Quan hệ chủ đầu tư - nhà thầu chưa sòng phẳng (Kỳ 1): Vòng luẩn quẩn... chậm thanh toán

(BĐT) - Việc chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà thầu như đã cam kết là một trong những nguyên nhân khiến cho công trình chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo, đội vốn tổng mức đầu tư dự án… trở thành điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu là quan hệ đối tác, trên thực tế bị “méo mó” thành quan hệ “chủ - tớ”. Ảnh: Lê Tiên
Quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu là quan hệ đối tác, trên thực tế bị “méo mó” thành quan hệ “chủ - tớ”. Ảnh: Lê Tiên

Mỗi khi công trình bị chậm tiến độ, chất lượng công trình có nhiều dấu hỏi thì điều đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến là do nhà thầu thi công yếu kém, không đủ năng lực… Nhưng, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho rằng, câu chuyện này còn bắt nguồn từ việc chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu chậm so với tiến độ ghi trong hợp đồng. 

Nhiều hệ lụy từ việc chậm thanh toán

Đại diện của nhà thầu từng tham gia một số gói thầu thuộc dự án ODA, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới cho biết, thủ tục thanh toán thường rườm rà, tốn rất nhiều thời gian, nên việc chậm thanh toán cho nhà thầu xảy ra thường xuyên. Hiện nay, một số dự án ODA được thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố nên thủ tục thanh toán phải qua nhiều bước xét duyệt. Để nhà thầu được thanh toán thì phải có ý kiến thẩm định của tư vấn giám sát, Ban QLDA, rồi chủ đầu tư mới chuyển hồ sơ qua ngân hàng hoặc kho bạc để thanh toán.

Quy trình thủ tục rườm rà đã mất nhiều thời gian, nhưng điều đáng nói hơn là chủ đầu tư hầu như không có ý thức trách nhiệm thanh toán cho nhà thầu đúng tiến độ. Dường như chủ đầu tư cho rằng việc thanh toán là công việc của nhà thầu. Nhiều lúc để đẩy nhanh việc thanh toán, nhà thầu gần như đã phải “chạy thủ tục”, đốc thúc tiến độ thẩm định và phê duyệt ở các cấp khác nhau để sớm hoàn thiện hồ sơ thanh toán, mà vốn dĩ công việc này là của chủ đầu tư.

Quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu trong thực hiện hợp đồng xây dựng là mối quan hệ đối tác và bình đẳng. Thế nhưng, trên thực tế nhà thầu vẫn thường ở trong tình trạng “lép vế” trong vai trò “đi làm thuê” cho chủ đầu tư.

Một nhà thầu thi công đường dây điện ở miền Trung cũng cho biết, khi chủ đầu tư chậm thanh toán, nhà thầu này đã phải tự xoay xở nguồn vốn để có thể tiếp tục thi công công trình, nhưng có những thời điểm phải tạm dừng thi công công trình, hoặc thi công cầm cự để cố gắng dừng đúng điểm dừng kỹ thuật nhằm giảm bớt tổn thất, thiệt hại do không thể thi công các hạng mục được liên tục.

Việc chậm thanh toán của chủ đầu tư đã đẩy nhà thầu đi từ khó khăn này sang khó khăn khác như: do thiếu vốn, nhà thầu không mua đủ nguyên vật liệu để thi công công trình, thuê thiết bị, máy móc thi công bị khó khăn, trả lương cho người lao động chậm trễ. Và trong nhiều trường hợp, nhà thầu phải đi vay vốn của ngân hàng hoặc ở bên ngoài với lãi suất cao hơn nhiều so với mức lợi nhuận trung bình mà nhà thầu nhận được từ công trình.

Khi phải đi vay vốn với lãi suất cao, nhà thầu sẽ phải “linh hoạt” trong việc thi công công trình, tìm mọi cách để cắt giảm chi phí. Có thể đôi lúc phải làm tắt, làm gọn một số thao tác thi công không quan trọng. Dù nhà thầu cho rằng những việc làm này thường không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, nhưng với những người đã “hành nghề xây dựng” thì chắc hẳn biết rằng, một khi quy trình các bước thi công đã được đề ra theo quy chuẩn, mà làm tắt, làm gọn, nghĩa là bỏ qua một số bước thì chất lượng công trình ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.

Tạo vòng luẩn quẩn

Đại diện một nhà thầu chuyên xây lắp các công trình dân dụng cho biết, việc chậm thanh toán của chủ đầu tư là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm chậm tiến độ thi công công trình, làm cho chi phí thi công của nhà thầu tăng lên, phát sinh thêm một số công việc và chi phí khác. Chẳng hạn, khi công trình bị chậm tiến độ, chi phí trả lương cho tư vấn giám sát, chỉ huy công trường do nhà thầu thuê (được tính theo thời gian thi công công trình) sẽ tăng lên; việc mua nguyên vật liệu, thuê máy móc nhiều khi chịu biến động tăng giá rất nhiều… Bên cạnh đó, việc chậm tiến độ công trình trong nhiều trường hợp đã làm phát sinh thêm các hạng mục công trình mới, từ đó sẽ đẩy tổng mức đầu tư của công trình/dự án tăng lên.

Và một điều mà ai cũng biết là khi tổng mức đầu tư của dự án/công trình phải điều chỉnh, quy trình xin ý kiến, thẩm định, phê duyệt lại bắt đầu một vòng mới, phải trải qua nhiều cấp, nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau để xin ý kiến, và trong trường hợp phải làm rõ, bổ sung thêm tài liệu, hồ sơ thì quá trình này kéo dài, mất rất nhiều thời gian. Hệ quả là trong quá trình chờ ý kiến phê duyệt, thẩm định để được sắp xếp thêm vốn cho công trình thì sẽ làm cho tiến độ công trình bị chậm, kéo dài.

Qua quá trình thanh tra, kiểm tra nhiều công trình xây dựng, một chuyên gia trong ngành cũng cho biết, theo quy định, các hạng mục mới phát sinh trong quá trình thi công xây dựng thường sẽ phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu, nhưng trên thực tế, các hạng mục này thường được “ngấm ngầm” chỉ định cho nhà thầu đang thi công các hạng mục trước đó của công trình. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng nhà thầu cứ việc thi công những hạng mục phát sinh mà không phải qua đấu thầu hoặc thi công trước, đấu thầu sau để hợp thức hóa các thủ tục pháp lý.

Theo Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng thì “hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng”. 

Tin cùng chuyên mục