Nhiều “ông lớn” DNNN vẫn thờ ơ với đấu thầu qua mạng

(BĐT) - Báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng 7 tháng đầu năm 2019 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng (ĐTQM) chung trên cả nước chưa đạt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/2019/NQ-CP. Một số địa phương "mới nổi" đã vươn lên trong top đầu với thành tích khá ấn tượng, trong khi đó có nhiều doanh nghiệp (DN) nhà nước vẫn "thờ ơ" với ĐTQM.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, Tổng công ty Thép Việt Nam đã thực hiện lựa chọn nhà thầu 20 gói thầu với tổng giá trị là 129 tỷ đồng, nhưng không có gói thầu nào thực hiện đấu thầu qua mạng. Ảnh: Lê Tiên.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, Tổng công ty Thép Việt Nam đã thực hiện lựa chọn nhà thầu 20 gói thầu với tổng giá trị là 129 tỷ đồng, nhưng không có gói thầu nào thực hiện đấu thầu qua mạng. Ảnh: Lê Tiên.

Báo cáo cho biết, 7 tháng đầu năm 2019, cả nước có 18.116 gói thầu được ĐTQM (chiếm 27,8% tổng số gói thầu đã thực hiện) với tổng giá trị gói thầu là 58.248 tỷ đồng (chiếm 12% tổng giá trị các gói thầu đã thực hiện). Kết quả này chưa đạt so với chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/2019/NQ-CP là tối thiểu phải 50% về số lượng gói thầu và 15% về tổng giá trị gói thầu.

Trong số các bộ, ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn đầu về số lượng gói thầu thực hiện ĐTQM (chiếm 52,8%) và là đơn vị duy nhất vượt chỉ tiêu cả năm. Tiếp đó là Đài Truyền hình Việt Nam (48,2%), Bộ Tài chính (44,6%)... Còn về giá trị gói thầu, Bộ Tư pháp đứng đầu bảng xếp hạng (chiếm 46,4%). Lần lượt sau đó là Đài Truyền hình Việt Nam (33,8%), Bộ Giao thông vận tải (27,1%), Bộ Tài nguyên và Môi trường (23,8%), Văn phòng Quốc hội (22,8%)... Tuy nhiên, vẫn còn tới 9 đơn vị chưa có gói thầu nào được áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng trong 7 tháng qua, đơn cử như: Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ngân hàng Phát triển Việt Nam...

Đối với các địa phương, UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Hòa Bình, UBND TP. Đà Nẵng, UBND tỉnh Thanh Hóa và UBND tỉnh Bắc Ninh là những điểm sáng, nằm trong top 5 địa phương đứng đầu về số lượng gói thầu áp dụng ĐTQM. Đáng ghi nhận nhất là Bình Phước, Hòa Bình với tỷ lệ lần lượt là 58,1% và 54% gói thầu. Không chỉ đạt tỷ lệ cao về số lượng gói thầu áp dụng ĐTQM, hai địa phương này còn gây ấn tượng mạnh mẽ về giá trị gói thầu, đạt tương ứng với 61,4% và 24,2%.

Trong khi đó, Điện Biên, Hà Nam, Hưng Yên, Bạc Liêu, Quảng Ninh... là những địa phương nằm ở top cuối.

Báo cáo kết quả áp dụng đấu thầu qua mạng theo từng bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước trong 7 tháng đầu năm 2019 được đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tại địa chỉ: http://muasamcong.mpi.gov.vn/ (tại Chuyên mục "Tin tức" => "Tin tức từ Bộ"http://muasamcong.mpi.gov.vn/tin-cua-bo/15"). Đây là báo cáo định kỳ được công bố vào ngày cuối cùng hàng tháng, kể từ tháng 7/2019.

Báo cáo cho thấy, khoảng cách giữa DN dẫn đầu bảng kết quả thống kê so với vị trí cuối bảng là khá xa. Đặc biệt, có tới 7 “ông lớn” đến nay vẫn "thờ ơ" với ĐTQM, dù số lượng và giá trị của các gói thầu đã thực hiện trong 7 tháng qua không hề ít. Có 5 DN dẫn đầu về tỷ lệ thực hiện ĐTQM về số lượng gói thầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông (VNPT), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty (TCT) Hàng không Việt Nam. Trong đó, EVN là DN soán ngôi đầu với tỷ lệ áp dụng ĐTQM vượt trội, đạt 70,9% tổng số gói thầu và 39,9% tổng giá trị gói thầu. Trong khi DN đứng thứ 2 là VNPT đạt 38,2% tổng số gói thầu và 7,9%  tổng giá trị gói thầu...

Trong khối DN nhà nước vẫn còn nhiều DN chưa thực hiện một gói thầu nào theo hình thức ĐTQM trong 7 tháng qua. Có thể kể đến là Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam. 

Trong số 7 DN chưa áp dụng ĐTQM nêu trên, nhiều DN có số lượng và tổng giá trị gói thầu đã thực hiện trong 7 tháng qua khá lớn. Chẳng hạn Tổng Công ty Thép Việt Nam đã thực hiện 20 gói thầu với tổng giá trị là 129 tỷ đồng; Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam thực hiện 13 gói thầu với tổng giá trị là 149 tỷ đồng; Tổng Công ty Giấy Việt Nam thực hiện 12 gói thầu với tổng giá trị là 57 tỷ đồng... 

Bên cạnh đó, một số DN nhà nước có thực hiện ĐTQM, nhưng với số lượng và giá trị gói thầu đạt rất thấp. Đơn cử TCT Xi măng Việt Nam (VICEM) chỉ ĐTQM 1 gói thầu với giá trị 415 triệu đồng, trong khi TCT này có tổng cộng 196 gói thầu với tổng giá trị gói thầu lên tới 3.465 tỷ đồng đã thực hiện lựa chọn nhà thầu trong 7 tháng qua.

Tin cùng chuyên mục