Gói thầu 18 XL thuộc Dự án LRAMP tỉnh Hà Tĩnh: BMT phản hồi kiến nghị

(BĐT) - Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh (Bên mời thầu - BMT) đã mở thầu Gói thầu 18XL thuộc Dự án LRAMP tỉnh Hà Tĩnh và phản hồi thông tin khi bị nhà thầu “tố” cài cắm các điều kiện trong hồ sơ mời thầu (HSMT), hạn chế cạnh tranh.
HSMT yêu cầu trạm trộn bê tông nhựa có công suất 120 tấn/giờ là không trái luật và thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư/bên mời thầu
HSMT yêu cầu trạm trộn bê tông nhựa có công suất 120 tấn/giờ là không trái luật và thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư/bên mời thầu

Gói thầu 18XL Xây dựng Đường tỉnh 551 đoạn Km0 - Km12, huyện Kỳ Anh theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt thuộc Dự án LRAMP (Xây dựng cầu dân sinh và quản lý đường địa phương) tỉnh Hà Tĩnh. Gói thầu này sử dụng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới và nguồn ngân sách địa phương, có quy mô gần 45 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.

Trong thời gian phát hành HSMT, một nhà thầu đã phản ánh tới Báo Đấu thầu rằng HSMT cài cắm các điều kiện, đưa ra các yêu cầu cao làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Cụ thể, HSMT quy định nhà thầu phải có (hoặc hợp đồng thuê) trạm trộn bê tông nhựa có công suất từ 120 tấn/giờ trở lên. Trong khi đó, định mức dự toán thông thường chỉ có trạm trộn 80 tấn/giờ. Yêu cầu này gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu (HSDT) vì theo nhà thầu, trên địa bàn huyện Kỳ Anh và một số huyện lân cận không có trạm trộn bê tông nhựa 120 tấn/giờ.

Sáng ngày 25/7/2019, trả lời phóng viên Báo Đấu thầu, ông Trần Văn Tùng, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, nội dung kiến nghị của Nhà thầu là không có cơ sở. Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán đã được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt với định mức 120 tấn/giờ. Định mức này giúp giảm giá thành và phù hợp với các chủng loại máy móc thi công nhập về Việt Nam. Việc HSMT đưa ra yêu cầu này nhằm mục đích đảm bảo được tiến độ thi công (thời gian thi công là 10 tháng và phải hoàn thành 12 km đường bộ). Mặt khác, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận hầu hết đều sử dụng trạm trộn bên tông nhựa có công suất 120 tấn/giờ.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, hiện nay ở Việt Nam có các loại trạm trộn bê tông nhựa có công suất 60 tấn/giờ, 80 tấn/giờ, 100 tấn/giờ, 120 tấn/giờ và 250 tấn/giờ. HSMT yêu cầu trạm trộn bê tông nhựa có công suất 120 tấn/giờ có thể là hơi cao theo ý kiến chủ quan của Nhà thầu nhưng yêu cầu này của HSMT là không trái luật và thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư/BMT.

Ngoài ra, trong văn bản trả lời phản ánh của Nhà thầu, BMT cũng thừa nhận tại trang 45 của HSMT có sơ suất trong công tác soạn thảo khi ghi “cả 3 tiêu chuẩn chi tiết đều được xác định là đạt” (trên thực tế là 2 tiêu chuẩn chi tiết).

Nhà thầu cũng phản ánh về tiêu chí “đạt” hay “không đạt” đối với hợp đồng cung cấp vật liệu gây khó khăn cho việc đi lại và chuẩn bị HSDT của Nhà thầu. Theo Nhà thầu, tiêu chí này nên chấm theo điểm vì hợp đồng nguyên tắc mang tính thủ tục, sau khi trúng thầu nhà thầu sẽ trình mỏ và nguồn vật liệu được chủ đầu tư chấp thuận mới đưa vào công trình. Vì thế, tiêu chuẩn này không thể là điều kiện tiên quyết để loại nhà thầu. BMT cho biết, yêu cầu này của HSMT được xây dựng theo quy định của Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT (phần tiêu chí đánh giá về kỹ thuật).

TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu cho rằng, yêu cầu nêu trên của HSMT là đúng quy định, đảm bảo sự chủ động trong việc cung cấp vật liệu thi công Gói thầu nếu nhà thầu trúng thầu.

Theo tìm hiểu, ngày 22/7/2019, BMT đã đóng/mở Gói thầu. Có 4 nhà thầu nộp HSDT, gồm: Công ty TNHH Hòa Hiệp; Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xây dựng giao thông 1; Liên danh Công ty CP Phát triển công nghiệp - Xây lắp và Thương mại Hà Tĩnh - Công ty CP Trường Sơn 185; Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Biển Đông. Nhà thầu phản ánh đã mua HSMT nhưng không nộp HSDT.

Tin cùng chuyên mục