Hiệu quả mua sắm tập trung qua “lăng kính” thực tiễn

(BĐT) - Số liệu từ báo cáo công tác mua sắm tập trung (MSTT) tại nhiều bộ, ngành, địa phương, DN thời gian qua cho thấy hiệu quả lan tỏa của hình thức mua sắm này. Sự ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương dành cho MSTT ngày càng lớn.
Trung tâm Cung ứng vật tư viễn thông TP.HCM triển khai nhiều gói thầu mua sắm tập trung đạt tỷ lệ tiết kiệm cao. Ảnh: Hải An
Trung tâm Cung ứng vật tư viễn thông TP.HCM triển khai nhiều gói thầu mua sắm tập trung đạt tỷ lệ tiết kiệm cao. Ảnh: Hải An

1. Bộ Công an

Trong 2 năm 2017 - 2018, Trung tâm Đấu thầu MSTT Bộ Công an đã tổ chức đấu thầu hơn 80 gói thầu, gồm các tài sản, phương tiện bộ, phương tiện thủy, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ, các mặt hàng quân trang, thiết bị y tế, thuốc và hóa chất xét nghiệm… với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Các gói thầu đảm bảo đúng tiến độ, quy trình, thủ tục.

Do tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch, Trung tâm có cơ hội lựa chọn các sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, tiết kiệm đáng kể về chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu. Chỉ tính riêng các gói thầu hoàn thành năm 2017, số kinh phí tiết kiệm qua đấu thầu đạt gần 30 tỷ đồng (4,3%). Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức đấu thầu thành công 3 gói thầu mua sắm phương tiện cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy, cứu thương theo đề nghị của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Bộ Công an với kinh phí gần 130 tỷ đồng.

Mặc dù cuối tháng 8/2017, Bộ Công an mới ban hành danh mục 9 nhóm thiết bị văn phòng được tổ chức MSTT, nhưng tính đến 31/12/2017, Trung tâm đã hoàn thành tổ chức đấu thầu, ký thỏa thuận khung với nhà thầu 5 gói thầu, kinh phí trên 34 tỷ đồng, chuyển công an 35 đơn vị, địa phương ký hợp đồng mua sắm, qua đó tiết kiệm cho ngân sách nhà nước gần 2 tỷ đồng (5,2%) so với tổng giá gói thầu được duyệt. 

2. TP. Hà Nội

Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính Hà Nội cho biết, năm 2017, Trung tâm đã hoàn thành 3 đợt mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, bao gồm đợt đấu thầu dịch vụ công ích vệ sinh môi trường giai đoạn 2017 - 2020, đợt đấu thầu MSTT đầu năm 2017 và đợt đấu thầu MSTT cuối năm 2017.

Đối với lĩnh vực dịch vụ công ích vệ sinh môi trường, Trung tâm đã lựa chọn được nhà thầu cho tất cả 26 gói thầu giai đoạn 2017 - 2020 với tổng giá trúng thầu là 4.470,428 tỷ đồng, giảm 170,268 tỷ đồng so với giá dự toán. Đối với MSTT tài sản đầu năm 2017, thông qua đấu thầu, Trung tâm tiết kiệm được hơn 52 tỷ đồng. Trong đó, thông qua đấu thầu 5 gói thầu thiết bị văn phòng, bàn ghế học sinh tiết kiệm 21,201 tỷ đồng (tổng giá trúng thầu là 433,448 tỷ đồng); thông qua đấu thầu 19 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tiết kiệm 31,423 tỷ đồng (tổng giá trúng thầu là 2.069,039 tỷ đồng).

3. Tỉnh Đắk Lắk

Trong năm 2017, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Đắk Lắk tổ chức đấu thầu 38 gói thầu (1 gói không thực hiện được do không đủ điều kiện), tổng giá các gói thầu là hơn 175 tỷ đồng. Năm 2018, Trung tâm tổ chức đấu thầu 13 gói thầu (4 gói không thực hiện được do không đủ điều kiện), tổng giá các gói thầu là hơn 39 tỷ đồng. Trong năm 2019, Trung tâm tổ chức đấu thầu 22 gói thầu, tổng giá các gói thầu là hơn 239 tỷ đồng. 

4. Tỉnh Bình Định

Sở Tài chính Bình Định cho biết, hơn 2 năm triển khai MSTT, 4 đầu mối tại tỉnh này đã thực hiện 89 gói thầu, tổng giá gói thầu gần 345 tỷ đồng, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 41,6 tỷ đồng (10,7%). Giám đốc Sở Tài chính Bình Định Lê Hoàng Nghi cho biết, MSTT có nhiều ưu điểm trong việc tiết kiệm chi tiêu công, kiểm soát tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, góp phần phòng chống tham nhũng. 

5. Tỉnh Bình Phước

Trong 3 năm 2017 - 2019, Sở Tài chính tỉnh Bình Phước đã tổ chức MSTT 15 gói thầu với tổng giá gói thầu hơn 104 tỷ đồng. Tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu đạt 1,5%. Đặc biệt, năm 2019, tất cả các gói thầu MSTT tại Bình Phước đều được tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng. 

6. Tỉnh Đồng Nai

Năm 2019, trong báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, nổi bật nhất là công tác MSTT tại Sở Y tế. Đây là đơn vị đóng góp rất lớn cho tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu của Tỉnh. Cụ thể, nếu tính riêng các gói thầu sử dụng vốn nhà nước, Sở Y tế Đồng Nai đã thực hiện 20 gói thầu MSTT với tổng giá các gói thầu là 4.180,120 tỷ đồng. Tổng giá trúng thầu là 3.351,588 tỷ đồng. Tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu đạt 19,82%. Nếu tính kết quả của các gói thầu mua sắm sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên, Sở Y tế Đồng Nai thực hiện 31 gói, tổng giá gói thầu là 4.200,415 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 3.371,541 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 19,73%. 

7. Tỉnh Tiền Giang

Trung tâm Mua sắm công ngành y tế tỉnh Tiền Giang đã thực hiện MSTT 12 gói thầu trong năm 2018, trong đó có 3 gói thầu mua thuốc (mua vắc xin, dược liệu và vị thuốc cổ truyền). Tỷ lệ các mặt hàng trúng thầu trung bình là 86,63%, tỷ lệ tiết kiệm trung bình tính trên các mặt hàng trúng thầu là 25,81%. Có 9 gói thầu mua vật tư y tế như chỉ phẫu thuật, bơm tiêm - dây chuyền dịch… Tỷ lệ các mặt hàng trúng thầu trung bình là 75,81%, tỷ lệ tiết kiệm trung bình tính trên các mặt hàng trúng thầu là 20,74%.

Trong năm 2019, Trung tâm đã thực hiện MSTT 6 gói thầu, trong đó có 1 gói thầu thuốc generic, 1 gói mua vắc xin, 2 gói mua dược liệu, 2 gói mua vị thuốc cổ truyền. Số mặt hàng trúng thầu là 1.441/2.050, chiếm tỷ lệ 80,97%, tỷ lệ tiết kiệm bình quân là 17,93%. 

8. Viễn thông TP.HCM

Trung tâm Cung ứng vật tư viễn thông TP.HCM được giao làm đầu mối MSTT cho Viễn thông TP.HCM (VNPT TP.HCM) và viễn thông các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Trung tâm thực hiện nhiệm vụ MSTT từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và VNPT TP.HCM.

Trong hai năm 2018 - 2019, Trung tâm đã triển khai 194 gói thầu cho cả VNPT và VNPT TP.HCM với tổng giá gói thầu gần 4.500 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2018 có 14 gói thầu MSTT cho Tập đoàn, 93 gói thầu cho VNPT TP.HCM, tổng giá trị ước toán khoảng 2.000 tỷ đồng, tiết kiệm gần 30 tỷ đồng. Năm 2019, Trung tâm triển khai 15 gói thầu MSTT cho Tập đoàn, 72 gói thầu cho VNPT TP.HCM, tổng giá trị ước toán là 2.450 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 45 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục