Nhà thầu và nỗi lo đánh tráo HSDT

(BĐT) - Trong các cuộc thầu, vai trò “cầm cân nảy mực” thuộc về bên mời thầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trước những động thái thiếu đàng hoàng, minh bạch của bên mời thầu đã khiến các nhà thầu cảm thấy bất an, dấy lên mối lo ngại về việc “đánh tráo” hồ sơ dự thầu (HSDT).
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Né tránh niêm phong chung hồ sơ đề xuất tài chính

Thời gian qua, nhiều nhà thầu phản ánh đến Báo Đấu thầu bày tỏ sự lo lắng và mối nghi ngờ về việc bên mời thầu “đánh tráo” HSDT. Một nhà thầu đến từ Ninh Bình phản ánh, tại Lễ mở thầu một gói thầu ở Hòa Bình, giá dự thầu của Nhà thầu thấp nhất nhưng sau quá trình đánh giá HSDT, Bên mời thầu lại công bố Nhà thầu TH có giá dự thầu thấp hơn giá dự thầu của nhà thầu này nên trúng thầu. Bên mời thầu giải thích, mặc dù Nhà thầu TH có giá dự thầu tại Lễ mở thầu cao thứ 2 trong số 6 nhà thầu nộp HSDT, nhưng sau khi điều chỉnh sai lệch số học thì giá dự thầu đã giảm xuống thấp nhất trong số 6 nhà thầu. Từ đó, nhà thầu phản ánh cho rằng, Bên mời thầu đã tạo điều kiện cho Nhà thầu TH thay đổi HSDT để trúng thầu.

Tại một gói thầu xây dựng đường giao thông có quy mô hàng trăm tỷ đồng ở tỉnh P, 1 nhà thầu đã phải vất vả, vượt rất nhiều “chướng ngại vật” trong hồ sơ mời thầu (HSMT) để hoàn thành HSDT như yêu cầu nhà thầu phải ký được hợp đồng với các chủ mỏ khai thác vật liệu đất đá trên địa bàn tỉnh P, có trạm trộn bê tông cự ly không quá 30 km so với hiện trường thi công… Nhà thầu này cho biết, có 4 nhà thầu nộp HSDT nhưng chỉ mỗi nhà thầu này là “lạ” với Bên mời thầu. Do gói thầu được đấu thầu rộng rãi theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ, tại Lễ mở thầu (Lễ mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật), nhà thầu này đề nghị Bên mời thầu niêm phong chung túi hồ sơ đề xuất tài chính (HSĐXTC) của 4 nhà thầu lại với nhau để các nhà thầu ký chéo nhằm bảo mật thông tin trong HSĐXTC, tránh tình trạng “đổi ruột”, “sửa ruột” HSĐXTC thì không được Bên mời thầu chấp nhận. Lý do là sau khi nhà thầu này đề xuất niêm phong chung, Bên mời thầu đã hỏi ý kiến của 3 nhà thầu còn lại thì cả 3 nhà thầu đều cho rằng, vấn đề bảo mật thuộc về trách nhiệm của Bên mời thầu, việc niêm phong chung HSĐXTC là không cần thiết. Bên mời thầu cho rằng, ý kiến đề xuất niêm phong chung HSĐXTC của nhà thầu là ý kiến riêng lẻ, thiểu số so với 3 nhà thầu còn lại nên không chấp nhận đề xuất này. 

Nhà thầu có quyền nghi ngờ

Còn ở một gói thầu xây lắp gần 200 tỷ đồng do một ban quản lý dự án tại Hà Nội làm bên mời thầu, tại Lễ mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật, có 2 nhà thầu nêu ý kiến niêm phong chung HSĐXTC của các nhà thầu lại với nhau nhưng bên mời thầu này không chấp nhận với lý do: có 10 nhà thầu nộp HSDT gói thầu này, mỗi bộ HSĐXTC của các nhà thầu đều rất dày, việc niêm phong cùng lúc 10 bộ HSĐXTC rất khó khăn. Hơn nữa, việc bảo mật HSDT là trách nhiệm của bên mời thầu và bên mời thầu này sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu có vấn đề gì liên quan đến việc bảo mật HSDT.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu về nỗi lo “đánh tráo” HSDT của một số nhà thầu, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, trên thực tế nỗi lo này của nhà thầu là có cơ sở và có thật. Khi chủ đầu tư/bên mời thầu có những hành vi thiếu đàng hoàng thì nhà thầu hoàn toàn có quyền nghi ngờ về tính minh bạch của cuộc thầu.

Ông Tăng nhấn mạnh: Không phải cuộc thầu nào, nhà thầu cũng đòi niêm phong chung, ký chéo HSDT. Yêu cầu này của nhà thầu cũng xuất phát từ sự bất an, thiếu tin tưởng của nhà thầu với bên mời thầu/chủ đầu tư. Việc thực hiện niêm phong chung HSĐXTC cũng đơn giản, trường hợp có tới 10 nhà thầu tham dự thì có thể gộp nhóm các HSĐXTC lại với nhau để niêm phong, không phải nhất thiết niêm phong cả 10 HSĐXTC với nhau, đồng thời cho nhà thầu ký chéo (nếu nhà thầu có nhu cầu) nhằm củng cố niềm tin của nhà thầu đối với bên mời thầu. Trong những trường hợp nhà thầu mong muốn niêm phong chung HSĐXTC, yêu cầu này của nhà thầu là chính đáng, bên mời thầu không nên lấy lý do ý kiến của nhà thầu là thiểu số để không thực hiện vì đằng nào cũng phải niêm phong, nếu không vì lý do nào khác thì tại sao không cho nhà thầu được “toại nguyện”? Nếu bên mời thầu/chủ đầu tư thực sự đàng hoàng và minh bạch thì thông qua hành động nhỏ này để chứng minh cho nhà thầu thấy mình trong sạch và công tâm. Việc bao biện, viện cớ này nọ để né tránh càng làm tăng mối nghi ngờ của nhà thầu, từ đó có thể làm phát sinh những phiền toái với bên mời thầu/chủ đầu tư.

Tin cùng chuyên mục