Tự tin cạnh tranh trong tư vấn mua sắm công nội khối CPTPP

(BĐT) - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với sự tham gia của 11 nước thành viên đã chính thức có hiệu lực. Theo cam kết tại Chương 15 về mua sắm chính phủ (MSCP) của Hiệp định, Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm công và có cơ hội tham gia lựa chọn nhà thầu tại 10 quốc gia thành viên khác của CPTPP. Trong “cuộc chơi” này, nhà thầu tư vấn Việt Nam khá tự tin về năng lực.
Các nhà thầu Việt Nam, trong đó có nhà thầu tư vấn, cần tranh thủ quãng thời gian chuẩn bị theo lộ trình quy định tại CPTPP để nâng cao trình độ, năng lực. Ảnh: Vũ Long
Các nhà thầu Việt Nam, trong đó có nhà thầu tư vấn, cần tranh thủ quãng thời gian chuẩn bị theo lộ trình quy định tại CPTPP để nâng cao trình độ, năng lực. Ảnh: Vũ Long

Đủ khả năng cạnh tranh ngang bằng

Để đảm bảo cạnh tranh, công bằng và minh bạch trong hoạt động MSCP, Chương 15 về MSCP của Hiệp định đưa ra những nguyên tắc: các nhà thầu đến từ các nước CPTPP hoặc nhà thầu trong nước có vốn đầu tư nước ngoài từ các nước CPTPP phải được đối xử công bằng với nhau và với các nhà thầu trong nước. Thậm chí, trong ứng xử đối với các nhà thầu nội địa, chủ đầu tư/bên mời thầu phải đối xử công bằng giữa nhà thầu sử dụng nguồn cung hàng hóa dịch vụ từ các nước CPTPP với các nhà thầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước.

Trong cuộc chơi này, nhà thầu tư vấn có vai trò đặc biệt quan trọng để có thể giúp các nhà thầu Việt Nam thắng thầu tại thị trường MSCP của các nước nội khối CPTPP và xa hơn là đấu thầu quốc tế. Tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều nhà thầu tư vấn đấu thầu có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn, hiểu biết pháp luật đầy đủ đã tư vấn rất tốt nhiều dự án, công trình xây dựng bảo đảm tiến độ, chất lượng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Về năng lực nhà thầu tư vấn Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi II (HEC II) chỉ ra 4 điểm nổi trội. Đầu tiên là các nhà thầu tư vấn Việt Nam rất năng động, có trình độ và chịu khó tìm tòi về quy mô dự án, biện pháp thiết kế theo công nghệ mới của nước ngoài đáp ứng tiêu chí hồ sơ mời thầu (HSMT) kể cả công trình vốn ODA, vốn trái phiếu chính phủ. Thứ hai, các nhà thầu tư vấn Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao cả về kỹ thuật, chất lượng cũng như về giá. Thứ ba, họ có ý thức rất tốt trong việc tuân thủ quy định pháp luật về tiến độ, chất lượng của gói thầu/dự án theo yêu cầu của HSMT. Đặc điểm thứ tư, nhiều nhà thầu tư vấn Việt Nam có kinh nghiệm thực hiện các dự án sử dụng vốn vay, hợp tác với tư vấn nước ngoài trúng thầu các gói thầu tư vấn lớn ở nước ngoài với giá trị đến hàng trăm tỷ đồng.

“Như vậy, tôi không lo lắng khi nhà thầu tư vấn Việt Nam tham gia “sân chơi” MSCP của CPTPP. Nhà thầu tư vấn Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh ngang bằng với nhà thầu tư vấn nước ngoài, trong đó có nhà thầu tư vấn của các nước thành viên CPTPP”, ông Tiến nhận định. 

Thành công sẽ đến nếu chuẩn bị tốt

Theo lộ trình mở cửa thị trường MSCP trong CPTPP, Việt Nam có quãng thời gian chuẩn bị để tham gia chính thức. Theo nhiều chuyên gia đấu thầu, đây là quãng thời gian quý giá để các nhà thầu Việt Nam, trong đó có nhà thầu tư vấn, chuẩn bị tốt nhất năng lực nhằm thắng thầu, mở rộng cơ hội kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Tiến thẳng thắn nhìn nhận, dù nhà thầu tư vấn Việt Nam có khá nhiều điểm nổi trội, nhưng khi tham gia lựa chọn nhà thầu ở nước ngoài cũng có những khó khăn nhất định. Công trình/dự án của các nước thành viên CPTPP khác Việt Nam; những nước này đang sử dụng những tiêu chuẩn riêng có thể gây bất lợi cho nhà thầu tư vấn Việt Nam. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ của không ít tư vấn Việt Nam còn hạn chế; hay cơ hội để tư vấn tiếp xúc với các dự án có công nghệ hiện đại cũng chưa nhiều…

“Tuy nhiên, các nhà thầu tư vấn Việt Nam thông minh và linh hoạt, đang dần được nâng cao về năng lực, trình độ, nên cơ hội thắng thầu tư vấn trong nội khối CPTPP cũng như quốc tế là hoàn toàn có thể. Điều này sẽ dễ dàng đạt được nếu chúng ta có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cạnh tranh trong sân chơi công bằng, bình đẳng”, đại diện HEC II nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, ông Vũ Duy Phan, Giám đốc Công ty CP Liên doanh Tư vấn và Xây dựng - COFEC cũng nhìn nhận, đội ngũ tư vấn đấu thầu Việt Nam ngày càng được nâng cao trình độ. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta vẫn thiếu đội ngũ tư vấn chuyên sâu, có năng lực tốt. Muốn thắng thầu trong CPTPP, các nhà thầu tư vấn phải không ngừng nâng cao trình độ, năng lực.

Theo đánh giá của các chuyên gia đấu thầu quốc tế, hiện hệ thống pháp luật đấu thầu của Việt Nam đã có các quy định đầy đủ và rõ ràng đối với đội ngũ nhà thầu tư vấn, tiệm cận với thông lệ quốc tế. Đây là một trong những nền tảng quan trọng thúc đẩy đội ngũ này phát triển trong thời gian tới, góp phần giúp Việt Nam hiện thực hóa các cơ hội tại thị trường mua sắm công CPTPP.

Tin cùng chuyên mục