Lĩnh vực tự động hóa: Nhà thầu Việt khó chen chân

(BĐT) - “Cơ hội để các nhà thầu Việt Nam trong lĩnh vực tự động hóa tham gia vào các dự án lớn sử dụng vốn nhà nước hiện đang rất thấp”. 
Doanh nghiệp tự động hóa trong nước phải chịu thuế nhập khẩu vật tư đầu vào rất cao. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp tự động hóa trong nước phải chịu thuế nhập khẩu vật tư đầu vào rất cao. Ảnh: Lê Tiên

Ông Nguyễn Thái Hưng, Phó Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam chia sẻ với Báo Đấu thầu khi đề cập tới vấn đề nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mới chuẩn bị có hiệu lực. 

Ông đánh giá như thế nào về sức cạnh tranh của DN Việt Nam trong bối cảnh hàng loạt các FTA mới mà Việt Nam ký kết sắp có hiệu lực?

Khi các FTA mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)… có hiệu lực, mức thuế suất về 0% quả thực sẽ rất khó khăn cho DN. Khi đó, tất cả các đối tác, đối thủ của DN nội từ thị trường bên ngoài đều có điều kiện thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.

Riêng đối với lĩnh vực tự động hóa, trong quá khứ, hầu như các công trình xây dựng lớn của Nhà nước đều do nhà thầu nước ngoài đứng vai trò tổng thầu và đi kèm theo đó là tích hợp hệ thống máy móc công nghệ theo dây chuyền do nhà thầu nước ngoài đảm nhận. Các nhà thầu Việt Nam do năng lực kỹ thuật, tài chính còn có giới hạn nên chủ yếu đảm nhận vai trò thầu phụ mà thôi.

Lĩnh vực tự động hóa: Nhà thầu Việt khó chen chân ảnh 1
Ông Nguyễn Thái Hưng
Chính phủ đã có những biện pháp đẩy mạnh sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được vào công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn nhà nước. Ông có thể đánh giá sơ bộ kết quả đạt được đối với ngành tự động hóa?

Phải nhìn một cách thực tế, trong hoạt động đấu thầu, nhiều hồ sơ mời thầu thường đưa ra các tiêu chí về xuất xứ hàng hóa là phải của G7, Mỹ…, chính vì thế ở nhiều gói thầu nếu nhà thầu Việt Nam chào hàng hóa có xuất xứ trong nước rất khó đáp ứng được.

Việc chia nhỏ gói thầu mặc dù có được đề cập tới nhằm tạo cơ hội đưa hàng hóa trong nước vào các dự án và là giải pháp tốt, nhưng phụ thuộc vào từng công trình. Đa số việc chia nhỏ gói thầu chỉ có thể thực hiện được ở những công trình xây dựng hạ tầng, nhà xưởng mới, còn các gói thầu về mặt công nghệ thì vẫn yêu cầu những hệ thống thiết bị đồng bộ. 

Vậy theo ông đâu là mấu chốt của hạn chế này?

Hiện chính sách thuế đối với việc nhập khẩu thiết bị đồng bộ cho một số dự án đầu tư có sử dụng vốn nước ngoài rất ưu đãi, trong khi đó chính sách thuế nhập khẩu dành riêng đối với từng loại vật tư, linh kiện mà doanh nghiệp trong nước không thể sản xuất được và cần cho tích hợp hệ thống máy móc lại phải mua ở nước ngoài với mức thuế rất cao.

Ở góc độ nhà thầu tự động hóa, nếu như chúng ta tách riêng được gói thầu tự động hóa trong một gói thầu/dự án lớn thì các nhà thầu Việt Nam may ra có cơ hội tiếp cận. Trường hợp nếu gói thầu tự động hóa luôn nằm trong một gói thầu lớn mà do nhà thầu nước ngoài đảm nhận thì cơ hội cho các nhà thầu Việt Nam lĩnh vực này là cực kỳ khó khăn. 

Trước sức ép của hội nhập và tự do hóa thương mại, nhà thầu Việt Nam nói chung, nhà thầu lĩnh vực tự động hóa nói riêng, cần phải làm gì để nâng cao sức cạnh tranh, thưa ông?

Khi đất nước ngày càng hội nhập sâu, các nhà thầu quốc tế lớn đều theo hướng làm nhà thầu quản lý khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam và sử dụng nhà thầu trong nước hoặc liên danh nhà thầu để thực hiện gói thầu/dự án. Như vậy, hơn bao giờ hết, để nâng cao sức cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam, Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ cho các nhà thầu Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn vay một cách thuận lợi, đồng thời hỗ trợ cho nhà thầu trong chính sách thuế vật tư đầu vào, trong đó lĩnh vực tự động hóa.

Xin cám ơn ông!

Tin cùng chuyên mục