TP.HCM: Tăng chất lượng đấu thầu để thúc đẩy đầu tư công

(BĐT) - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, ngay từ đầu năm, Thành phố đã ban hành nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019. 
TP.HCM đã giao kế hoạch đầu tư công 33.771 tỷ đồng trong năm 2019. Ảnh: Lê Tiên
TP.HCM đã giao kế hoạch đầu tư công 33.771 tỷ đồng trong năm 2019. Ảnh: Lê Tiên

Thường trực UBND Thành phố thường xuyên chủ trì để quán triệt, đôn đốc các đơn vị giải ngân kế hoạch đầu tư công và bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung nâng chất lượng lựa chọn nhà thầu để giúp tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công.

Giải ngân đạt 43% kế hoạch

Trong năm 2019, TP.HCM đã giao kế hoạch đầu tư công 33.771 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/9/2019, tổng vốn đã giải ngân là 11.443 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách thành phố giải ngân 9.591 tỷ đồng, đạt 31%; vốn trung ương giải ngân 1.210 tỷ đồng, đạt 61%; vốn ODA giải ngân 641 tỷ đồng, đạt 80%.

Tuy tỷ lệ giải ngân thuộc diện “khá” so với mặt bằng chung, Thành phố vẫn thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới việc chậm giải ngân so với kế hoạch.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, các năm trước đây, Thành phố giao nhiều đợt, đợt 1 giao khoảng 70% dự toán, đợt 2, 3 bổ sung vốn để cuối năm đạt 100% dự toán. Tuy nhiên, năm 2019, thực hiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, TP.HCM giao 100% dự toán ngay từ đầu năm. Do đó, mặc dù giá trị tuyệt đối vốn giải ngân cao hơn nhưng tỷ lệ lại thấp hơn. Đáng chú ý, do các lý do khách quan, kế hoạch vốn trung hạn, thay vì giao vào cuối năm, lại được giao vào tháng 5. Vì vậy, trong kế hoạch vốn có đến 7.000 tỷ đồng chưa được phân khai (chiếm 20%), ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ giải ngân.

Ngoài ra, từ đầu năm, UBND Thành phố đã giao kế hoạch vốn cho 120 dự án bồi thường hoặc có thực hiện công tác bồi thường, tổng vốn đã giao là 4.215 tỷ đồng (chiếm 15% kế hoạch vốn). Tuy nhiên, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp quỹ đất, đơn giá bồi thường… dẫn tới tình trạng chậm, kéo dài phổ biến. Nhiều dự án phải điều chỉnh giảm kế hoạch vốn, tổng vốn giảm là 3.200 tỷ đồng.

Đối với các dự án bồi thường phục vụ xây dựng tuyến metro, hiện nay, giá bồi thường cho tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) chưa được phê duyệt điều chỉnh, có nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý. Do đó, UBND các quận đề xuất giảm kế hoạch vốn được giao. Ngoài ra, hồ sơ thẩm định dự án điều chỉnh tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên và tuyến Bến Thành - Tham Lương cũng trong giai đoạn rà soát. Vì vậy, UBND các quận chưa có cơ sở giải ngân vốn kế hoạch năm 2019 để triển khai bồi thường theo quy định.

Sở KH&ĐT TP.HCM cũng cho biết, thời gian qua, việc sắp xếp lại các ban quản lý dự án của Thành phố, quận - huyện, ban quản lý đầu tư các khu đô thị, ban quản lý đầu tư các dự án ODA đã dẫn tới thay đổi tư cách pháp nhân của chủ đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ lập hồ sơ thủ tục giải ngân vốn của các dự án.

Nhiều dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM vướng giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thi công của nhà thầu cũng khiến tỷ lệ giải ngân đạt thấp… 

Thay đổi tư duy đầu tư công

Trong nhiều nguyên nhân dẫn tới chậm giải ngân vốn đầu tư công theo báo cáo của Sở KH&ĐT TP.HCM, có nguyên nhân do các tháng đầu năm chủ yếu tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, tổ chức đấu thầu… Bên cạnh đó, công tác thiết kế, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu chậm do chủ đầu tư và tư vấn trong một số trường hợp chuyên môn chưa sâu, chất lượng hồ sơ mời thầu không đáp ứng yêu cầu, phải chỉnh sửa nhiều lần, hoặc thời gian nộp lại hồ sơ chỉnh sửa kéo dài, hoặc quá trình thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung. Do đó, TP.HCM cho biết, cần phải nâng cao chất lượng các khâu khi triển khai công tác lựa chọn nhà thầu, nhằm lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực, không mất nhiều thời gian cho nhiều bên khi triển khai dự án đầu tư công.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, hiện Thành phố có rất nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, trong khi ngân sách thành phố hạn chế. Vì vậy, cần huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội trong nước và nước ngoài, xóa bỏ tình trạng dựa dẫm, ỷ lại vào nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời tăng hiệu quả đầu tư công bền vững.

Tại mỗi dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, cần tăng cường chất lượng các khâu từ nghiên cứu, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đấu thầu, thi công đến vận hành. Nếu các công đoạn này không được chú trọng, sẽ gây áp lực rất nhiều lên ngân sách nhà nước và giảm hiệu quả tài chính dự án, gây lãng phí rất lớn.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho rằng, phải thay đổi tư duy đầu tư công, chuyển sang xã hội hoá, tăng cường chất lượng công tác đấu thầu, áp dụng phương án đấu giá đất, kêu gọi đấu thầu chọn nhà đầu tư để phát huy thế chủ động. “Với sự thay đổi ngay từ cách làm như vậy, công tác đầu tư của Thành phố mới có được hiệu quả 2 tăng 1 giảm: Tăng thu ngân sách từ đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tăng từ hoạt động có hiệu quả của doanh nghiệp và giảm chi ngân sách”, ông Hoan nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục