Siết chỉ định thầu tại tập đoàn nhà nước

(BĐT) - Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và "Tham ô tài sản” ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) vừa kết thúc xét xử sơ thẩm cho thấy nhiều hệ lụy từ việc chỉ định thầu trái luật. 
Việc tham gia đấu thầu của các công ty con thuộc PVN sẽ phải tuân theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Ảnh: Lê Tiên
Việc tham gia đấu thầu của các công ty con thuộc PVN sẽ phải tuân theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Ảnh: Lê Tiên

Mới đây, ngày 10/1/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2018/NĐ-CP quy định về điều lệ tổ chức và hoạt động của PVN (NĐ07), trong đó có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động đấu thầu, được nhiều người kỳ vọng sẽ không còn đất sống cho những vụ việc tương tự như vụ án vừa qua.

Rõ quy định về tham dự thầu “nội bộ”

Theo NĐ07, Chính phủ đã quy định rõ các quyền của PVN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó ngoài quyền về tài chính, quyền tham gia hoạt động công ích, có phần “quyền khác của PVN” ghi rõ: “Việc tham gia đấu thầu của PVN, các công ty con của PVN thực hiện theo quy định tại Khoản 5, Điều 2, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (NĐ63) và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có)”. 

Đây là quy định mới, cụ thể hơn rất nhiều so với điều lệ và tổ chức hoạt động của PVN ban hành cách đây 5 năm. Đối chiếu với Nghị định số 149/2013/NĐ-CP ban hành ngày 31/10/2013 quy định về điều lệ tổ chức và hoạt động của PVN, việc tham gia đấu thầu của PVN, các công ty con của PVN phải tuân thủ nghiêm quy định về đấu thầu, cụ thể là NĐ63.

Với tinh thần này, bằng Nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của PVN, Chính phủ đã mạnh mẽ tuyên bố việc không cho phép tập đoàn - công ty mẹ được chỉ định thầu hoặc yêu cầu công ty con chỉ định thầu nội bộ theo văn bản hay quy chế riêng nào cả mà phải thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu.

Có thể dẫn giải Khoản 5, Điều 2 của NĐ63 hướng dẫn một số điều của Luật Đấu thầu có quy định: để đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, “trường hợp đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước, nếu sản phẩm dịch vụ thuộc gói thầu là ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của tập đoàn và là đầu ra của công ty này, đồng thời là đầu vào của công ty kia trong tập đoàn thì tập đoàn, các công ty con của tập đoàn được phép tham dự quá trình lựa chọn nhà thầu của nhau. Trường hợp sản phẩm dịch vụ thuộc gói thầu là đầu ra của công ty này, đồng thời là đầu vào của công ty kia trong tập đoàn và là duy nhất trên thị trường thì thực hiện theo quy định của Thủ tướng”.

Quy định nhấn mạnh rõ việc các công ty con của tập đoàn “được phép tham dự quá trình lựa chọn nhà thầu của nhau”, hay nói khác đi là không cấm các doanh nghiệp dự thầu nội bộ trong khối các doanh nghiệp thuộc PVN. Song nghị định mới này một lần nữa khẳng định việc không cho phép tập đoàn - công ty mẹ được chỉ định thầu hoặc yêu cầu công ty con chỉ định thầu nội bộ theo văn bản hay quy chế riêng nào cả mà phải thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu. 

Bài học chỉ định thầu quá đắt

Về việc PVN chỉ định thầu cho PVC, cáo trạng của vụ án nêu trên có nhắc đến Nghị quyết số 233/NQ-ĐU ngày 17/3/2009 của Đảng ủy PVN về “Phát huy nội lực, tăng cường và ưu tiên sử dụng các dịch vụ của các đơn vị thành viên trong tập đoàn”. Nghị quyết này được cụ thể hóa thành Quyết định số 4232/QĐ-DKVN để hướng dẫn các đơn vị thực hiện. Đây chính là những văn bản dưới luật nhưng lại tạo ra kẽ hở để PVN chỉ định thầu cho PVC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và gây thất thoát lớn về kinh tế. Nhờ kẽ hở này, PVC được chỉ định thầu hầu hết các dự án xây lắp lớn của PVN, bất chấp năng lực và tình hình tài chính. Hay nói đúng hơn, kẽ hở này đã đi ngược lại hoàn toàn với quy định và tinh thần của Luật Đấu thầu. Cụ thể là Khoản 2, Điều 20, Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 quy định: “Khi thực hiện chỉ định thầu, phải lựa chọn một nhà thầu được xác định là có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng các yêu cầu của gói thầu và phải tuân thủ quy trình thực hiện chỉ định thầu do Chính phủ quy định”. Tuy nhiên, nhà thầu được PVN chỉ định lại không đáp ứng yêu cầu về năng lực, dẫn đến nhiều hệ lụy và không phát huy hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) về Kỳ họp thứ 14 nêu rõ ông Đinh La Thăng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN phải “chịu trách nhiệm khi ký ban hành Nghị quyết số 233/NQ-ĐU có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để HĐTV, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật”. Cùng với đó, ông Thăng còn phải “chịu trách nhiệm trong việc HĐTV ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật”.

Chỉ định thầu nội bộ trong các tập đoàn nhà nước, chỉ tính riêng trong ngành công thương, đến nay đã trở thành bài học quá đắt với một loạt dự án thua lỗ, kém hiệu quả như Nhiệt điện Thái Bình 2, Xơ sợi Đình Vũ, Xây lắp Ethanol Phú Thọ… Cũng chính vì chỉ định thầu nội bộ, công ty mẹ - công ty con mà những văn bản dưới luật như Nghị quyết số 233/NQ-ĐU đã tước đi cơ hội được cạnh tranh, chứng minh năng lực của các doanh nghiệp có tiềm lực thực sự cả trong lẫn ngoài nước.           

Tin cùng chuyên mục