Kiến nghị mở rộng phạm vi cấm đấu thầu

(BĐT) - Khi bị phát hiện gian lận trong đấu thầu, các nhà thầu chịu hình thức xử phạt cho hành vi coi thường pháp luật của mình. Nhưng trên thực tế, các quyết định xử phạt của người có thẩm quyền chưa có tác động nhiều tới nhà thầu gian lận, bị cấm chỗ này nhưng nhà thầu vẫn tham gia và trúng nhiều gói thầu ở nơi khác. 

Chuyên gia đấu thầu cho rằng, nếu các hành vi gian lận không được xử lý triệt để, mạnh tay sẽ khiến các nhà thầu nhờn luật, làm mất đi tính công bằng mà pháp luật đấu thầu hướng tới.  

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Nhà thầu gian lận vẫn trúng thầu nhiều

Tìm mọi cách để trúng thầu dù không đủ năng lực, nhiều nhà thầu đã làm giả các tài liệu trong hồ sơ dự thầu (HSDT) để tham gia đấu thầu. Không dừng lại ở những gian lận tiểu tiết, nhiều hành vi gian lận của một số nhà thầu (giả hợp đồng tương tự, giả con dấu, giả bằng cấp của nhân sự chủ chốt…) còn cho thấy mức độ vi phạm coi thường pháp luật, thách thức cả chủ đầu tư, bên mời thầu cũng như các cơ quan chức năng.

Tháng 12/2018, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã ra quyết định cấm 2 nhà thầu: Công ty TNHH Xây dựng Nguyên Tín và Công ty TNHH Đức Hải tham gia hoạt động đấu thầu trong thời gian 4 năm đối với các dự án đầu tư xây dựng do Ban làm chủ đầu tư. Lý do là các nhà thầu này đã cố ý cung cấp các thông tin không trung thực, làm giả Quyết định số 4570/QĐ-UBND ngày 10/10/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật: Sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Hồ Trung, xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Tháng 8/2016, Tổng cục Thống kê (TCTK) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành Quyết định về việc cấm Công ty CP In Hà Nội tham gia đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm thuộc thẩm quyền quyết định của Tổng cục trưởng TCTK do nhà thầu này nhiều lần cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong HSDT.

Trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, tính đến thời điểm ngày 26/7 đã ghi nhận 153 trường hợp được các bên mời thầu báo cáo xử lý vi phạm bao gồm các hình thức: cấm đấu thầu, chấm dứt hợp đồng, xử phạt nhà thầu… Tuy nhiên, trên thực tế, dù vẫn đang trong thời gian bị cấm đấu thầu, công việc của một số nhà thầu vẫn không bị ảnh hưởng gì.

Đơn cử, sau khi bị phát hiện gian lận vào năm 2016 tại TCTK, từ tháng 9/2018 - tháng 7/2019, theo thống kê sơ bộ của Báo Đấu thầu, Công ty CP In Hà Nội vẫn tham gia và được các bên mời thầu khác công bố trúng thầu tới 42 gói thầu, riêng trong 7 tháng đầu năm nay, nhà thầu này được công bố trúng 18 gói thầu.

Công ty TNHH Xây dựng Nguyên Tín mặc dù mới bị cấm đấu thầu từ tháng 12/2018, nhưng trong 7 tháng đầu năm 2019 vẫn trúng 2 gói thầu của 2 bên mời thầu khác của huyện Hoài Nhơn (Bình Định) với tổng giá trị trúng thầu gần 11 tỷ đồng.

Kiến nghị mở rộng phạm vi cấm đấu thầu

Với những hành vi gian lận nêu trên, theo trình tự xử lý vi phạm, người có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình; trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương hoặc đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 222 của Bộ luật Hình sự, người nào có hành vi gian lận trong đấu thầu, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, cá nhân sẽ phải đối diện với nguy cơ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Thậm chí, có thể bị phạt tù cao nhất đến 20 năm nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên.

Chuyên gia đấu thầu Nguyễn Việt Hùng cho rằng, hiện người có thẩm quyền ra quyết định cấm đấu thầu vẫn còn “cả nể”, xuê xoa và có thể muốn bao che cho nhà thầu nên việc cấm tham gia đấu thầu hiện mới chỉ dừng lại ở phạm vi quản lý của người có thẩm quyền ngay cả đối với những hành vi gian lận có tính chất nghiêm trọng. Chính vì thế, những trường hợp gian lận bị phát hiện vẫn không hề thuyên giảm; những vụ việc mà cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại Điều 222 của Bộ luật Hình sự bị khởi tố trên thực tế là rất hiếm.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, với những vi phạm nghiêm trọng, gian lận tinh vi, người có thẩm quyền cần đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương. Thậm chí đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước. Khi việc gian lận trong đấu thầu ảnh hưởng tới sự sống còn của nhà thầu thì nhà thầu mới “chùn tay”.

Tin cùng chuyên mục