Khi nhà thầu lỡ “bút sa”

(BĐT) - Một số nhà thầu khi tham gia đấu thầu đã mắc phải một vài lỗi tưởng như rất nhỏ nhưng bị đánh trượt ngay từ đầu. Sự cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp trong khâu lập hồ sơ dự thầu đôi khi đã hại các nhà thầu, để lại nhiều đáng tiếc, vì đây là những nhà thầu thực sự muốn cạnh tranh.
Một nhà thầu tại Khánh Hòa ban đầu soạn đơn dự thầu với tư cách độc lập, sau đó tham gia với tư cách liên danh nhưng nộp nhầm đơn dự thầu cũ. Ảnh: Nhã Chi
Một nhà thầu tại Khánh Hòa ban đầu soạn đơn dự thầu với tư cách độc lập, sau đó tham gia với tư cách liên danh nhưng nộp nhầm đơn dự thầu cũ. Ảnh: Nhã Chi

Sơ suất ngay từ đơn dự thầu

Tháng 4/2017 vừa qua, một liên danh nhà thầu tại Khánh Hòa có dự thầu một gói thầu tại Quảng Bình. Tuy nhiên, đơn dự thầu của liên danh này lại chỉ nêu tên một nhà thầu với chữ ký xác nhận của đại diện liên danh. Sau khi bị bên mời thầu loại bởi đơn dự thầu không hợp lệ, nhà thầu có đơn kiến nghị gửi các bên liên quan. Nhà thầu viện dẫn cả thỏa thuận liên danh, trong đó đã phân công đại diện liên danh đứng tên ký đơn dự thầu. Trường hợp này đã bị chủ đầu tư bác kiến nghị do lỗi trong đơn dự thầu của nhà thầu đã phạm vào tư cách hợp lệ của HSDT.

Một gói thầu cung cấp dịch vụ cắt cỏ bằng máy được tổ chức ở Vũng Tàu cũng nhận được thông tin kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu từ một nhà thầu. Theo đó, tại gói thầu này, ngay trong đơn chào hàng của nhà thầu không ghi giá cụ thể, cố định bằng chữ, bằng số. Tuy vậy, nhà thầu cho rằng, biểu tổng hợp giá chào được đính kèm trong HSDT đã thể hiện con số, trùng khớp với đơn chào giá được gửi bổ sung sau đó tới chủ đầu tư của gói thầu này.

Theo Chủ đầu tư, căn cứ quy định của hồ sơ yêu cầu (HSYC), hồ sơ đề xuất (HSĐX) của nhà thầu này được đánh giá là không hợp lệ, không được xem xét ở các bước tiếp theo. Bên cạnh đó, biểu tổng hợp giá chào kèm theo cũng không ghi tên gói thầu cụ thể, không có số tiền bằng chữ. Theo đánh giá của Bên mời thầu, giá chào là một nội dung quan trọng trong đơn chào hàng. Nếu nội dung này không đáp ứng thì đơn chào hàng không đủ căn cứ pháp lý để gắn trách nhiệm của nhà thầu đối với HSĐX trong quá trình đánh giá và ký hợp đồng.

Cũng theo Bên mời thầu, đơn chào hàng không thuộc danh sách tài liệu được bổ sung trong quá trình đánh giá. Do đó, tài liệu nhà thầu bổ sung “ghi thêm đơn giá dự thầu trong đơn” là không hợp lệ và không được Bên mời thầu sử dụng để xem xét, đánh giá.

Trên đây là hai trong nhiều trường hợp nhà thầu  bị trượt bởi lỗi rất sơ đẳng khiến nhiều người nghi ngờ. Bản thân nhà thầu chia sẻ, đây là lỗi không mong muốn và những kiến nghị gửi chủ đầu tư là để được tạo cơ hội sửa sai. 

Cần chuyên nghiệp trong khâu lập HSDT

Trong cả hai trường hợp trên, trao đổi với Báo Đấu thầu, cả hai nhà thầu đều thừa nhận, việc để xảy ra sơ suất trong đơn dự thầu như trên là do nhân viên hoàn thiện HSDT không kiểm tra lại trước khi niêm phong và nộp HSDT. “Sau khi kiểm tra lại khâu chuẩn bị đơn dự thầu, chúng tôi mới nhận ra sự cố đáng tiếc. Vì ban đầu dự tính tham gia với tư cách độc lập, đơn dự thầu soạn thảo ban đầu đứng tên một mình. Tuy nhiên, do vào những ngày cuối, xét năng lực, chúng tôi phải liên danh thêm thì nhân viên chuẩn bị HSDT lại vẫn sử dụng đơn dự thầu cũ”, nhà thầu tại Khánh Hòa cho biết. Trong khi đó, nhà thầu tham dự gói thầu tại Vũng Tàu đã nhận ra sơ suất trong đơn dự thầu, mong muốn được Chủ đầu tư xem xét để tổ chức đấu thầu lại.

Điều đáng nói, cả hai trường hợp nêu trên, đáng tiếc nhất là giá dự thầu của hai nhà thầu đều rất cạnh tranh, thấp hơn các nhà thầu khác. “Tuy rất mong muốn lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực và có giá cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của HSMT nhưng sai sót trên của nhà thầu lại dẫn đến HSDT không hợp lệ nên buộc chúng tôi phải loại ngay từ đầu”, đại diện các chủ đầu tư lên tiếng.

Ghi nhận của Báo Đấu thầu cho thấy, trong cả hai trường hợp trên, các chủ đầu tư sau khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, nhận được kiến nghị của nhà thầu đều có động thái trả lời kiến nghị cho nhà thầu rất cụ thể. Chủ đầu tư ở Vũng Tàu đã chủ động tổ chức một buổi gặp gỡ, trao đổi và giải đáp mọi thắc mắc của nhà thầu xoay quanh câu chuyện thiếu giá chào. Chủ đầu tư ở Quảng Bình đã liên tục có văn bản trả lời kiến nghị nhà thầu. Thậm chí, trong các văn bản trả lời, chủ đầu tư này đã mời nhà thầu “nếu nhà thầu chưa thấy thỏa đáng với thông tin trả lời bằng văn bản của Chủ đầu tư, nhà thầu có thể cử cán bộ phụ trách đến làm việc trực tiếp để Chủ đầu tư thông tin trực tiếp, cụ thể hơn”.

Từ động thái trên, các nhà thầu càng có cơ hội nhìn nhận lại sơ suất của mình và nhận thức được sự quan trọng trong công tác chuẩn bị, lập HSDT một cách chuyên nghiệp hơn trong những gói thầu tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục