Nhà thầu gian lận gieo rắc sợ hãi

(BĐT) - Chuyện nhà thầu trở thành nỗi sợ hãi của chủ đầu tư tưởng chừng như khó xảy ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, tình trạng gian lận và liều lĩnh của không ít nhà thầu hiện nay đang khiến nhiều chủ đầu tư sợ hãi và phải tìm cách đối phó.
Việc nhà thầu cố ý cung cấp thông tin gian lận trong HSDT đang khiến nhiều chủ đầu tư mất nhiều thời gian, công sức để xác minh. Ảnh: Tiên Giang
Việc nhà thầu cố ý cung cấp thông tin gian lận trong HSDT đang khiến nhiều chủ đầu tư mất nhiều thời gian, công sức để xác minh. Ảnh: Tiên Giang

Khi chủ đầu tư sợ nhà thầu

Bên mời thầu (BMT) là một bệnh viện lớn thuộc Bộ Y tế tại TP.HCM đang trong thời gian tổ chức đấu thầu gói thầu ấn chỉ - biểu mẫu và gói thầu vệ sinh phí năm 2016 và đang thường trực trong nỗi sợ hãi không dễ sẻ chia – đối mặt với một nhà thầu vừa có “dớp” bị cấm đấu thầu, vừa có độ tinh quái đến chuyên nghiệp. Theo đại diện của Tổ mua sắm của Bệnh viện, ngay từ khi phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) gói ấn chỉ - biểu mẫu, BMT đã đặt ra nhiều nghi vấn đối với một nhà thầu đến từ Hà Nội khi hồ sợ dự thầu (HSDT) của nhà thầu này nộp có bản cam kết tư cách hợp lệ của nhà thầu tham dự nêu rõ “Không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu”.

Tuy nhiên, trong quá trình xem xét HSDT, BMT nhận thấy nhà thầu này bị đăng tải trong danh sách tổ chức, cá nhân vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Nhà thầu này đã bị một bên mời thầu ở Hà Nội cấm tham gia đấu thầu 05 năm với lý do “nhiều lần cố ý cung cấp thông tin không trung thực trong HSDT”. Và hành trình “đối phó” với nhà thầu của BMT này bắt đầu từ đây.

Đầu tiên, BMT làm văn bản gửi nhiều nơi để hỏi về tư cách hợp lệ của nhà thầu có “dớp” khi tham gia các gói thầu mà mình đang tổ chức mời thầu. Song song với quá trình đợi thông tin phản hồi, rất nhiều cán bộ của BMT được giao nhiệm vụ tìm hiểu thông tin cụ thể hơn về “lệnh cấm” cũng như hành trình lật tẩy hành vi cố ý cung cấp thông tin không trung thực của nhà thầu. “Chúng tôi liên tục phải gọi điện cho đơn vị ra lệnh cấm để tham khảo thông tin và nhận được rất nhiều cảnh báo. Họ cho rằng, để ra được lệnh cấm 05 năm đối với nhà thầu trên, đã phải sử dụng rất nhiều nghiệp vụ xác minh. Bản thân nhà thầu này lại rất bất  hợp tác, hay thưa kiện và dọa dẫm ngược lại chủ đầu tư”, đại diện Bệnh viện chia sẻ.

“Chúng tôi được cung cấp nhiều bằng chứng về hành vi gian lận của nhà thầu. Đơn vị ở Hà Nội mời 4 gói thầu thì nhà thầu này tham gia cả 4. Trong quá trình tham gia đấu thầu các gói thầu này, nhà thầu đã có các hành vi như HSDT cung cấp tài liệu liên quan đến hợp đồng tương tự hoàn toàn gian lận. Cung cấp bằng tốt nghiệp của một số nhân sự chủ chốt là bằng giả. Cố tình không thực hiện các yêu cầu của BMT theo quy định của pháp luật về làm rõ hành vi gian lận việc cung cấp bằng tốt nghiệp nghề của nhân sự chủ chốt. Nhà thầu có hành vi gửi văn bản kiến nghị đến nhiều cơ quan, đơn vị không đúng thẩm quyền; hầu hết đều kiến nghị hủy thầu và nêu việc chủ đầu tư vi phạm quy định nhưng không nêu rõ lý do đề nghị hủy thầu cũng như trích dẫn các quy định của việc hủy thầu và vi phạm…” . Đơn vị ở Hà Nội đã ban hành án phạt cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong vòng 05 năm cho tất cả các dự án, gói thầu trong toàn ngành đối với nhà thầu này. Ấy vậy mà, trong HSDT của nhà thầu này khi đi đấu thầu tại các đơn vị khác, các địa phương khác đều tự tin khẳng định “không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu”. 

Nỗi sợ hãi có thật

Hiện nay, hành vi cố ý cung cấp thông tin không trung thực của nhà thầu rất đáng báo động
Nỗi sợ hãi của bệnh viện này hoàn toàn có cơ sở. Vì theo đại diện của Bệnh viện, dù những hành vi cố ý cung cấp thông tin gian lận mà nhà thầu này đã bị phát hiện ở 4 gói thầu nêu trên, nhà thầu sẽ không dại gì tái phạm. Tuy nhiên, nếu có tái phạm, khả năng vào cuộc để xác minh lật tẩy hành vi này của nhà thầu là rất khó. “Nhà thầu có địa chỉ tại Hà Nội, nên mọi hồ sơ đều có xác thực tại Hà Nội. Đơn vị chúng tôi lại đóng ở TP.HCM, không thể có điều kiện đi đến nhiều cơ quan ở Hà Nội để làm rõ được”, lãnh đạo Bệnh viện cho biết. Đơn vị này còn cho rằng, vì là đơn vị thường xuyên tổ chức đấu thầu, có cập nhật thông tin về đấu thầu thường xuyên nên BMT mới nắm được hành vi vi phạm Luật Đấu thầu của nhà thầu trên. Nếu là các BMT ở những địa phương xa, ít khi tổ chức đấu thầu và không thường xuyên cập nhật thông tin về đấu thầu, rất dễ bị các nhà thầu có “dớp” qua mặt. “Và không phải BMT nào cũng có điều kiện để kiểm tra, xác minh và có bằng chứng lật tẩy hành vi gian lận của nhà thầu. Đó là cả một hành trình phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức, thậm chí là bị nhà thầu đe dọa”, đại diện một BMT khác chia sẻ.

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu (Cục Quản lý đấu thầu) Phạm Minh Yến cho biết, hiện nay, hành vi cố ý cung cấp thông tin không trung thực của nhà thầu rất đáng báo động. “Chúng tôi tiếp nhận rất nhiều hồ sơ cần xác minh độ trung thực. Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy độ xác thực trong HSDT của nhà thầu là một câu hỏi lớn. Thậm chí, khi vào cuộc tại các gói thầu cụ thể, chúng tôi còn phát hiện ra có một văn phòng công chứng ở Hà Nội lâu nay đã trở thành địa chỉ tiếp tay cho các nhà thầu giả mạo hồ sơ, tài liệu. Điều này chứng tỏ hành vi gian lận của các nhà thầu khi cung cấp thông tin trong HSDT rất tinh vi, có hệ thống. Và nỗi sợ hãi của các chủ đầu tư/BMT sẽ càng thường trực hơn”, bà Yến cho biết.

Tin cùng chuyên mục