Quy định mới về xác định cấp doanh nghiệp: Ngăn doanh nghiệp lớn đấu thầu “nhầm sân”

(BĐT) - Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (NĐ39) vừa được ban hành đưa ra quy định mới về tiêu chí xác định doanh nghiệp (DN) nhỏ, siêu nhỏ. 
Theo pháp luật về đấu thầu, gói thầu xây lắp có giá không quá 5 tỷ đồng chỉ dành cho nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ, siêu nhỏ. Ảnh: Lê Tiên
Theo pháp luật về đấu thầu, gói thầu xây lắp có giá không quá 5 tỷ đồng chỉ dành cho nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ, siêu nhỏ. Ảnh: Lê Tiên

Đây là cơ sở để xác định ưu đãi trong đấu thầu đối với nhà thầu là DN nhỏ, siêu nhỏ, được đánh giá sẽ giúp hạn chế tình trạng nhà thầu là DN lớn cố tình “đá nhầm sân”.

Bổ sung tiêu chí xác định cấp doanh nghiệp

Theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 14 Luật Đấu thầu, nhà thầu là DN nhỏ được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước để cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp. Và Nghị định 63/2014/NĐ-CP đã hướng dẫn cụ thể: “Đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là DN cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về DN tham gia đấu thầu”.

Việc xác định cấp DN theo quy định của pháp luật về DN trước đây được thực hiện theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa. Theo đó, DN nhỏ và vừa là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của DN) hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên). Đơn cử, DN nhỏ thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng là DN có tổng nguồn vốn từ 20 tỷ đồng trở xuống hoặc có số lao động từ 10 người đến 200 người.

NĐ39 thay thế Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, do đó, các tiêu chí áp dụng khi thực hiện ưu đãi nhà thầu là DN nhỏ và siêu nhỏ đã có sự thay đổi. Theo quy định tại Điều 6 NĐ39, việc xác định DN nhỏ và siêu nhỏ căn cứ theo số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm và tổng doanh thu của năm hoặc tổng nguồn vốn, được chia theo lĩnh vực hoạt động.

Cụ thể, DN siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng. Tương ứng đối với DN nhỏ trong cùng lĩnh vực là không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là DN siêu nhỏ.

DN siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng. Tương ứng đối với DN nhỏ trong cùng lĩnh vực là không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là DN siêu nhỏ. 

Ngăn tình trạng doanh nghiệp lớn “tự nhận mình còn bé”

Quá trình tiếp nhận và xử lý kiến nghị của các nhà thầu gửi đến Báo Đấu thầu liên quan đến việc thực hiện ưu đãi đối với nhà thầu là DN cấp nhỏ, siêu nhỏ đã ghi nhận nhiều tình huống, trong đó đáng chú ý là tình trạng nhà thầu “đá nhầm sân”. Không ít nhà thầu là DN lớn hoặc vừa, không thuộc diện ưu đãi vẫn cố tình “khai man”, “lớn rồi nhưng vẫn tự nhận mình còn bé” để tham gia các gói thầu chỉ dành cho DN nhỏ, siêu nhỏ. Trao đổi với Báo Đấu thầu, Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật Inteco nhận định, quy định mới về xác định cấp DN tại NĐ39 sẽ giúp hạn chế tình trạng nhà thầu cố tình “đá nhầm sân” này.

Cụ thể, ông Phong cho rằng, các DN lớn muốn “đá nhầm sân” trước đây thường tự khai giảm số lao động xuống và chủ đầu tư rất khó xác thực thông tin này. Việc thay tiêu chí số lao động bình quân năm bằng tiêu chí số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm của DN và bổ sung tiêu chí về doanh thu trong xác định cấp DN sẽ giúp chủ đầu tư, bên mời thầu và cơ quan chức năng dễ dàng kiểm tra, giám sát nhờ có thêm căn cứ thông tin từ bên thứ ba là cơ quan bảo hiểm xã hội và các thông tin khác từ cơ quan thuế và báo cáo tài chính. Từ đó, sẽ ngăn chặn được tình trạng nhà thầu là DN lớn “tự nhận mình còn bé”. Cùng với đó, việc bổ sung tiêu chí về doanh thu, thay vì chỉ dựa trên quy mô tổng nguồn vốn như trước đây, sẽ giúp đánh giá sát thực hơn quy mô DN.

Bên cạnh đó, một chuyên gia đấu thầu thuộc Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu cho biết, trên thực tế, có những nhà thầu do không nắm được quy định nên mới “đá nhầm sân”. Có những nhà thầu nhận được thông báo của bên mời thầu là bị loại mà không rõ lý do và không tin nổi với hồ sơ dự thầu được chuẩn bị công phu, rất đẹp mà vẫn bị loại nên đã gửi đơn đến chủ đầu tư để “hỏi cho ra nhẽ”. Rốt cuộc thì chủ đầu tư loại nhà thầu là đúng nhưng vì thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu chỉ ghi tên nhà thầu trúng và các nhà thầu bị loại mà không nêu đầy đủ lý do loại nhà thầu nên nhà thầu cũng không biết mình đã “đá nhầm sân”. Vị chuyên gia này lưu ý, NĐ39 có hiệu lực từ ngày ký ban hành (ngày 11/3/2018) mà không phải chờ thêm 45 ngày như thông thường. Do đó, các chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu đặc biệt lưu ý để áp dụng tiêu chí ưu đãi nhà thầu là DN cấp nhỏ và siêu nhỏ cho phù hợp.

Tin cùng chuyên mục