Long An: HSMT chỉ dành cho hàng ngoại?

(BĐT) - Hồ sơ mời thầu (HSMT) chỉ chào đón hàng hóa nhập khẩu đồng bộ 100% và thẳng tay loại nhà thầu sản xuất hàng hóa trong nước ngay từ “vòng gửi xe” lại tái diễn ở gói thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) thị xã Kiến Tường (Long An) đang mời thầu.
Nhà thầu phản ánh HSMT đưa ra các yêu cầu làm hạn chế việc sử dụng hàng Việt trong đấu thầu (Ảnh nhà thầu cung cấp)
Nhà thầu phản ánh HSMT đưa ra các yêu cầu làm hạn chế việc sử dụng hàng Việt trong đấu thầu (Ảnh nhà thầu cung cấp)

Éo le cho hàng Việt

Ban QLDA ĐTXD thị xã Kiến Tường (Long An) tổ chức lựa chọn nhà thầu cho Gói thầu số 1: Trang thiết bị (thang máy, thang cuốn, máy phát điện) công trình Trung tâm Thương mại - Dịch vụ Kiến Tường theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. HSMT phát hành từ 10 giờ ngày 14/12/2016 đến trước 10 giờ ngày 3/1/2017. Tuy nhiên, ngay sau khi mua được HSMT gói thầu này, nhà thầu đã lập tức có ý kiến phản đối nội dung của HSMT. Nhà thầu Công ty TNHH Thang máy Thái Bình đã cung cấp cho Báo Đấu thầu HSMT và lên tiếng về những nội dung gây nhiều quan ngại cho nhà thầu về tính cạnh tranh, minh bạch của việc tổ chức đấu thầu Gói thầu số 1.

Yêu cầu về kỹ thuật, nhãn hiệu hàng hóa phải thuộc các nước G7, tiêu chuẩn mà Bên mời thầu đặt ra đối với loại thang tải khách phải nhập khẩu đồng bộ 100%. Hạng mục máy kéo yêu cầu máy kéo không hộp số - động cơ điện đồng bộ nhập khẩu đồng bộ theo thang. Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thang máy Thái Bình cho biết, với HSMT đặt ra những tiêu chí này, toàn bộ thang máy Việt Nam sản xuất bởi các doanh nghiệp Việt đều không có cơ hội tham gia. “HSMT rất phi lý khi đưa ra yêu cầu nhãn hiệu hàng hóa phải thuộc các nước G7, nhập khẩu đồng bộ 100%. Đây là hành vi phân biệt đối xử nghiêm trọng và ảnh hưởng nặng nề đến việc đầu tư kinh doanh, tham gia đấu thầu của các doanh nghiệp trong nước”, ông Tuấn Anh phân tích.

Điều tréo ngoe, Bên mời thầu còn “tự tin” dẫn mục ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu với nguyên tắc ưu đãi trong HSMT như sau: Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên. Việc tính ưu đãi được thực hiện trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) để so sánh, xếp hạng HSDT: Hàng hóa chỉ được hưởng ưu đãi khi nhà thầu chứng minh được hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên trong giá hàng hóa”. Một số nhà thầu chua chát nhận xét: “Bên mời thầu giống như đang tự vả vào mặt mình khi trong cùng một HSMT có những tiêu chí và hướng dẫn mâu thuẫn nhau chan chát như vậy”.

Cũng theo nhà thầu Công ty TNHH Thang máy Thái Bình, trong HSMT của gói thầu này còn một số nội dung gây khó khăn cho các nhà thầu nếu tham gia dự thầu. Cụ thể, như mục tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự chủ chốt, HSMT có yêu cầu công nhân kỹ thuật là thợ nề. Theo Nhà thầu, yêu cầu này không phù hợp vì gói thầu cung cấp, lắp đặt thang máy không cần đến thợ nề. Đồng thời, HSMT còn yêu cầu cán bộ ngành kinh tế xây dựng hay xây dựng làm hồ sơ nghiệm thu cũng không hợp lý vì gói thầu không phải ngành xây dựng, và chuyên ngành kế toán hay kinh tế vẫn có thể lập được hồ sơ nghiệm thu của gói thầu. 

Cần chấn chỉnh tư vấn lập HSMT

Nhà thầu cũng cho rằng, HSMT của Gói thầu số 1 đang đưa ra các yêu cầu đi ngược lại tinh thần của Chỉ thị 494/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước và Quyết định số 8249/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc bổ sung Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tại các gói thầu cơ điện trong thời gian qua đã chỉ rõ, năng lực chuyên môn và ý thức chấp hành pháp luật của một số tư vấn đấu thầu trong việc lập HSMT, hồ sơ yêu cầu (HSYC) cũng như đánh giá HSDT, hồ sơ đề xuất (HSĐX) là rất hạn chế, yếu kém. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hàng Việt vẫn bị gạt ra rìa trong các gói thầu mua sắm hàng hóa hiện nay. Bên cạnh đó, hầu hết các chủ đầu tư được kiểm tra đều không có đủ năng lực trong lĩnh vực đấu thầu, không kiểm soát hết được các nội dung trong HSMT, HSYC cũng như việc đánh giá HSDT, HSĐX do tư vấn đấu thầu thực hiện, dẫn đến những sai sót trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Việc thực hiện công tác đấu thầu chưa phù hợp với tinh thần của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động cũng như không tuân thủ các quy định của pháp luật về đấu thầu.

Việc đưa các nội dung yêu cầu về xuất xứ hàng hóa vào HSMT, HSYC đã tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, hạn chế sự tham gia của một số nhà thầu khác, không đảm bảo cạnh tranh bình đẳng trong đấu thầu. Đây là hành vi vi phạm quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Bộ KH&ĐT cũng từng cảnh báo, công tác tư vấn đấu thầu có dấu hiệu không công bằng, minh bạch tại một số gói thầu cơ điện. Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến tiếp theo của sự việc nêu trên khi Ban QLDA ĐTXD thị xã Kiến Tường có câu trả lời, cũng như xác định trách nhiệm của tư vấn Công ty CP Đầu tư - Tư vấn xây dựng Trường Sơn trong việc lập HSMT với những tiêu chí “triệt hạ” hàng Việt tại gói thầu này.

Tin cùng chuyên mục