Gỡ vướng cho đấu thầu thuốc

(BĐT) - Đấu thầu thuốc tập trung (ĐTTTT) là một trong những nội dung lần đầu tiên được quy định trong Luật Đấu thầu và nhận được sự đồng thuận cao của xã hội. Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tế, ngành y tế đang kêu khó và mong muốn có một cơ chế riêng về ĐTTTT.
Bộ Y tế chỉ ra một số khó khăn khi giao cho địa phương tổ chức đấu thầu tập trung đối với cả phần thuốc sử dụng cho các bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Y tế chỉ ra một số khó khăn khi giao cho địa phương tổ chức đấu thầu tập trung đối với cả phần thuốc sử dụng cho các bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn. Ảnh: Lê Tiên

Có nhiều khó khăn, vướng mắc

Ông Vũ Văn Hưng – cán bộ Phòng Kế hoạch - Tài chính của Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã ban hành Danh mục thuốc đấu thầu tập trung (Thông tư số 09/2016/TT-BYT ngày 5/5/2016 – TT 09) để triển khai áp dụng các quy định về ĐTTTT. Tuy nhiên, khi bắt tay vào triển khai áp dụng một số quy định này trong thực tế thì Bộ Y tế đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.

Cụ thể, ông Vũ Văn Hưng cho biết, Điểm b Khoản 3 Điều 5 Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/2/2016 (QĐ 08) của Thủ tướng Chính phủ quy định: “…riêng danh mục thuốc mua sắm tập trung (MSTT) cấp địa phương áp dụng cho các cơ sở y tế của trung ương và địa phương đóng trên địa bàn địa phương”. Nếu thực hiện theo quy định này, Bộ Y tế thấy rằng, việc ĐTTTT cho các bệnh viện tuyến trung ương được xếp hạng đặc biệt và một số bệnh viện trung ương (BVTW) được xếp hạng I sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là các bệnh viện tuyến trung ương đóng tại địa bàn TP. Hà Nội, TP.HCM. Bởi vì, các BVTW là bệnh viện tuyến cuối, nên thường có nhu cầu sử dụng thuốc với số lượng lớn và nhóm thuốc khác biệt so với các cơ sở y tế trên cùng địa bàn.

Hơn nữa, việc tổ chức ĐTTTT ở các địa phương vốn đã gặp nhiều khó khăn, nếu tiếp tục giao cho các địa phương tổ chức đấu thầu tập trung đối với cả phần thuốc sử dụng cho các BVTW đóng trên địa bàn sẽ càng khó khăn hơn, có thể dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc, hoặc không đáp ứng nhu cầu thuốc điều trị cho người dân.

Mặt khác, ông Vũ Văn Hưng cho biết, tại QĐ 08, Thủ tướng giao Bộ Y tế và các địa phương sắp xếp lại, giao bổ sung nhiệm vụ cho một số đơn vị sự nghiệp công lập hiện có để thực hiện MSTT hoặc giao cho một đơn vị thực hiện nhiệm vụ MSTT theo mô hình kiêm nhiệm, không thành lập mới, không bổ sung biên chế. Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ Y tế chưa có đơn vị MSTT hoặc đơn vị sự nghiệp có chức năng MSTT và cũng chưa có đơn vị tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp nào được đăng ký hoặc được cấp phép hành nghề mua thuốc chuyên nghiệp.

Nhiệm vụ của đơn vị MSTT là tập hợp nhu cầu, lập kế hoạch mua sắm, tổ chức đấu thầu, giám sát việc thực hiện hợp đồng của các nhà thầu với các đơn vị sử dụng. “Việc tổ chức ĐTTTT đòi hỏi phải chuyên nghiệp, người tham gia bên cạnh có nghiệp vụ về đấu thầu, có trình độ quản lý tài chính, còn phải am hiểu về lĩnh vực dược để tránh việc thực hiện không đúng quy định, xảy ra tiêu cực, sai phạm”, ông Hưng nhấn mạnh.

Đề xuất giải pháp gỡ vướng

Việc tổ chức đấu thầu thuốc tập trung đòi hỏi phải chuyên nghiệp, người tham gia bên cạnh có nghiệp vụ đấu thầu, còn phải am hiểu về lĩnh vực dược
Từ thực tế nêu trên, Bộ Y tế đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép một số bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I của Trung ương có số lượng thuốc sử dụng lớn, có năng lực đấu thầu và bệnh viện có đề nghị được tự tổ chức đấu thầu đối với thuốc thuộc danh mục MSTT cấp địa phương, mà không phải tham gia đấu thầu với địa phương và giao Bộ trưởng trực tiếp quản lý bệnh viện đó xem xét, quyết định. Các bệnh viện thuộc Trung ương quản lý còn lại tổ chức đấu thầu tập trung cùng với các địa phương nơi đóng trụ sở đối với thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị Thủ tướng cho phép Bộ này được thành lập một trung tâm MSTT thuốc quốc gia, là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ. Còn đối với cấp địa phương, UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, nếu có nhu cầu được thành lập trung tâm MSTT thuốc cấp địa phương, thuộc Sở Y tế. Về nhân lực cho các trung tâm này, Bộ Y tế cam kết: “Nhân lực dự kiến được sắp xếp, điều chuyển từ các Vụ, Cục, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và được thuê lao động hợp đồng, chuyên gia, nhưng không tăng biên chế”.

Cho ý kiến về các đề nghị nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, việc ban hành danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Trước mắt, để tránh những khó khăn do việc áp dụng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương cho các BVTW đóng trên địa bàn địa phương, Bộ Y tế có thể xem xét không đưa vào danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương những mặt hàng thuốc sử dụng cho các BVTW có số lượng, danh mục thuốc, nhóm thuốc… khác biệt so với bệnh viện địa phương.

Liên quan đến đề xuất thành lập một trung tâm MSTT thuốc quốc gia, Bộ KH&ĐT cho rằng: “MSTT là cách tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu thông qua đơn vị MSTT nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế”. Do đó, đơn vị MSTT phải là tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp; việc giao cho các đơn vị sự nghiệp chưa có nhiều năng lực, kinh nghiệm về đấu thầu thực hiện mua sắm thuốc tập trung theo mô hình kiêm nhiệm sẽ không bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của hình thức MSTT. Để bảo đảm việc MSTT được thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm 2016 theo lộ trình được quy định trong Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, việc cho phép Bộ Y tế thành lập Trung tâm MSTT cấp quốc gia, cấp địa phương trên cơ sở sắp xếp, điều chuyển nhân sự có năng lực, kinh nghiệm về đấu thầu của các đơn vị thuộc Bộ, Sở Y tế địa phương là phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên, việc thành lập trung tâm này không được làm tăng biên chế.

Ngoài ra, theo Bộ KH&ĐT, Việt Nam đã ký kết các hiệp định EVFTA, TPP, trong đó có cam kết mở cửa thị trường thuốc. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Y tế cần xây dựng lộ trình áp dụng MSTT và ban hành danh mục thuốc đấu thầu cho phù hợp nhằm bảo đảm việc đấu thầu  thuốc của các BVTW do Bộ Y tế quản lý không trái với cam kết của Việt Nam trong các hiệp định đã ký kết.

Tin cùng chuyên mục