Xây dựng cơ chế đấu thầu chặt chẽ, giảm thiểu kẽ hở

(BĐT) - Thực tiễn đấu thầu sinh động và phức tạp đòi hỏi hệ thống pháp luật về đấu thầu ngày càng phải chặt chẽ, giảm thiểu kẽ hở nhằm hạn chế các hành vi tiêu cực. Điều này đặt lên vai cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu trách nhiệm đề xuất, tham mưu xây dựng cơ chế chính sách về đấu thầu “đủ tầm”, tạo thuận lợi trong thực thi cũng như nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác đấu thầu.
Số gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2019 tăng gấp hai lần so với năm 2018. Ảnh: Tiên Giang
Số gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2019 tăng gấp hai lần so với năm 2018. Ảnh: Tiên Giang

Đẩy mạnh đấu thầu qua mạng

Trong năm 2019, thực hiện mục tiêu đẩy mạnh đấu thầu qua mạng theo Quyết định số 1402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ, Cục Quản lý đấu thầu (QLĐT) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã chủ động triển khai đồng bộ, mạnh mẽ nhiều công việc nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cấp hệ thống, đẩy mạnh đấu thầu qua mạng cả về mặt số lượng, chất lượng và hiệu quả. Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (HTMĐTQG) được vận hành thông suốt, an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng của người dùng. Hệ thống được triển khai trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây nên dễ dàng mở rộng năng lực hệ thống khi cần.

Cục QLĐT cho biết, HTMĐTQG sau khi được nâng cấp đã đáp ứng Thông tư số 05/2018/TT-BKHĐT ngày 10/12/2018 quy định chi tiết lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) đối với gói thầu được tổ chức trên Hệ thống (một số nội dung về năng lực và kinh nghiệm nhà thầu được Hệ thống tự động đánh giá); bổ sung chức năng truyền file tốc độ cao, nâng dung lượng file đính kèm trong e-HSMT (hồ sơ mời thầu), e-HSDT lên 300MB/file cho tất cả các gói thầu thuộc lĩnh vực mua sắm hàng hóa, xây lắp, phi tư vấn, tư vấn. HTMĐTQG cũng bổ sung chức năng quản lý cơ sở dữ liệu về năng lực và kinh nghiệm nhà thầu giúp nhà thầu nộp e-HSDT qua mạng dễ dàng và thuận tiện hơn; bổ sung tính năng đấu thầu qua mạng các gói thầu sử dụng vốn vay ODA (của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á). Hệ thống cũng kết nối với Hệ thống của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh và Trung tâm Tin học (Bộ KH&ĐT) để chia sẻ thông tin về doanh nghiệp, qua đó tối ưu việc đăng ký nhà thầu, nhà đầu tư, góp phần đơn giản hóa thủ tục đăng ký. Năm 2019, Cục QLĐT cũng được Hội Truyền thông số trao giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” nhờ việc triển khai đấu thầu qua mạng.

Kết quả thống kê cho thấy, trong năm 2019, có hơn 7.000 bên mời thầu đăng ký (hiện HTMĐTQG có tổng số 87.850 bên mời thầu đăng ký) và hơn 16.500 nhà thầu đăng ký; hơn 155.000 kế hoạch lựa chọn nhà thầu và 120.000 thông báo mời thầu được đăng tải; gần 39.000 gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng với tổng giá trị gói thầu gần 112.000 tỷ đồng (chiếm 35% về số lượng, 20% về giá trị gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh). Con số này tăng gấp hai lần so với năm 2018 với 16.752 gói thầu được đấu thầu qua mạng (chiếm tỷ lệ 17,6% về số lượng) và tổng giá trị gói thầu là 40.555 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 5,4% giá trị).

Cục trưởng Cục QLĐT Nguyễn Đăng Trương cho biết, mặc dù hệ thống pháp luật về đấu thầu được xây dựng khá hoàn chỉnh và đã tiệm cận với các quy định chung của quốc tế, việc thực thi có bước tiến nhưng vẫn có tình trạng thông thầu, gây khó dễ cho nhà thầu trong quá trình tiếp cận HSMT, nộp HSDT. Trên thực tế, việc phát hiện các hành vi tiêu cực trong đấu thầu để xử lý gặp khó khăn vì khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, các gói thầu đã được hoàn thành. Việc đẩy mạnh đấu thầu qua mạng góp phần chuẩn hóa các bước trong lựa chọn nhà thầu, giảm thiểu việc xảy ra kiến nghị, kiện cáo, nâng cao tính cạnh tranh và minh bạch trong đấu thầu. 

Xây dựng nhiều chính sách mới về đấu thầu

Năm 2019, có hơn 155.000 kế hoạch lựa chọn nhà thầu và 120.000 thông báo mời thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; gần 39.000 gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng với tổng giá trị gói thầu gần 112.000 tỷ đồng (chiếm 35% về số lượng, 20% về giá trị gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh).
Năm 2019, Cục QLĐT đã tổ chức nghiên cứu, trình hồ sơ dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Hồ sơ dự án Luật PPP đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 - tháng 11/2019. Trong năm 2019, Cục QLĐT cũng đã xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, Cục đã tham mưu cho Bộ KH&ĐT hoàn thiện Dự thảo và đã trình Chính phủ; trình Dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08/4/2019 về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu.

Trong năm 2019, Bộ KH&ĐT ban hành Thông tư số 04/2019/TT-BKHĐT ngày 25/01/2019 quy định chi tiết đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã ban hành Chỉ thị 03/CT-BKHĐT ngày 24/5/2019 về chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu; ban hành Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả.

Bên cạnh đó, trong năm 2019, Cục QLĐT đã ban hành gần 1.000 văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật về đấu thầu (xử lý tình huống) cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp…; tiếp nhận và có văn bản trả lời các câu hỏi của công dân qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ (trung bình 30 câu hỏi/tháng) theo đề nghị của Văn phòng Chính phủ.

Cục QLĐT cũng đã tiếp nhận và xử lý 110 văn bản về kiến nghị trong đấu thầu. Bên cạnh việc hướng dẫn quy trình, thủ tục, các quy định pháp luật về đấu thầu, các văn bản xử lý kiến nghị của Cục còn giúp cảnh báo các cơ quan chức năng, đặc biệt là chủ đầu tư, bên mời thầu và Sở KH&ĐT các địa phương trong việc nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 47/CT-TTg, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT tại Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT, qua đó giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà thầu, nhà đầu tư.

Về công tác kiểm tra, thanh tra, giám định về đấu thầu, năm 2019, Cục QLĐT đã chủ trì 5 đoàn kiểm tra công tác ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện pháp luật về đấu thầu và công tác đấu thầu theo kế hoạch tại các địa phương, đơn vị: Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Phú Yên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Ngoài ra, Cục QLĐT cũng chủ trì kiểm tra, làm rõ một số nội dung trong việc thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường H2, thành phố Bắc Ninh (áp dụng loại hợp đồng BT) theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình; thực hiện nhiệm vụ giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư các dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam; cử cán bộ tham gia một số đoàn kiểm tra thực hiện Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại tỉnh Cà Mau, An Giang...

Tin cùng chuyên mục