Hoàn thiện quy định mua sắm công trong CPTPP

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa công bố Dự thảo lần 2 Nghị định hướng dẫn việc lựa chọn nhà thầu (LCNT) đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện Dự thảo.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn lựa chọn nhà thầu theo CPTPP đề xuất, nhà thầu được hưởng ưu đãi về giá khi tham gia đấu thầu cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Nghị định hướng dẫn lựa chọn nhà thầu theo CPTPP đề xuất, nhà thầu được hưởng ưu đãi về giá khi tham gia đấu thầu cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên. Ảnh: Lê Tiên

Dự thảo Nghị định gồm có 102 điều, 11 chương và kèm theo 7 phụ lục. 7 phụ lục kèm theo Dự thảo Nghị định quy định cụ thể về các danh sách cơ quan mua sắm cấp trung ương; ngưỡng giá gói thầu; danh sách các cơ quan khác; danh mục hàng hóa; danh mục dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn; danh mục dịch vụ xây dựng; danh mục gói thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh. 

Nguyên tắc tổ chức lựa chọn nhà thầu

Khi tổ chức LCNT đối với những gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định, theo Dự thảo Nghị định, cơ quan mua sắm có nghĩa vụ phải đảm bảo 4 nguyên tắc chung khi tổ chức LCNT, gồm: nguyên tắc đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử; nguyên tắc sử dụng biện pháp ưu đãi trong nước; quy tắc xuất xứ; nguyên tắc xác định gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh. Việc LCNT được áp dụng theo 2 hình thức là đấu thầu rộng rãi và chỉ định thầu.

Trong các trường hợp đặc biệt, cơ quan mua sắm có thể xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành các quy định để đảm bảo lợi ích. Tuy nhiên, cơ quan mua sắm không được áp dụng quy định này để phân biệt đối xử một cách tuỳ tiện hoặc không có căn cứ giữa các thành viên trong cùng một điều kiện, hoặc gây ra cản trở trá hình đối với thương mại quốc tế giữa các thành viên.

Ngoài ra, để thực thi CPTPP, Dự thảo Nghị định nêu rõ, Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện việc đấu thầu thuốc, lộ trình mở cửa thị trường thuốc theo quy định của Hiệp định; Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn về chi phí trong LCNT.

Riêng đối với Bộ KH&ĐT, ngoài việc phổ biến, tuyên truyền, kiểm tra và hướng dẫn việc LCNT theo quy định của Nghị định và Hiệp định, cơ quan này còn có trách nhiệm công bố ngưỡng giá gói thầu áp dụng nghị định này tính theo đồng Việt Nam trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc theo quy định của Hiệp định CPTPP. Đồng thời, phải có ý kiến đối với việc ban hành quy định về chi phí trong LCNT theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; cung cấp thông tin cho các nước thành viên phù hợp với yêu cầu của Hiệp định; ban hành mẫu hồ sơ đấu thầu.

Đối với những nội dung cần thiết khác của nghị định này, Bộ KH&ĐT có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu. 

Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu

Tại Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, Bộ KH&ĐT được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Nghị định hướng dẫn riêng đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP. Thời hạn trình Chính phủ Dự thảo Nghị định là trong tháng 11/2019. Để có cơ sở tổng hợp, báo cáo và trình Chính phủ, thời hạn để các bên gửi ý kiến đóng góp cụ thể đối với Dự thảo Nghị định về Bộ KH&ĐT là trước ngày 25/6/2019.
Một trong những nội dung được nhiều nhà thầu trong khối quan tâm nhất có lẽ là ưu đãi trong LCNT.

Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định, nhà thầu được hưởng ưu đãi về giá khi tham gia đấu thầu cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên. Đối tượng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp bao gồm: nhà thầu trong nước tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh; nhà thầu nước ngoài liên danh với nhà thầu trong nước mà nhà thầu trong nước đảm nhận từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu.

Dự thảo Nghị định nêu rõ, trường hợp sau khi tính ưu đãi, nếu các hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất xếp hạng ngang nhau thì ưu tiên cho nhà thầu có đề xuất chi phí trong nước cao hơn. Trường hợp nhà thầu tham dự thầu thuộc đối tượng được hưởng nhiều hơn một loại ưu đãi thì khi tính ưu đãi chỉ được hưởng một loại ưu đãi cao nhất theo quy định của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Đối với gói thầu hỗn hợp, việc tính ưu đãi căn cứ tất cả các đề xuất của nhà thầu trong các phần công việc tư vấn, cung cấp hàng hóa, xây lắp. Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi có đề xuất chi phí trong nước (chi phí tư vấn, hàng hóa, xây lắp) từ 25% trở lên trong tổng giá trị công việc của gói thầu.

Tuy nhiên, kể từ ngày 14/1/2044 trở đi, tức là sau khi kết thúc thời gian chuyển đổi, cơ quan mua sắm không được áp dụng các biện pháp ưu đãi trong nước đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định. Kể từ ngày 14/01/2019 đến ngày 13/01/2029, cơ quan mua sắm có thể áp dụng các biện pháp ưu đãi trong nước theo quy định ở mức tối đa 40% tổng giá hợp đồng các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của mình, tính theo từng năm. Hạn mức này giảm xuống còn 30% kể từ ngày 14/1/2029 đến ngày 13/1/2044.

Tin cùng chuyên mục