Ngụy biện về việc không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu

(BĐT) - Còn rất nhiều bên mời thầu (BMT) “quên”, không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) trong suốt thời gian dài, khiến việc đánh giá về hoạt động đấu thầu không đầy đủ, chính xác. Trong khi đó, chưa có BMT nào bị xử lý thích đáng để việc tuân thủ quy định công khai thông tin trong đấu thầu được thực hiện nghiêm.
Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đến thời điểm hiện tại, duy nhất 1 gói thầu được BMT này công bố KQLCNT. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đến thời điểm hiện tại, duy nhất 1 gói thầu được BMT này công bố KQLCNT. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

3 năm công khai 1 kết quả lựa chọn nhà thầu

Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, Trường Đại học (ĐH) Y Dược Cần Thơ từ tháng 5/2016 đến ngày 13/9/2019 có 65 gói thầu được thông báo mời thầu/chào hàng cạnh tranh. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, duy nhất 1 gói thầu được BMT này công bố KQLCNT là Gói thầu Thiết bị máy chiếu Projector (từ tháng 10/2018).

Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế trong thời gian từ tháng 1/2019 đến ngày 13/9/2019 đã công bố thông báo mời thầu/thông báo mời chào hàng cạnh tranh tổng cộng 69 gói thầu. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, Bệnh viện mới công khai KQLCNT của 33 gói thầu mua sắm hàng hóa. Vẫn còn hàng chục gói thầu, đặc biệt là ở lĩnh vực xây lắp, chưa được đơn vị này tuân thủ quy định về công khai KQLCNT.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng thường xuyên “quên” công khai KQLCNT. Thời gian qua, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM mời thầu 52 gói thầu, trong đó có nhiều gói thầu lớn. Tuy nhiên, tính đến nay, BMT này mới chỉ công khai KQLCNT của 9 gói thầu xây lắp. Chưa có bất kỳ gói thầu mua sắm hàng hóa nào được Trường công khai KQLCNT. Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, BMT này đã tổ chức lựa chọn nhà thầu nhiều gói thầu lớn nhưng cũng chưa công khai KQLCNT.

Cụ thể, Gói thầu Thi công kết cấu - hoàn thiện kiến trúc phần thân, hệ thống cơ điện, xử lý nước thải, cung cấp, lắp đặt thang máy và máy phát điện dự phòng có thời gian thực hiện hợp đồng 420 ngày, thuộc Dự án Mở rộng khu giảng đường và văn phòng làm việc - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Dự án sử dụng nguồn vốn từ nguồn thu hợp pháp của Trường và các nguồn khác do Trường tự huy động. Gói thầu này có giá trị bảo đảm dự thầu (BĐDT) 2 tỷ đồng, mở thầu ngày 27/11/2018.

Một gói thầu khác là Gói thầu Thi công xây dựng phần ngầm có thời gian thực hiện 180 ngày thuộc Dự án Mở rộng khu giảng đường và văn phòng làm việc - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, mở thầu ngày 26/4/2018. Gói thầu này có giá trị BĐDT 900 triệu đồng.

Gói thầu Thi công xây dựng công trình và cung cấp lắp đặt thiết bị khối nhà hành chính - hiệu bộ, khối giảng đường 1 có thời gian thực hiện 730 ngày, mở thầu ngày 23/11/2017. Gói thầu này có giá trị BĐDT 2 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, cả 3 gói thầu lớn này đều đã có KQLCNT, các bên đã tiến hành ký kết hợp đồng, khởi công dự án.

Gần đây, BMT này công bố KQLCNT Gói thầu Thi công xây dựng công trình và cung cấp, lắp đặt thiết bị hệ thống hạ tầng kỹ thuật: san nền, xử lý nền đường, đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước ngoài nhà và các hạng mục phụ trợ khác. Gói thầu này được mở thầu ngày 3/7/2019. Theo đó, đầu tháng 8/2019, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chọn Công ty CP Xây dựng và Kiến trúc công trình 686 trúng thầu với giá 44,006 tỷ đồng (giá gói thầu là 44.011.878.000 đồng). Tính ra, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), thẩm định báo cáo đánh giá HSDT của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là nhanh. Nhưng BMT này lại rất thờ ơ với trách nhiệm công khai KQLCNT.

Các bên mời thầu vẫn ngụy biện

Trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, KQLCNT là một thông tin quan trọng, bắt buộc phải công bố rộng rãi, được nhiều bên liên quan quan tâm. Tuy nhiên, qua khảo sát của Báo Đấu thầu thời gian gần đây, vẫn còn rất nhiều BMT coi nhẹ việc công khai KQLCNT theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Tại nhiều BMT, tỷ lệ KQLCNT được công bố hiện rất nhỏ so với số lượng thông báo mời thầu.

Trong khi đó, trao đổi với Báo Đấu thầu, rất nhiều BMT vẫn chưa thẳng thắn nhìn vào thiếu sót, sơ suất này. Thông thường, các BMT cho rằng “do là người mới tiếp nhận nên chưa nắm bắt”, hoặc “do có nhiều bộ phận làm theo từng mảng độc lập nên không có sự đồng bộ”. Thậm chí, có BMT còn cho rằng “để kiểm tra lại, vì không biết là lâu nay không đăng KQLCNT”.

Ngày 24/9/2019, trao đổi với Báo Đấu thầu, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ -đơn vị mới công khai 1 KQLCNT trong suốt 3 năm qua - khẳng định: “Sẽ rà soát lại và có biện pháp chấn chỉnh để không tái diễn tình trạng nói trên trong thời gian tới”.

Theo các chuyên gia về đấu thầu, không thể chấp nhận những ngụy biện của các BMT về việc không công khai KQLCNT trong suốt thời gian dài, với hàng chục gói thầu. “Vì khi đã được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư/BMT, các đơn vị phải hiểu rõ các quy định và chịu trách nhiệm về việc công bố các thông tin về đấu thầu. Nếu để tình trạng không công khai KQLCNT trong suốt thời gian dài, số lượng gói thầu nhiều, cần xem lại năng lực, trách nhiệm, kỷ cương thực thi quy định về đấu thầu của các BMT này. Các BMT này cũng cần phải bị xử lý thích đáng để làm gương, tránh hiện tượng này trở nên phổ biến”, một chuyên gia đề xuất.

Tin cùng chuyên mục