Giá trúng thầu thấp bất thường tại TCT Điện lực Miền Nam: Tiết kiệm ảo và “lỗ hổng” trách nhiệm

(BĐT) - Từ câu chuyện giá trúng thầu thấp bất thường tại Gói thầu Kiểm toán KT-02-2015 vay vốn Ngân hàng Thế giới do Tổng công ty Điện lực Miền Nam làm chủ đầu tư đăng tải trên Báo Đấu thầu ở những kỳ trước, các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng và phê duyệt giá gói thầu thiếu chính xác đang nói lên tính chất “ảo” về kết quả tiết kiệm qua đấu thầu và lỗ hổng trách nhiệm trong việc sử dụng vốn nhà nước.
Khi giá gói thầu là “ảo” mà không được đấu thầu cạnh tranh thì chỉ với 1 gói thầu Nhà nước có thể bị thất thoát tiền tỷ. Ảnh: Tiên Giang
Khi giá gói thầu là “ảo” mà không được đấu thầu cạnh tranh thì chỉ với 1 gói thầu Nhà nước có thể bị thất thoát tiền tỷ. Ảnh: Tiên Giang

Tiết kiệm ảo qua đấu thầu

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu về câu chuyện tiết kiệm qua đấu thầu, các chuyên gia cho biết, để có cơ sở tính con số tiết kiệm trong đấu thầu thì giá gói thầu phải chính xác, còn như trường hợp trên, giá gói thầu vì không xây dựng chính xác nên nếu tính số tiền tiết kiệm qua đấu thầu theo số chênh lệch giữa giá trúng thầu với giá gói thầu thì đó là con số ảo, tỷ lệ tiết kiệm ở đây là ảo.

Trở lại Gói thầu Kiểm toán KT-02-2015 nêu trên với giá trúng thầu 319 triệu đồng (giá gói thầu gần 2.177 triệu đồng). Giá trúng thầu chưa đến 15% giá gói thầu, chênh lệch gần 1.858 triệu đồng. Một chuyên gia về đấu thầu phân tích, nếu “chạy theo bệnh thành tích”, chủ đầu tư hoàn toàn có thể báo cáo rằng, đây là hiệu quả của việc tổ chức đấu thầu rộng rãi nên đã tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước hơn 85% giá gói thầu, tương đương tiết kiệm số tiền gần 1.858 triệu đồng. Tuy nhiên, xét về bản chất thực của câu chuyện này, do giá gói thầu không chính xác, bị đội lên so với thực tế rất nhiều nên con số tiết kiệm hơn 85% giá gói thầu (tương đương với số tiền gần 1.858 triệu đồng) ở đây là số ảo. Từ đó, một số chuyên gia về đấu thầu cho rằng, trong câu chuyện để giá gói thầu cao bất thường này, có trách nhiệm của chủ đầu tư, trong đó có bộ phận giúp việc cho chủ đầu tư khi xây dựng giá gói thầu.

Giá gói thầu không chuẩn – lỗ hổng tiêu cực và trách nhiệm

Các chuyên gia về đấu thầu đều có chung nhận định, một khi việc xây dựng và phê duyệt giá gói thầu thiếu cơ sở và không chính xác thì đây là một “lỗ hổng” vô cùng lớn cho tiêu cực, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Ví dụ, khi chỉ định thầu thì không có sự cạnh tranh giữa các nhà thầu, nhà thầu được chỉ định chỉ cần đưa ra giá đề xuất không vượt giá gói thầu hoặc chỉ cần “bớt chút ít” so với giá gói thầu là được. Và như vậy, vô tình ngân sách nhà nước đã bị “mất cắp” một khoản tiền không nhỏ. Đó là chưa kể trường hợp, trong việc xây dựng và phê duyệt giá gói thầu, dễ xảy ra tình trạng “móc ngoặc” giữa chủ đầu tư/bên mời thầu với nhà thầu được chỉ định thầu là cùng đẩy giá gói thầu và giá chỉ định thầu “lên cao” rồi cùng nhau chia chác, hưởng phần chênh lệch giá đó.

Điều quan trọng nhất trong công tác đấu thầu vẫn là nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức của những người làm công tác đấu thầu, đặc biệt là chủ đầu tư để giảm thiểu những tiêu cực trong đấu thầu. Chủ đầu tư cần phải ý thức và có trách nhiệm, “có tâm” khi sử dụng vốn nhà nước, không chỉ là khâu xây dựng và phê duyệt giá gói thầu mà phải là cả quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Và chừng nào điều này chưa được chủ đầu tư “thấm nhuần” thì vẫn sẽ luôn tồn tại những “lỗ hổng” cho tiêu cực xảy ra.
Và một thực tế khá phổ biến hiện nay là rất nhiều gói thầu tư vấn đều thực hiện chỉ định thầu. Có chuyên gia cho rằng, cái may mắn cho tiền của Nhà nước tại Gói thầu Kiểm toán KT-02-2015 là giá gói thầu hơn 2,1 tỷ đồng (vượt ngưỡng gói thầu được phép chỉ định thầu và không phải là trường hợp đặc biệt) nên đã được đấu thầu rộng rãi, mặc dù đây là một gói thầu tư vấn. Nếu như với cách xác định và phê duyệt giá gói thầu “trên trời” như tại gói thầu này mà gói thầu lại được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu thì chỉ với 1 gói thầu Nhà nước đã có thể bị thất thoát lên đến tiền tỷ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số chuyên gia cho biết, thực tế kiểm tra công tác đấu thầu hiện nay cho thấy, rất nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu không chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc, bên cạnh đó lại thiếu trách nhiệm đối với phần công việc được giao, nhất là chủ đầu tư/bên mời thầu ở cấp xã, cấp huyện, phần nhiều phó mặc hết cho đơn vị tư vấn đấu thầu. Cho nên, việc xây dựng và phê duyệt giá gói thầu không chính xác không chỉ là câu chuyện tại Gói thầu Kiểm toán KT-02-2015 mà là một thực trạng khá phổ biến hiện nay. Khi bị các cơ quan quản lý nhà nước chỉ ra việc phê duyệt giá gói thầu thiếu chính xác, thiếu cơ sở thì nhiều chủ đầu tư đưa ra rất nhiều lý do để biện minh như bị hạn chế về năng lực, có nhiều yếu tố cấu thành giá gói thầu liên tục biến động, khó xác định chính xác…

Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Kỳ Sơn cho rằng, điều quan trọng là các chủ đầu tư/bên mời thầu cần phát huy và thể hiện tính trách nhiệm của mình đối với từng gói thầu/dự án. Ngay cả hình thức đấu thầu rộng rãi – một hình thức đấu thầu được đánh giá là có tính cạnh tranh nhất, nếu không được chủ đầu tư/bên mời thầu tổ chức một cách công khai, minh bạch thì vẫn có thể xảy ra tiêu cực, khó tránh khỏi tình trạng “quân xanh, quân đỏ” giữa các nhà thầu.

Chia sẻ quan điểm này, TS. Nguyễn Việt Hùng cũng khẳng định, điều quan trọng nhất trong công tác đấu thầu vẫn là nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức của những người làm công tác đấu thầu, đặc biệt là chủ đầu tư để giảm thiểu những tiêu cực trong đấu thầu. Chủ đầu tư cần phải ý thức và có trách nhiệm, “có tâm” khi sử dụng vốn nhà nước, không chỉ là khâu xây dựng và phê duyệt giá gói thầu mà phải là cả quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Và chừng nào điều này chưa được chủ đầu tư “thấm nhuần” thì vẫn sẽ luôn tồn tại những “lỗ hổng” cho tiêu cực xảy ra.

Tin cùng chuyên mục