Tuân thủ nguyên tắc thị trường khi thực hiện dự án BOT

(BĐT) - Trong tham luận gửi tới Hội thảo về dự án BOT của Kiểm toán Nhà nước, TS. Phan Duy Minh, nguyên Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, đã chỉ ra một thực tế ở các dự án BOT là nếu có lợi thì chủ đầu tư được hưởng, còn thua lỗ thì Nhà nước gánh chịu.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

TS. Phan Duy Minh dẫn ra ví dụ về Dự án BOT cầu Phú Mỹ. Được khánh thành vào tháng 9/2009, cầu Phú Mỹ bắc qua sông Sài Gòn được kỳ vọng sẽ thu hút một lượng lớn phương tiện vận tải từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lên TP.HCM, ra phía Bắc, khu vực miền Trung và ngược lại, giảm bớt áp lực xe cộ đi vào nội đô. Thế nhưng, trên thực tế sau đó xe cộ qua cầu Phú Mỹ chỉ lác đác nên Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC), chủ đầu tư, đã quyết định trả lại dự án cho TP.HCM. Trước khi trả lại, PMC kiến nghị chính quyền TP.HCM hỗ trợ giãn nợ hoặc vay vốn 1.000 tỷ đồng như điều khoản trong hợp đồng BOT. Trước đó, Dự án BOT nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (Quận 7), Dự án BOT cầu ông Thìn (Bình Chánh)… cũng bị trả lại.

Gần đây, cũng có không ít nhà đầu tư BOT kêu lỗ, dọa trả lại dự án cho Nhà nước hoặc dọa “đóng cửa” cầu vì lưu lượng không đảm bảo theo như phương án tài chính… Với dự án BOT, khi trên dưới 85% là vốn vay, thì việc dọa trả Nhà nước là một hình thức đẩy gánh nợ lại cho Nhà nước, thể hiện sự vô trách nhiệm của nhà đầu tư với hợp đồng mà mình đã ký kết.

Hợp đồng BOT có thể coi là một hợp đồng kinh tế, nhà đầu tư hoàn toàn tự nguyện tham gia như một đối tác với Nhà nước. Theo một chuyên gia, nguyên tắc thị trường chưa được tôn trọng khi thực hiện hợp đồng BOT. Khi đã thỏa thuận thì cả hai bên (Nhà nước và nhà đầu tư) phải chấp nhận rủi ro và đây là nguyên tắc cần tuân thủ nghiêm ngặt. Trường hợp mức tăng trưởng cao hơn dự báo, nhà đầu tư sẽ có lãi lớn hơn dự kiến, ngược lại khi đã chấp nhận ký hợp đồng, nhà đầu tư cũng phải chấp nhận lỗ nếu như trong thời kỳ kinh doanh có biến động bất lợi cho nhà đầu tư.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, để đảm bảo hợp đồng BOT thành công, thì phân chia rủi ro hợp lý là yếu tố then chốt. Với nhiều dự án BOT, rủi ro được phân bổ theo nguyên tắc doanh nghiệp dự án chịu toàn bộ các rủi ro liên quan đến công nghệ, thiết kế thi công và tính toán hiệu quả đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu các rủi ro về thể chế, pháp lý và các rủi ro bất khả kháng liên quan đến xã hội, môi trường. Trường hợp các rủi ro bất khả kháng như lũ lụt, động đất, không thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước và ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp dự án thì hai bên sẽ cùng chia sẻ những rủi ro này.

Khi đã phân chia rủi ro đầy đủ, nhà đầu tư đồng ý đặt bút ký vào hợp đồng, thì phải tuân thủ nguyên tắc lời ăn lỗ chịu. Ngược lại, khi Nhà nước vi phạm, bất tín với nhà đầu tư, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm đền bù, truy cứu trách nhiệm cá nhân.

Quy tắc này cần phải tuân thủ trong mọi trường hợp, để không tạo ra những tiền lệ xấu, trăm dâu đổ đầu người dân – những người đóng phí BOT.

Tin cùng chuyên mục