Lần theo những lá đơn kiến nghị đấu thầu bị... lạc

(BĐT) - Quá trình tiếp nhận đơn kiến nghị về đấu thầu thời gian qua cho thấy, hiện tượng nhà thầu gửi đơn kiến nghị không đúng địa chỉ rất phổ biến. 
Mặc dù không trực tiếp nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu nhưng Sawaco đã chủ động liên hệ với nhà thầu gửi đơn kiến nghị. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Mặc dù không trực tiếp nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu nhưng Sawaco đã chủ động liên hệ với nhà thầu gửi đơn kiến nghị. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Đơn kiến nghị đi lạc hay thậm chí địa chỉ nhà thầu kiến nghị không có thật, mạo danh trong kiến nghị… cho thấy sự “lệch chuẩn” trong cách tiếp cận về quy định giải quyết kiến nghị đấu thầu.

Khi đơn kiến nghị đấu thầu đi… lạc

Một nhà thầu có địa chỉ tại tỉnh Gia Lai từ gần một năm nay đã có hàng loạt đơn kiến nghị gửi sai địa chỉ. Theo đó, dù Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng (ĐTXD) huyện Ia Pa là bên mời thầu và UBND huyện Ia Pa là chủ đầu tư những gói thầu mà nhà thầu này kiến nghị nhưng tất cả đơn kiến nghị của nhà thầu này lại gửi đến hàng loạt cơ quan khác. Địa chỉ nhận đơn kiến nghị của nhà thầu này thường rất dài, phạm vi rất rộng, từ cấp huyện, cấp tỉnh cho đến Trung ương. Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhà thầu này đưa ra quan điểm: “Phải gửi nhiều vì anh muốn cả nước biết chuyện này!”.

Đôi khi, việc những lá đơn kiến nghị… sai nơi nhận cũng hoàn toàn không phải do một phía từ nhà thầu. Một nhà thầu khác tại Tiền Giang cũng thường xuyên có đơn kiến nghị… vượt cấp. Theo chia sẻ của nhà thầu này, sở dĩ họ không gửi đơn cho bên mời thầu vì các đơn kiến nghị không có hồi đáp cũng như có nhiều câu trả lời không thấu đáo. “Dẫu biết gửi đơn kiến nghị đấu thầu đi… lòng vòng, mất thời gian và rất mang tiếng là hay kiến nghị nhưng thực sự các bên mời thầu bất chấp quá, buộc chúng tôi phải làm như như vậy”, Nhà thầu giải thích.

Luật Đấu thầu quy định rất rõ về quy trình giải quyết kiến nghị trong đấu thầu. Gần như các nhà thầu chuyên nghiệp, thực sự đấu thầu để cạnh tranh, khi nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng đều sử dụng quyền kiến nghị. Và những nhà thầu này đều thực hiện quyền của mình rất bài bản và bắt đầu chính từ địa chỉ nhận đơn kiến nghị. Chỉ khi bên mời thầu hoặc chủ đầu tư không trả lời, hoặc nhà thầu không đồng ý với trả lời đó thì mới tiến hành gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền.

Thế nhưng, hiện tượng những lá đơn kiến nghị đấu thầu hiện nay được các nhà thầu chuẩn bị chưa chuẩn mực và đúng đối tượng tại sao ngày càng nhiều? Theo lý  giải của các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất, do các chủ đầu tư, bên mời thầu không tuân thủ quy định khi giải quyết kiến nghị, dẫn đến nhà thầu kiến nghị vượt cấp, gửi nhiều nơi. Thứ hai, nhà thầu hành xử chưa phù hợp với các hướng dẫn, do đó vẫn còn lợi dụng kiến nghị đấu thầu cho các mục đích khác.

Khó như mời nhà thầu đến làm rõ

Đã xảy ra các trường hợp khi phóng viên Báo Đấu thầu vào cuộc xác minh thông tin, nhiều bên mời thầu/chủ đầu tư hoàn toàn ngạc nhiên và ngã ngửa vì trong suốt thời gian tổ chức đấu thầu, không biết gói thầu do mình quản lý có kiến nghị.

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, đơn vị này đã gặp tình huống có đơn kiến nghị của nhà thầu đối với một gói thầu đang tổ chức lựa chọn nhà thầu. “Tuy nhiên, chúng tôi chỉ biết mình có đơn kiến nghị từ đơn vị khác thông báo đến. Qua rà soát, chúng tôi nhận thấy, đơn vị gửi đơn kiến nghị liên quan đến gói thầu mà Sawaco mời thầu không mua HSMT”, Sawaco thông tin.

Mặc dù không trực tiếp nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu nhưng Sawaco đã chủ động liên hệ với nhà thầu gửi đơn kiến nghị. Đơn vị này cho biết: “Chúng tôi đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, liên hệ để mời Nhà thầu đến trụ sở của Sawaco nhằm làm rõ HSMT, cung cấp thêm thông tin để Nhà thầu hiểu rõ hơn những tiêu chí được đưa ra trong HSMT là hoàn toàn tuân thủ theo các quy định hiện hành. Nhưng những nỗ lực này của chúng tôi đều không có kết quả do không tìm được địa chỉ cũng như đại diện chính thức của Nhà thầu”.

Từ đơn kiến nghị, Báo Đấu thầu cũng vào cuộc tìm kiếm danh tính của nhiều nhà thầu gửi đơn kiến nghị. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều địa chỉ dò theo tên đơn vị gửi đơn theo xác minh lại không có dấu hiệu hoạt động. Nhiều nhà thầu trên địa bàn cũng khẳng định không có bất kỳ thông tin nào về giám đốc cũng như hoạt động của các nhà thầu này…

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Sawaco đã cho biết, chưa gặp tình huống nào tương tự và dù đơn kiến nghị của Nhà thầu không gửi Chủ đầu tư nhưng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu khi tham gia đấu thầu, Sawaco đã tiến hành gia hạn thời gian phát hành HSMT.

Rất nhiều chủ đầu tư, đơn vị tư vấn hiện nay đã có cách làm việc chuyên nghiệp, xử lý kiến nghị của nhà thầu thấu đáo. Đại diện Sở Giao thông vận tải Quảng Bình cho biết, khi tiếp nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu đã nhanh chóng có văn bản trả lời, đồng thời, chủ động mời nhà thầu đến trụ sở làm việc để cung cấp thông tin đầy đủ hơn. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Sơn Hà, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tư vấn Thiết kế Minh Hà cũng chia sẻ từng mời nhiều nhà thầu đến để làm rõ HSMT, trả lời kiến nghị trực tiếp, dù trước đó đã có văn bản trả lời.

Bà Trần Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng Hoàng Anh Phú lại cho rằng: “Các nhà thầu khi kiến nghị cũng cần phải rõ ràng trong nội dung kiến nghị, địa chỉ chính xác để bên mời thầu có thể nhanh chóng trả lời, hoặc mời đến đối thoại, làm rõ”…

Tuy nhiên, ngay cả với những bên mời thầu chuyên nghiệp này, cũng sẽ phải bó tay trước sự mù mờ thông tin, mục đích của các lá đơn kiến nghị đấu thầu đi lạc.

Tin cùng chuyên mục