Gói thầu giao thông hơn 375 tỷ đồng tại Côn Đảo: Giải thích khó chấp nhận của 2 nhà thầu bị loại

(BĐT) - Tại Gói thầu số 14 Xây lắp thuộc Dự án Đường trục phía Bắc khu trung tâm huyện Côn Đảo có giá gói thầu 375,639 tỷ đồng, bảo lãnh dự thầu của Công ty TNHH Xây dựng công trình giao thông Thịnh Phát (Công ty Thịnh Phát), Liên danh Công ty CP Xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Công ty đô thị BRVT) - Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 Thành Nam (Công ty Thành Nam) đều có “vấn đề” khiến hồ sơ dự thầu (HSDT) bị loại vì không hợp lệ. Các nhà thầu bị loại nói gì về việc này?
Gói thầu số 14 Xây lắp thuộc Dự án Đường trục phía Bắc khu trung tâm huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) có bảo đảm dự thầu trị giá 5,6 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Đoàn Khương
Gói thầu số 14 Xây lắp thuộc Dự án Đường trục phía Bắc khu trung tâm huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) có bảo đảm dự thầu trị giá 5,6 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Đoàn Khương

Ngân hàng làm sai bảo đảm dự thầu

Như Báo Đấu thầu đã đưa tin, gói thầu nêu trên có bảo đảm dự thầu (BĐDT) trị giá 5,6 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm bên mời thầu (BMT). Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Công ty CP Công trình giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lang Phong, với giá trúng thầu 371,995 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,9%. Cả 2 thành viên của Liên danh đều là nhà thầu “quen” của BMT này.

Công ty Thịnh Phát bị loại vì không đáp ứng tư cách hợp lệ theo quy định của hồ sơ mời thầu. Cụ thể là BĐDT ghi sai tên chủ đầu tư và sai địa chỉ của đơn vị thụ hưởng (chủ đầu tư) nên bị loại. Cán bộ đấu thầu của Công ty cho rằng, BĐDT ghi sai tên chủ đầu tư và sai địa chỉ của đơn vị thụ hưởng là do phía ngân hàng làm sai. Ngân hàng làm BĐDT cho Công ty là Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Vũng Tàu - Côn Đảo. Sau khi lấy BĐDT từ Ngân hàng về, cán bộ của Công ty đã không kiểm tra lại mà nộp luôn trong HSDT. Tại Lễ mở thầu, cán bộ đấu thầu mới “ngã ngửa” vì sai sót này. Sau đó, Công ty đã có văn bản yêu cầu phía Ngân hàng chỉnh sửa lại BĐDT cho đúng.

Bình luận về câu chuyện trên, chuyên gia về đấu thầu cho rằng, việc ghi sai tên chủ đầu tư, sai địa chỉ đơn vị thụ hưởng trong BĐDT của Công ty Thịnh Phát cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của nhà thầu này khi tham đấu thầu, nếu không phải là trường hợp cố tình làm sai. Khi tham dự gói thầu có quy mô hàng trăm tỷ đồng mà không kiểm tra thông tin ghi trong BĐDT là tắc trách với chính mình. Hơn nữa, lời giải thích của Nhà thầu cũng thiếu thuyết phục ở chỗ, sau khi phát hiện BĐDT bị sai tại Lễ mở thầu, chắc chắn HSDT của Nhà thầu sẽ bị loại thì việc Nhà thầu có văn bản yêu cầu Ngân hàng chỉnh sửa BĐDT  chẳng có ý nghĩa gì. 

Nghi ngờ về động cơ dự thầu

Tại gói thầu nêu trên, HSDT của Liên danh Công ty đô thị BRVT - Công ty Thành Nam cũng bị loại vì không hợp lệ. BMT cho biết, trong liên danh này, Công ty đô thị BRVT không nộp BĐDT cho phần khối lượng công việc của mình nên cả Liên danh bị loại.

Còn đại diện Công ty đô thị BRVT cho biết, trong Liên danh, Công ty đảm nhận khoảng 40% khối lượng công việc (tương đương bảo đảm dự thầu 2,24 tỷ đồng). Theo thỏa thuận của Liên danh, Công ty Thành Nam sẽ thực hiện BĐDT cho cả Liên danh nhưng do sai sót, Công ty Thành Nam lại chỉ làm BĐDT đúng với giá trị mà công ty này đảm nhận (60% khối lượng công việc, tương ứng BĐDT 3,36 tỷ đồng).

TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu cho rằng, lời giải thích của đại diện Công ty đô thị BRVT khó “lọt tai” dư luận bởi lẽ, BĐDT là trách nhiệm trực tiếp của từng thành viên đối với phần công việc mà mình đảm nhận. Ở một gói thầu hàng trăm tỷ đồng, BĐDT trị giá hàng tỷ đồng, thông thường, để ủy quyền cho thành viên khác thay mình làm BĐDT thì phải có giấy chuyển tiền cho nhà thầu nhận trách nhiệm bảo lãnh, không thể nói “miệng” được. Hơn nữa, BĐDT là “tài sản” pháp lý bảo đảm tính hợp lệ của cả liên danh dự thầu khi tham gia đấu thầu, từng thành viên liên danh phải có trách nhiệm kiểm tra cẩn thận rồi mới nộp HSDT. Vì thế, khó xảy ra chuyện sơ sểnh như Nhà thầu giải thích. Và khi những lý do giải thích không hợp lý, dư luận có quyền nghi ngờ về động cơ dự thầu của nhà thầu cũng như nghi ngờ về việc lựa chọn nhà thầu trúng thầu là có sự sắp đặt.

Tin cùng chuyên mục