Nhà thầu không tin bên mời thầu bảo mật hồ sơ dự thầu

(BĐT) - Thời gian qua, không ít trường hợp nhà thầu không tin rằng bên mời thầu tuân thủ nghiêm quy định về  bảo mật hồ sơ dự thầu (HSDT) nên đã lựa chọn giải pháp “an toàn bất đắc dĩ” là nộp HSDT ngay trước thời điểm đóng thầu.
Nhà thầu không tin bên mời thầu bảo mật hồ sơ dự thầu

Điểm b Khoản 3 Điều 14 Nghị định 63/2014/NĐ-CP (NĐ63) quy định: “Bên mời thầu tiếp nhận và quản lý các HSDT đã nộp theo chế độ quản lý hồ sơ mật cho đến khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; trong mọi trường hợp không được tiết lộ thông tin trong HSDT của nhà thầu này cho nhà thầu khác, trừ các thông tin được công khai khi mở thầu. HSDT được gửi đến bên mời thầu sau thời điểm đóng thầu sẽ không được mở, không hợp lệ và bị loại. Bất kỳ tài liệu nào được nhà thầu gửi đến sau thời điểm đóng thầu để sửa đổi, bổ sung HSDT đã nộp đều không hợp lệ, trừ tài liệu nhà thầu gửi đến để làm rõ HSDT theo yêu cầu của bên mời thầu hoặc tài liệu làm rõ, bổ sung nhằm chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu”.

Cùng với quy định về bảo mật HSDT, pháp luật về đấu thầu cũng quy định “bên mời thầu phải tiếp nhận HSDT của tất cả các nhà thầu nộp HSDT trước thời điểm đóng thầu” (Điểm d Khoản 3 Điều 14 NĐ63).

Vì không tin bên mời thầu tuân thủ nghiêm quy định về bảo mật HSDT nên nhà thầu đã chọn “giải pháp” nộp HSDT ngay trước thời điểm đóng thầu. Phải chăng “giải pháp” này của nhà thầu đã dẫn đến hàng loạt chiêu trò cản trở nhà thầu nộp HSDT xuất hiện trong thời gian qua?

Đơn cử như chiêu thông báo nộp HSDT ở địa chỉ chung chung của bên mời thầu nhưng thực tế tổ chức đóng thầu, mở thầu ở tầng hầm hoặc một phòng nào đó khó tìm trong tòa nhà khiến nhà thầu mướt mồ hôi đi tìm và khi tìm được địa chỉ tiếp nhận hồ sơ thì đã quá thời điểm đóng thầu. Lúc đó, bên mời thầu lấy lý do HSDT nộp sau thời điểm đóng thầu nên không tiếp nhận.

Một chiêu khác được sử dụng ở không ít gói thầu là đóng thầu vào thời điểm “nhạy cảm” như đầu giờ làm việc của sáng ngày Thứ Hai. Nếu nộp HSDT vào ngày Thứ Sáu thì “bị bớt” mất 2 ngày chuẩn bị HSDT và kèm thêm nỗi lo trong hai ngày Thứ Bảy, Chủ nhật, bên mời thầu không bảo mật HSDT cho nhà thầu, “bật mí” thông tin cho nhà thầu “ruột” kịp chuẩn bị phương án HSDT để loại nhà thầu lạ khỏi cuộc chơi.

Còn một số chiêu trò khác như dàn cảnh tắc đường trước thời điểm đóng thầu khiến nhà thầu không kịp nộp HSDT; cướp HSDT của nhà thầu lạ đến nộp HSDT trước thời điểm đóng thầu…

Thậm chí, có trường hợp, nhà thầu đã nộp được HSDT nhưng vì lo ngại bên mời thầu sẽ cho nhà thầu ruột bổ sung hồ sơ trong quá trình chấm thầu nên nhà thầu đã yêu cầu bên mời thầu niêm phong một bản chụp tất cả các HSDT của các nhà thầu tham dự vào một túi để quản lý các HSDT đã nộp theo chế độ quản lý hồ sơ mật cho đến khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, nhưng bên mời thầu đã từ chối yêu cầu này.

Bình luận về tình trạng nêu trên, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, quy định đã rõ nhưng dường như không ít bên mời thầu vẫn cố tình không thực hiện. Mục đích của hoạt động đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả chỉ đạt được khi tất cả các bên tham gia cuộc thầu cùng minh bạch và tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật về đấu thầu. Hiện trạng nêu trên đang làm dấy lên những nghi ngại về việc tuân thủ pháp luật về đấu thầu và bào mòn niềm tin của nhà thầu đối với công tác đấu thầu. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình sau đấu thầu, cần được các cơ quan chức năng xem xét và có biện pháp xử lý.

Tin cùng chuyên mục