Vẫn ít cuộc thầu dịch vụ công ích

(BĐT) - Thực tế cho thấy, những dịch vụ công ích sau khi được đưa ra đấu thầu rộng rãi đã tiết kiệm những con số không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Nhà nước cũng đã có những cơ chế, chính sách mở đường cho hoạt động này, tuy nhiên, số lượng dịch vụ công ích thực hiện theo cơ chế đấu thầu vẫn còn rất khiêm tốn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nặng cơ chế xin - cho

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hải thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), kết quả áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi cung cấp dịch vụ công ích tại một số địa phương cho thấy, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu đối với các dịch vụ này là không hề nhỏ. Ví dụ, tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), tỷ lệ tiết kiệm luôn đạt trên 60% trong năm 2016. Tại quận Tân Phú, Bình Tân (TP.HCM) thì công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố được tổ chức thực hiện và quản lý thí điểm qua đấu thầu nhận thấy có hiệu quả cao, giúp tiết kiệm ngân sách lớn.

Tuy nhiên, từ tổng hợp của CIEM theo số liệu của UBND Hà Nội, Đà Nẵng và Bắc Ninh cho thấy, trong năm 2016, việc cung ứng dịch vụ công tại 3 tỉnh, thành phố này vẫn chủ yếu theo cơ chế đặt hàng. Riêng tỉnh Bắc Ninh, 100% dịch vụ công ích đều cung ứng theo đặt hàng. Tại Đà Nẵng, cơ chế đặt hàng và giao kế hoạch là chủ đạo, không có dịch vụ công ích nào được đấu thầu. Còn tại TP. Hà Nội, giá trị khối lượng công việc của cơ chế đặt hàng vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo (trên 90%) so với phần công việc được đưa ra đấu thầu. Dịch vụ duy tu, sửa chữa, duy trì vườn hoa, thảm cỏ, công viên, cây xanh có tỷ lệ công việc được đấu thầu cao nhất, nhưng cũng chỉ chiếm 8,7% trong tổng khối lượng công việc.

Một chuyên gia của Bộ Giao thông vận tải cho biết, ngoại trừ đấu thầu thì các cơ chế đặt hàng, giao kế hoạch, đơn giá, định mức về bản chất vẫn là chỉ định thầu đơn vị thực hiện, nên khó tránh khỏi cơ chế xin - cho, khép kín trong cung ứng các dịch vụ công. Vì vậy mà chất lượng và giá cả dịch vụ sẽ khó có tính cạnh tranh, không đảm bảo được hiệu quả đầu tư, khả năng làm hài lòng người sử dụng dịch vụ thấp... 

Vẫn né tránh đấu thầu trong lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ công

Ông Lê Thanh, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền cho biết, khung pháp lý hiện hành đối với dịch vụ công ích là Nghị định 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích (trước đó là Nghị định 31/2005/NĐ-CP và Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích). Ưu điểm của Nghị định 130/2013/NĐ-CP là đã căn cứ vào các quy định của pháp luật về đấu thầu để xây dựng cơ chế đấu thầu thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Theo đó, cơ chế đấu thầu tại Nghị định 130/2013/NĐ-CP đã hướng tới việc đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác lựa chọn đơn vị tham gia sản xuất, cung ứng dịch vụ công ích; đưa yếu tố cạnh tranh vào cung ứng dịch vụ công nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt với giá cả hợp lý, góp phần tạo sân chơi công bằng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

So với Nghị định 31/2005/NĐ-CP thì danh mục các sản phẩm, dịch vụ công ích được thực hiện theo phương thức đấu thầu tại Nghị định 130/2013/NĐ-CP đã tăng lên 21 lĩnh vực (trước đó chỉ có 8 lĩnh vực). Tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị định 130/2013/NĐ-CP thì phương thức đấu thầu được xếp đứng đầu theo thứ tự ưu tiên trong việc lựa chọn phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Điều này cũng gây áp lực cho các cơ quan quản lý trong việc quyết định phương thức lựa chọn đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, do quy định của pháp luật về đấu thầu cung ứng dịch vụ công vẫn chưa chặt chẽ nên một số cơ quan quản lý nhà nước và một số doanh nghiệp đang thực hiện dịch vụ công ích cố tình “lách” để không phải áp dụng đấu thầu dịch vụ công ích. Vì thế, mặc dù Nghị định 130/2013/NĐ-CP đã ban hành được hơn 3 năm, nhưng tỷ lệ đấu thầu dịch vụ công ích vẫn còn ở mức thấp.

Một số chuyên gia cho rằng, thời gian tới nên sửa đổi một số quy định tại Nghị định 130/2013/NĐ-CP để áp dụng rộng rãi hơn hình thức đấu thầu cung ứng dịch vụ công ích nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ; không tạo “đặc quyền” cho 1 số doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công ích; nâng cao tính minh bạch, công bằng trong đấu thầu cung ứng dịch vụ công ích cho mọi loại hình doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục