Nhiều thay đổi trong quy trình đấu thầu dự án sử dụng đất

(BĐT) - Từ ngày 20/4/2020, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (NĐ 25) chính thức có hiệu lực thi hành, thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP. Việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ có nhiều thay đổi trong quy trình, thủ tục thực hiện.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Đơn giản quy trình

Theo Nghị định số 30/2015/NĐ-CP (NĐ 30), sau khi công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án sẽ được đưa ra sơ tuyển rộng rãi quốc tế hoặc trong nước theo quy định. Nếu sau sơ tuyển, chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển thì áp dụng chỉ định nhà đầu tư, nếu từ hai nhà đầu tư trở lên thì đấu thầu rộng rãi.

NĐ 25 thay đổi quan trọng ngay từ bước lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án, từ đó sẽ quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án. Cụ thể, lồng ghép việc công bố thông tin dự án đầu tư có sử dụng đất với quy trình đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư.

Đối với nội dung công bố danh mục dự án, ngoài thông tin về dự án như quy định tại NĐ 30, phải có thêm yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư; thời hạn để nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án; địa chỉ, số điện thoại, số fax của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT); các thông tin khác (nếu cần thiết). Nhà đầu tư sẽ nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Trường hợp Bộ KH&ĐT chưa quy định lộ trình áp dụng và hướng dẫn chi tiết, nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án tại Sở KH&ĐT. Thời gian tối thiểu để nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ năng lực, kinh nghiệm và đăng ký thực hiện dự án là 30 ngày kể từ ngày danh mục dự án được đăng tải.

Sở KH&ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư đã gửi hồ sơ đăng ký. Căn cứ kết quả đánh giá, trong trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao sở, cơ quan ngang sở hoặc UBND cấp huyện là bên mời thầu, tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc quốc tế theo quy định tại Điều 10 NĐ 25. Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao Sở KH&ĐT thông báo và hướng dẫn nhà đầu tư nộp hồ sơ, trình quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật khác có liên quan.

Nếu đấu thầu rộng rãi, các bước tiếp theo sẽ là lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư; chuẩn bị và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật; mở và đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại; trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng. NĐ 25 bổ sung quy định sau khi ký kết, bên mời thầu phải công khai thông tin hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Với quy trình như tại NĐ 25, một chuyên gia trong lĩnh vực này phân tích, sẽ không còn chuyện chỉ định nhà đầu tư vì chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển. Bên cạnh đó, quy trình này giúp các đơn vị xác định rõ được khi nào đấu thầu dự án sử dụng đất, khi nào quyết định chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, theo một cán bộ của Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai, quy trình lồng ghép này còn giúp đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời, việc áp dụng đấu thầu rộng rãi quốc tế đối với dự án có tổng chi phí thực hiện từ 800 tỷ đồng, là phù hợp, vì theo quy định cũ là từ 120 tỷ đồng trở lên, nhưng gần như không có nhà đầu tư quốc tế quan tâm mà còn kéo dài thời gian thực hiện.

Chuyển tiếp như thế nào?

Theo quy định chuyển tiếp tại NĐ 25, các dự án đầu tư có sử dụng đất có sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) từ 120 tỷ đồng trở lên đến dưới 800 tỷ đồng, có kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư được duyệt theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế mà không sơ tuyển nhưng chưa tổ chức đấu thầu trước ngày 20/4, người có thẩm quyền xem xét tiếp tục áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế hoặc áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Đối với hồ sơ mời sơ tuyển phát hành trước ngày 20/4 thì thực hiện theo quy định của NĐ 30. Đối với hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phát hành trước ngày 20/4 thì thực hiện theo NĐ 30.

Nói rõ hơn về quy định chuyển tiếp này, một chuyên gia của Cục Quản lý đấu thầu cho biết, các dự án đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, nếu đến trước ngày 20/4 chưa phát hành hồ sơ yêu cầu thì sẽ tổ chức lại theo quy trình của NĐ 25, không được chỉ định nhà đầu tư.

NĐ 25 chỉ quy định mốc thời gian tối thiểu cho chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Đối với các thời hạn khác trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư như lập, thẩm định, trình phê duyệt các nội dung trong đấu thầu do người có thẩm quyền chịu trách nhiệm phê duyệt và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng các hoạt động trong lựa chọn nhà đầu tư.

Tin cùng chuyên mục