Gói thầu gia cố kè Sơn Tây (Hà Nội): Nhà thầu kiến nghị bị loại oan?

(BĐT) - Đầu tháng 2/2019, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 1 (chủ đầu tư/bên mời thầu) đã  thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 12 Gia cố kè Sơn Tây, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội. Ngay sau đó, một liên danh nhà thầu bị loại (Nhà thầu) đã có đơn kiến nghị không đồng tình về kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) tại gói thầu này.
Gói thầu số 12 Gia cố kè Sơn Tây, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Ảnh: Nhã Chi
Gói thầu số 12 Gia cố kè Sơn Tây, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Ảnh: Nhã Chi

2 lý do bị loại

Theo Đơn kiến nghị, Nhà thầu không đồng tình với kết quả đánh giá HSDT với 2 lý do.

Thứ nhất, chủ đầu tư loại nhà thầu vì lý do bảo lãnh dự thầu (BLDT) không hợp lệ. Cụ thể: Đối chiếu BLDT của Ngân hàng Quân đội với Mẫu số 04 Chương IV - Biểu mẫu dự thầu, thì thiếu nội dung cơ bản được yêu cầu áp dụng trong trường hợp nhà thầu liên danh. Do đó, BLDT của Nhà thầu được đánh giá không đáp ứng. Tuy nhiên, nhà thầu kiến nghị cho rằng, BLDT của Nhà thầu do Ngân hàng TMCP Quân đội Chi nhánh Nghệ An phát hành ngày 18/1/2019 là phù hợp. Bảo lãnh nêu trên bảo lãnh cho cả Liên danh nhà thầu. Tuy nhiên, BLDT này thiếu nội dung: “Nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến không được hoàn trả bảo đảm dự thầu theo quy định tại mục 15.5 – Chỉ dẫn nhà thầu của hồ sơ mời thầu (HSMT) thì bảo đảm dự thầu của tất cả thành viên trong liên danh sẽ không được hoàn trả”. Nhà thầu giải thích: “Nội dung thiếu này không thuộc các trường hợp bảo đảm dự thầu không hợp lệ” và đã có văn bản làm rõ nội dung BLDT trong HSDT và có kèm theo văn bản về việc bổ sung cam kết BLDT đã phát hành kèm.

Thứ hai, đối với thỏa thuận liên danh, Chủ đầu tư cho rằng, trong thỏa thuận liên danh không nêu rõ nội dung công việc cụ thể và ước tính giá trị từng thành viên sẽ thực hiện. Nhà thầu đã có văn bản làm rõ gửi Chủ đầu tư để phân chia nội dung công việc đảm nhận và tỷ lệ phần trăm công việc so với tổng giá dự thầu dựa trên số lượng từng loại thiết bị của từng thành viên dự kiến đưa vào phục vụ thi công gói thầu. Tuy nhiên, nội dung làm rõ không được chấp thuận.

Tại thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 1 vẫn nêu rõ đây là những lý do chính khiến nhà thầu không được chọn. Không phục với lý do bị loại, Liên danh nhà thầu đã gửi đơn kiến nghị lên Chủ đầu tư cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Về kiến nghị của Nhà thầu, trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Chủ đầu tư khẳng định: “Chúng tôi đánh giá HSDT dựa trên đề bài đưa ra tại HSMT. Quá trình đánh giá HSDT tuân thủ đúng quy định, quy trình của HSMT và tuân thủ các quy định của pháp luật về đấu thầu”.

Đối với BLDT của Nhà thầu, theo Chủ đầu tư, Nhà thầu tham dự thầu với tư cách là nhà thầu liên danh, thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu theo hình thức thư bảo lãnh do ngân hàng phát hành theo quy định tại HSMT và Biểu mẫu dự thầu. Tuy nhiên, BLDT thiếu nội dung cơ bản được yêu cầu áp dụng trong trường hợp nhà thầu liên danh nên HSDT không đáp ứng. Mặt khác, Bên mời thầu cũng không yêu cầu làm rõ BLDT mà do Nhà thầu tự gửi là không phù hợp yêu cầu tại HSMT nên việc làm rõ không được xem xét. Và trong thỏa thuận liên danh lại không nêu rõ nội dung công việc cụ thể và ước tính giá trị tương ứng mà từng thành viên trong liên danh sẽ thực hiện theo mẫu số 03 Chương IV – Biểu mẫu dự thầu.

Sau nhiều lần kiến nghị, bất ngờ, ngày 17/2/2019, Liên danh nhà thầu bị loại đã có công văn gửi Chủ đầu tư nêu rõ: “Nhà thầu sẽ không kiến nghị và chấp thuận kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 12. Tuy nhiên, việc chấp thuận và không kiến nghị này không đồng nghĩa với việc giải thích kết quả đánh giá HSDT của Bên mời thầu đối với Nhà thầu là thuyết phục”. 

Không đẩy bất lợi cho chủ đầu tư

Liên quan đến đánh giá tính hợp lệ của HSDT, một chuyên gia về đấu thầu cho biết, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định HSDT của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ các nội dung quy định, trong đó đối với nhà thầu liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có) hoặc thành viên đứng đầu liên danh thay mặt liên danh ký đơn dự thầu theo phân công trách nhiệm trong văn bản thỏa thuận liên danh. “Như vậy, đối với trường hợp nêu trên, HSDT mà thiếu phần nội dung phân chia công việc trong liên danh đương nhiên là không hợp lệ”, chuyên gia nhấn mạnh.

Hơn nữa, việc BLDT thiếu nội dung cơ bản được áp dụng trong trường hợp nhà thầu liên danh là không được chấp nhận và đây cũng không thuộc nội dung làm rõ theo quy định của HSMT. Theo quy định hiện hành, HSDT của nhà thầu không đề xuất hoặc kèm điều kiện gây bất lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu. Vì vậy, việc HSDT của nhà thầu bị loại là đương nhiên nếu không sẽ đẩy rủi ro cho chủ đầu tư.

Tin cùng chuyên mục