Vì sao có nhiều cuộc thầu “đứt gánh giữa đường”?

(BĐT) - Gần đây, nhiều chủ đầu tư phải ra quyết định “trảm” nhà thầu, chấm dứt hợp đồng vì nhà thầu trầy trật thi công, chậm tiến độ, hoặc không thể thực hiện tiếp. Đáng chú ý, nhiều gói thầu xảy ra hiện tượng này có giá trúng thầu rất thấp.

Công ty CP Xây dựng điện Vneco7 trúng thầu giá thấp nhưng thi công chậm tiến độ và bị chấm dứt hợp đồng tại gói thầu ngành điện. Ảnh: Thế Anh

Trúng thầu nhưng không thể thực hiện được

Đa số các gói thầu này đều có giá trúng thầu rất thấp, có gói thầu giảm giá tới 50% giá gói thầu.

Ban Quản lý dự án lưới điện TP.HCM thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM vừa ra Quyết định chấm dứt hợp đồng với Công ty CP Xây dựng điện Vneco7 (địa chỉ tại TP. Đà Nẵng) về việc thi công chậm tiến độ Gói thầu ADB-EVNHCMC-NMN-W01 thuộc Dự án Trạm biến áp 110kV Nhà máy Nước Thủ Đức và đường dây đấu nối. Trong số 5 - 6 nhà thầu tham dự thầu, Vneco7 là nhà thầu bỏ giá thấp nhất. So với giá gói thầu (khoảng 26 tỷ đồng), giá trúng thầu của Vneco7 giảm rất sâu (khoảng 14 tỷ đồng).

Tương tự, Công ty CP Xây dựng Hòa Dương (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) vừa bị Ban Quản lý Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững của tỉnh Cà Mau xử phạt hơn 400 triệu đồng vì chậm tiến độ thực hiện Gói thầu số 25-XL/CRSD-CM thuộc Dự án Nâng cấp đê chống tràn kết hợp lộ, cầu giao thông nông thôn bằng bê tông cốt thép. Giá trúng thầu của Hòa Dương giảm tới 31,17% so với giá gói thầu.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa  “tuýt còi” 11 nhà thầu tham gia các dự án đầu tư xây dựng do Bộ này quản lý trong 6 tháng cuối năm 2017 trong số 1.214 nhà thầu được rà soát đánh giá năng lực. Trong đó, có 4 nhà thầu vi phạm mới gồm: Liên danh Công ty CP Đầu tư và Thương mại DKT - Công ty CP Công nghệ Gcom; Công ty CP Ứng dụng khoa học kỹ thuật Việt Nam; Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng TJ Việt Nam. Các nhà thầu này đều vi phạm về tiến độ hoặc không đáp ứng yêu cầu về nhân lực, thiết bị.

Hệ lụy lớn cho chủ đầu tư

Khi nhà thầu bị xử phạt, gói thầu thực hiện dở dang thì chủ đầu tư là đối tượng phải hứng chịu hậu quả trước tiên và phải xử lý nhiều vấn đề phát sinh.

Ông Lê Viết Toản – Giám đốc Ban Quản lý dự án lưới điện TP.HCM cho biết, để thực hiện nốt phần công việc còn lại của Gói thầu, Chủ đầu tư phải tổ chức đấu thầu lại với đơn giá mới, chưa kể những thiệt hại về  chất lượng công trình do bị thi công gián đoạn, ảnh hưởng của thời tiết... Như vậy, Chủ đầu tư sẽ phải bỏ thêm tiền cho việc tổ chức đấu thầu lại, cùng với những chi phí phụ trội khi áp dụng đơn giá mới, trong khi chi phí tại thời điểm năm 2016 so với thời điểm năm 2018 có sự chênh lệch.

Là bên mời thầu từng lận đận trong việc chọn thầu, một cán bộ phụ trách công tác đấu thầu của Ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Long Phú 1 chia sẻ, chúng tôi là người lo lắng nhất khi tiến độ thực hiện dự án bị chậm. Do đó, ngay khi chọn nhà thầu và đàm phán hợp đồng, chúng tôi phải làm rất kỹ lưỡng, để tránh những phát sinh ngoài ý muốn trong quá trình thực hiện, đồng thời tăng tính cam kết của nhà thầu.

Qua tiếp nhận và phản ánh nhiều cuộc thầu “đứt gánh giữa đường” cho thấy, trong các nguyên nhân khiến cuộc thầu đổ bể, thi công dở dang vì nhà thầu không đủ năng lực thì không thể loại trừ nguyên nhân từ yếu tố chủ quan của chủ đầu tư. Thực tế, không ít chủ đầu tư chỉ căn cứ vào hồ sơ dự thầu mà không có sự kiểm tra, đối chứng, mặc dù có những dấu hiệu bất thường... Thậm chí có những trường hợp nhà thầu làm giả hợp đồng tương tự, cá biệt có hợp đồng lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư cũng không phát hiện ra được.

Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trước tiên phải trách chủ đầu tư/bên mời thầu. Khi nhà thầu chào giá thấp dưới 50% giá gói thầu được duyệt thì chủ đầu tư/bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu làm rõ các yếu tố cấu thành chi phí chào thầu. Kể cả trong trường hợp nhà thầu thỏa mãn được các điều kiện quy định, để đề phòng rủi ro, chủ đầu tư có thể đưa ra các điều kiện ràng buộc nhà thầu thật chặt với những điều khoản phạt thật nặng trong hợp đồng... Lợi ích của việc đưa ra các điều kiện ràng buộc chặt chẽ là để nhà thầu trúng thầu thực hiện nghiêm túc tiến độ và chất lượng đã cam kết, kể cả nhà thầu có bị lỗ; đồng thời răn đe nhà thầu khác để không dám vi phạm... Nếu nhà thầu vi phạm không bị xử lý theo quy định của pháp luật về đấu thầu thì trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư, và không thể không đặt nghi vấn đây là “nhà thầu ruột” của chủ đầu tư.

Tin cùng chuyên mục