Hủy thầu do HSMT trái luật: Chuyện đáng suy ngẫm

(BĐT) - Hủy thầu do hồ sơ mời thầu (HSMT) không tuân thủ các quy định pháp luật là câu chuyện đáng bàn trong đấu thầu. Chưa nói đến thiệt hại của nhà thầu, dường như tính răn đe chưa đủ mạnh nên nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu vẫn vô tư để xảy ra hủy thầu khi phát hành ra những bộ HSMT đầy những tiêu chí đi ngược lại tinh thần minh bạch, cạnh tranh.
Việc hủy thầu do HSMT không tuân thủ quy định pháp luật là trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, tư vấn lập, thẩm định HSMT. Ảnh: Lê Tiên
Việc hủy thầu do HSMT không tuân thủ quy định pháp luật là trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, tư vấn lập, thẩm định HSMT. Ảnh: Lê Tiên

Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, những lý do thường gặp nhất khi hủy thầu là không có nhà thầu tham gia dự thầu, hoặc tất cả các hồ sơ dự thầu (HSDT) không đáp ứng yêu cầu của HSMT. Tuy nhiên, thời gian qua, đã xuất hiện một số thông báo hủy thầu ghi rõ “do HSMT không tuân theo quy định”.

Ví dụ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Châu Thành (Bến Tre) vừa công bố hủy thầu Gói thầu Thi công xây lắp công trình Đường ĐA.02 (Đoạn giáp ranh xã Phú Đức - giáp Nhà thờ), xã Phú Túc, huyện Châu Thành. Nguyên nhân hủy thầu là do HSMT không tuân thủ các quy định.

Việc hủy Gói thầu Xây lắp Hệ thống điện chiếu sáng thuộc Dự án Phát triển đô thị dọc hành lang Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) tại Quảng Trị cũng được Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương này chỉ rõ là “do HSMT không tuân thủ theo quy định của mẫu HSMT xây lắp”.

Có hai tình trạng dẫn tới quá trình lựa chọn nhà thầu bị kéo dài, thậm chí hủy thầu, liên quan trực tiếp đến HSMT. Thứ nhất, trong quá trình phát hành HSMT, các nhà thầu phát hiện HSMT có “vấn đề” nên kiến nghị làm rõ HSMT. Việc làm rõ HSMT buộc bên mời thầu và chủ đầu tư phải kiểm tra, rà soát lại toàn bộ nội dung HSMT.

Trường hợp thứ hai, phức tạp hơn, là HSMT dù có “vấn đề” nhưng quá trình phát hành, không có kiến nghị của nhà thầu. Tuy nhiên, quá trình đánh giá HSDT, đặc biệt là công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, lại khiến các nhà thầu phản ứng. Từ đây, các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát vào cuộc. Và việc đầu tiên là rà soát lại nội dung của HSMT.

Hiện nay, việc HSMT không tuân thủ theo quy định pháp luật có muôn hình vạn trạng. Đó là yêu cầu về hợp đồng tương tự (thường cố tình hạ thấp hoặc nêu quá cao về quy mô, giá trị), yêu cầu về nhân sự (bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội, ký hợp đồng lao động), yêu cầu về phương tiện, thiết bị, xe máy thi công (bắt buộc phải thuộc sở hữu của nhà thầu, nêu số lượng quá nhiều so với thực tế yêu cầu triển khai). Đối với gói thầu xây lắp, tình trạng yêu cầu nhà thầu phải có trạm cung cấp vật liệu trong phạm vi vài km. Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, bắt buộc phải có giấy phép bán hàng, phải có trung tâm bảo hành, bảo trì đóng ngay tại địa bàn thực hiện gói thầu… Tựu chung, những quy định này nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu và tạo điều kiện cho một hoặc một nhóm nhỏ nhà thầu.

Theo thống kê của Báo Đấu thầu, tỷ lệ thông báo hủy thầu không nêu rõ lý do còn rất cao. Do đó, nguyên nhân thực sự của việc hủy thầu, trong nhiều trường hợp, chỉ người trong cuộc mới hiểu. Còn bao nhiêu gói thầu bị hủy do HSMT không tuân thủ quy định pháp luật vẫn chưa thể thống kê đầy đủ. Đáng nói hơn, việc đánh giá HSMT không tuân thủ quy định  pháp luật thông thường phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, của người có thẩm quyền. Trong khi đó, tỷ lệ các gói thầu có sự đánh giá toàn diện này lại càng ít ỏi hơn, trừ những trường hợp có kiến nghị, khiếu nại.

Thời gian vừa qua, nhiều chuyên gia về đấu thầu đã bày tỏ lo ngại về chất lượng của HSMT. Về vấn đề này, đại diện một đơn vị tư vấn đấu thầu chia sẻ: “Soạn HSMT theo khả năng của nhà thầu được ưu ái từ trước là trách nhiệm của tư vấn. Do đó, sợ nhất là có kiến nghị trong đấu thầu, khui ra thì mọi tội vạ đổ lên đầu tư vấn. Mà cũng không có ai bàn đến chuyện tính toán thiệt hại cho các nhà thầu đâu”.

Theo quy định, HSMT được thẩm định, phê duyệt rồi mới phát hành. Để một bộ HSMT đến tay nhà thầu, phải trải qua sàng lọc, soi xét của nhiều bộ phận. Do đó, việc hủy thầu do HSMT không tuân thủ quy định là trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, tư vấn lập HSMT cũng như tư vấn thẩm định HSMT.

Đáng buồn hơn, tại nhiều gói thầu bị nhà thầu liên tục phản ánh và Báo Đấu thầu đưa tin về nội dung thiếu tính cạnh tranh của HSMT nhưng các bên liên quan vẫn cố tình phớt lờ, không chịu điều chỉnh. Do đó, nhiều bộ HSMT vẫn tồn tại “hàng loạt bẫy giăng nhà thầu”, bất chấp sự phản ánh của nhà thầu. Và như chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Việt Hùng, “nhà thầu quá sợ đụng chạm tới các chủ đầu tư nên trong các trường hợp để hủy thầu do HSMT, không ai dám kiện đòi đền bù thiệt hại”.

Tin cùng chuyên mục