức đấu thầu thì kẽ hở thất thoát ngân sách nhà nước là rất lớn.

Tin cùng chuyên mục