Hồi chuông cảnh tỉnh trong quản lý hợp đồng sau đấu thầu

(BĐT) - Thanh tra tỉnh Đắk Nông vừa công bố kết luận thanh tra việc cho nhà thầu tạm ứng kinh phí thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng tại Sở Giao thông vận tải (GTVT). Từ đây có thể thấy, câu chuyện thất thoát ngân sách nhà nước do chủ đầu tư yếu kém trong quản lý hợp đồng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cảnh báo từ rất lâu, nhưng vẫn còn tồn tại nhức nhối.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

3 nhà thầu chiếm dụng hơn 11 tỷ đồng bảo lãnh

Sai phạm xảy ra tại Gói thầu số 1, Gói thầu số 3, Gói thầu số 6 thuộc Dự án Quốc lộ 28 đoạn tránh ngập Thủy điện Đồng Nai 3 và 4 thực hiện trong giai đoạn 2009 - 2012 do Ban Quản lý dự án (QLDA) 1 thuộc Sở GTVT Đắk Nông làm chủ đầu tư. Các sai phạm của nhà thầu như thi công chậm tiến độ, bỏ dở không hoàn thành công việc theo hợp đồng, không gia hạn bảo lãnh hợp đồng, không gia hạn bảo lãnh tạm ứng… không được xử lý kịp thời, kiên quyết theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, tại Gói thầu số 6, sau khi 2 bảo lãnh tạm ứng hết hiệu lực, Công ty TNHH Xây dựng Yến Ngân bổ sung bảo lãnh với giá trị gần 2,5 tỷ đồng, có giá trị thực hiện khi toàn bộ khoản tiền ứng trước, tiền thanh toán của công trình được chuyển cho công ty này. Do đó, bảo lãnh tạm ứng không có hiệu lực khi không chuyển tiền vào tài khoản của Công ty. Ban QLDA 1 chấp thuận một bảo lãnh tạm ứng không có hiệu lực, giá trị bảo lãnh thấp hơn số dư tạm ứng (giá trị số dư tạm ứng là hơn 4,3 tỷ đồng) là không đúng quy định.

Tại Gói thầu số 1, thời gian bảo lãnh tạm ứng của ngân hàng đến ngày 18/10/2011 hết hiệu lực, số dư nợ tạm ứng là 4,4 tỷ đồng, nhưng Ban QLDA 1 và Sở GTVT Đắk Nông không kịp thời yêu cầu gia hạn bảo lãnh tạm ứng, không áp dụng kịp thời các biện pháp hữu hiệu để thu hồi số dư tạm ứng.

Tại Gói thầu số 3, khi hết hiệu lực bảo lãnh tạm ứng, Sở GTVT cũng không kịp thời yêu cầu Nhà thầu gia hạn, không có văn bản yêu cầu hoàn trả tạm ứng. Công ty TNHH MTV Xây dựng công trình giao thông 875 vi phạm hợp đồng, rút khỏi công trường vào tháng 7/2011. Bảo lãnh tạm ứng còn có hiệu lực đến 18/12/2011, nhưng Ban QLDA 1 không yêu cầu ngân hàng hoàn trả tạm ứng để thu hồi nợ tạm ứng.

Ngoài ra, việc thực hiện đôn đốc tiến độ thi công, tiến độ thực hiện hợp đồng, xử lý vi phạm hợp đồng của chủ đầu tư này lỏng lẻo, không nghiêm túc. Những lỗ hổng trên đã tạo điều kiện cho các nhà thầu dễ dàng chiếm dụng vốn ngân sách nhà nước. Đơn cử, tại Gói thầu số 1, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình giao thông 874 rút tiền mặt hơn 3,2 tỷ đồng sử dụng cho công trình khác, sử dụng hết số tiền tạm ứng của Gói thầu số 1 hơn 5,7 tỷ đồng trước ngày khởi công Gói thầu.

Công ty 874, Công ty 875, Công ty Yến Ngân đã bị Sở GTVT Đắk Nông kiện ra tòa. Tòa án Nhân dân huyện Đắk Glong đã có các bản án buộc 3 nhà thầu phải trả các khoản tiền cho sở này. Tuy nhiên, cơ quan thi hành án xác định 3 nhà thầu nói trên chưa có điều kiện thi hành các bản án để hoàn trả tạm ứng cho Sở GTVT.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra về việc quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Định. Theo đó, câu chuyện chiếm dụng tiền tạm ứng, quản lý lỏng lẻo lặp lại tại Dự án Xây dựng cấp bách kè chống sạt lở và cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát lũ chống ngập úng hạ lưu sông Hà Thanh với tổng mức đầu tư 3.006 tỷ đồng. Dự án chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý nên không thực hiện như đã phê duyệt. Tuy nhiên, ngân sách địa phương đã tạm ứng theo hợp đồng cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc 201 tỷ đồng, đến nay vẫn còn dư ứng 137,123 tỷ đồng, đã quá thời hạn phải hoàn khối lượng thanh toán 6 tháng nhưng chưa được thu hồi. 

Năng lực quản lý yếu kém

Hai câu chuyện nêu trên ở hai mức độ khác nhau liên quan đến tạm ứng, quản lý hợp đồng xây dựng cho thấy đây đang trở thành vấn đề khá nhức nhối. Bộ KH&ĐT đã từng đưa ra nhiều cảnh báo về hiện tượng lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm trong quản lý hợp đồng xây dựng sau đấu thầu. Nguyên nhân chính là do năng lực quản lý hợp đồng sau đấu thầu hay quản lý nhà thầu còn nhiều yếu kém. Để quản lý hợp đồng sau đấu thầu tốt cần phải dựa trên pháp luật và các quy định chặt chẽ đã xác lập trên hợp đồng, với điều kiện hợp đồng phải có chất lượng tốt.

Theo một chuyên gia đấu thầu, để đảm bảo nhà thầu tuân thủ hợp đồng, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có những chế tài chặt chẽ, rõ ràng. Những điều trong luật, trong hợp đồng đã quy định thì các chủ đầu tư không nên nể nang hay nhân nhượng với nhà thầu. Nếu phát hiện chủ đầu tư nào nhân nhượng, cơ quan quản lý phải đặt dấu hỏi tại sao lại có sự nhân nhượng và làm ngơ cho lỗi của nhà thầu, tại sao lại cho tiếp tục thực hiện hợp đồng?

Tin cùng chuyên mục