Ninh Bình: Nhiều sai phạm trong đấu thầu

(BĐT) - Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi chưa có kế hoạch vốn, chỉ định thầu gói xây lắp không đúng quy định, không có dự toán gói thầu được phê duyệt trước khi tổ chức lựa chọn nhà thầu… 
Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Bình cho biết, công tác lựa chọn nhà thầu chưa thực sự hiệu quả xuất phát từ HSMT chất lượng thấp. Ảnh: Nhã Chi
Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Bình cho biết, công tác lựa chọn nhà thầu chưa thực sự hiệu quả xuất phát từ HSMT chất lượng thấp. Ảnh: Nhã Chi

Đó là những vi phạm về đấu thầu mà Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Ninh Bình chỉ ra tại Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2017.

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu

Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Bình cho biết, trong năm 2017, tỉnh này đã thành lập các Ban Quản lý dự án (QLDA) chuyên ngành. Qua đó, năng lực, trình độ, kinh nghiệm quản lý của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng cơ bản (XDCB) đã được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý đầu tư xây dựng (ĐTXD) nói chung và công tác đấu thầu nói riêng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc về nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chế độ báo cáo công tác đấu thầu…

Thứ nhất là việc tổ chức lựa chọn đơn vị quản lý dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Bình cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 63 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Ban QLDA ĐTXD chuyên ngành được thành lập để quản lý một số dự án thuộc cùng một chuyên ngành, tuyến công trình hoặc trên cùng một địa bàn. Hình thức Ban Quản lý ĐTXD chuyên ngành được áp dụng đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án theo chuyên ngành sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 Luật Đấu thầu, QLDA là hoạt động thuộc dịch vụ tư vấn, do đó hoạt động QLDA thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Vì vậy, theo Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Bình, các chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị QLDA (giao trực tiếp cho Ban QLDA ĐTXD chuyên ngành của tỉnh Ninh Bình thực hiện QLDA hay phải tổ chức lựa chọn nhà thầu để QLDA).

Thứ hai là việc thực hiện chia tách các gói thầu đối với dự án hỗn hợp được phê duyệt lần đầu hoặc được phê duyệt điều chỉnh, bổ sung cũng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như dự án A gồm phần xây dựng và phần mua sắm, lắp đặt thiết bị. Chủ đầu tư đề nghị phân chia dự án A thành 2 gói thầu gồm: gói thầu thi công xây dựng (đấu thầu rộng rãi) và gói thầu mua sắm, lắp đặt thiết bị (chỉ định thầu vì nằm trong hạn mức được chỉ định thầu). Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Bình bày tỏ băn khoăn rằng, việc phân chia dự án thành 2 gói thầu như trên thì liệu có phù hợp với quy định tại Điểm k Khoản 6 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 hay không?...

Bên cạnh đó, thực tiễn đấu thầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình còn gặp lúng túng khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bổ sung của dự án, gói thầu mua sắm thiết bị thì có được áp dụng chỉ định thầu hay không? Và theo Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Bình, việc cập nhật giá gói thầu hiện nay là tương đối phức tạp do giá gói thầu đối với các dự án do UBND tỉnh quyết định đầu tư thường được tính trên cơ sở của dự toán được phê duyệt; đối với các dự án phức tạp (về kỹ thuật, về nguồn gốc), công tác này do UBND tỉnh phê duyệt… Một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không thực hiện tổng hợp số liệu của các đơn vị trực thuộc theo chế độ báo cáo, yêu cầu của Bộ KH&ĐT, chủ yếu mới báo cáo phần dự án có nguồn vốn đầu tư phát triển, chưa có số liệu báo cáo về nguồn vốn mua sắm thường xuyên… 

Còn không ít tồn tại, sai phạm

Năm 2017, các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tổ chức, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của 860 gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước với tổng giá trị gói thầu là 2.035.935 triệu đồng, tổng giá trúng thầu là 2.004.299 triệu đồng, tiết kiệm 31.635 triệu đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 1,5%. Trong đó, đấu thầu rộng rãi 210 gói thầu, tương đương 24,4% tổng số gói thầu; chỉ định thầu 611 gói thầu, tương đương 71% tổng số gói thầu.
Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Bình cho biết, năm 2017, thông qua thanh tra chuyên đề một số dự án trên địa bàn Tỉnh theo kế hoạch và thanh tra tổng thể công tác quản lý ĐTXDCB các dự án đầu tư phát triển bằng nguồn vốn đầu tư công tại thành phố Ninh Bình giai đoạn 2015 - 2016, trong đó có lồng ghép các nội dung về đấu thầu thì đã phát hiện một số sai phạm chủ yếu, giúp tăng cường nhận thức của đối tượng được kiểm tra trong thực thi pháp luật, góp phần ngăn ngừa các hành vi sai phạm về đấu thầu.

Kết quả thanh tra, kiểm tra về đấu thầu của Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Bình đối với các dự án trên địa bàn tỉnh này đã cho thấy, loại hợp đồng của các gói thầu tư vấn không đúng quy định; công tác lựa chọn nhà thầu chưa thực sự hiệu quả xuất phát từ hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu chất lượng còn thấp. Việc quản lý và thực hiện hợp đồng sau đấu thầu của một số gói thầu chưa tuân thủ các quy định của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng giảm giá gói thầu bất thường để gói thầu tư vấn nằm trong phạm vi được chỉ định thầu, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tư vấn.

Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Bình cũng cho biết, một số công trình trên địa bàn Tỉnh chưa thực hiện thẩm định nguồn vốn và kế hoạch vốn trước khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Do đó, nhiều công trình dù đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí được nguồn vốn để thanh toán, dẫn đến nợ đọng XDCB…

Tin cùng chuyên mục