Gói thầu có sự tham gia thực hiện của cộng đồng: Tạo điều kiện cho dân kiểm tra

(BĐT) - Nghị định 161/2016/NĐ-CP về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 (NĐ161) vừa được Chính phủ ban hành, trong đó quy định lựa chọn nhà thầu theo hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng được đánh giá sẽ tạo thuận lợi cho việc triển khai gói thầu theo quy định tại Điều 27 Luật Đấu thầu.
Quy định của Nghị định 161/2016/NĐ-CP cho thấy pháp luật về đấu thầu đang được tuân thủ thực hiện một cách nghiêm ngặt. Ảnh: Nguyễn Xuân
Quy định của Nghị định 161/2016/NĐ-CP cho thấy pháp luật về đấu thầu đang được tuân thủ thực hiện một cách nghiêm ngặt. Ảnh: Nguyễn Xuân

Thống nhất cao về mặt chính sách

Nhìn lại sự tham gia của cộng đồng trong việc thực hiện các gói thầu thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xóa đói giảm nghèo cho các huyện, xã miền múi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thời gian qua, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu đánh giá là đã mang lại hiệu quả rất tốt. Ông Tăng cho biết, nhiều địa phương cho rằng áp dụng quy định tại Điều 27 Luật Đấu thầu vừa đảm bảo hiệu quả về tiến độ cũng như chất lượng công trình nhờ sự tham gia và giám sát của người dân. “Thực hiện những gói thầu như thế này người dân vừa biết, vừa làm, vừa bàn, lại được kiểm tra”.

Ông Tăng cũng cho rằng, những quy định trong lựa chọn nhà thầu theo hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng được đề cập tại NĐ161 đã tiếp thêm một bước để triển khai Luật Đấu thầu hiệu quả hơn. Cụ thể, Nghị định hướng dẫn tư cách hợp lệ của cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ tại địa phương được coi là tư cách hợp lệ để tham gia thực hiện gói thầu quy định tại Điều 27 của Luật Đấu thầu khi người dân thuộc cộng đồng dân cư hoặc tổ, nhóm thợ, tổ chức đoàn thể sinh sống, cư trú trên địa bàn triển khai gói thầu và được hưởng lợi từ gói thầu. Người đại diện của cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật, không thuộc đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, được cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ lựa chọn để thay mặt cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ ký kết hợp đồng.

“Quy định này quá tuyệt vời, có sự thống nhất cao với quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 đối với gói thầu có sự tham gia thực hiện của cộng đồng để tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện”, ông Tăng nhìn nhận.

Theo ông Tăng, nếu như trước đây, để thực hiện những gói thầu thuộc diện này, cộng đồng dân cư, tổ chức, tổ, nhóm thợ tại địa phương nơi có gói thầu được giao thực hiện toàn bộ hoặc một phần gói thầu phải tuân thủ nhiều quy định, trong đó có Luật Đấu thầu. Bên cạnh đó, trên thực tế vẫn còn một số địa phương không muốn giao gói thầu cho cộng đồng, mà muốn giao cho nhà thầu để hưởng những phần khác… “Do đó, khi quy định của Nghị định thống nhất cao với quy định của Luật Đấu thầu cũng cho thấy pháp luật về đấu thầu đang được tuân thủ thực hiện một cách nghiêm ngặt, đem lại hiệu quả thực sự trong việc đơn giản hóa thủ tục cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện để đi vào thực chất nhất”, ông Tăng phân tích thêm. 

Tạo thuận lợi cho thực hiện, giám sát

Hướng dẫn về lựa chọn nhà thầu, NĐ161 quy định, hình thức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thực hiện bởi cộng đồng được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu là: tham gia thực hiện của cộng đồng.

Về quy trình lựa chọn nhà thầu, NĐ161 quy định Ban quản lý xã dự thảo hợp đồng, trong đó bao gồm các yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, chất lượng, tiến độ công việc cần đạt được, giá hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên. Ban quản lý xã niêm yết thông báo công khai (tối thiểu 3 ngày làm việc) về mời tham gia thực hiện gói thầu tại trụ sở UBND xã và thông báo trên các phương tiện truyền thông cấp xã, các nơi sinh hoạt cộng đồng để các cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ trên địa bàn biết. Thông báo này cần ghi rõ thời gian họp bàn về phương án thực hiện gói thầu. Cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ quan tâm nhận dự thảo hợp đồng để nghiên cứu và chuẩn bị đơn đăng ký thực hiện gói thầu hoặc dự án, gồm: họ tên, độ tuổi, năng lực và kinh nghiệm phù hợp với tính chất gói thầu của các thành viên tham gia thực hiện gói thầu, giá nhận thầu và tiến độ thực hiện… Thời gian tối đa từ khi thông báo công khai về việc mời tham gia thực hiện gói thầu đến khi ký kết hợp đồng là 30 ngày.

Để đảm bảo sự tham gia thực hiện của cộng đồng mang lại hiệu quả cao nhất, ông Tăng cho rằng, thời gian tới cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận cấp xã, tận người dân để họ vừa triển khai vừa thực hiện giám sát.

Tin cùng chuyên mục