56% lao động đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi công nghệ mới

(BĐT) - Sự phát triển và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) cùng với hội nhập sâu rộng của nền kinh tế đang đặt Việt Nam trước thách thức mới cần thiết phải nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bao trùm.
56% lao động đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi công nghệ mới

Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã nhấn mạnh yêu cầu này tại Hội thảo Năng lực cạnh tranh và Phát triển bao trùm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra (17/11), tại Hà Nội.

Theo ông Sơn, năng lực cạnh tranh quốc gia là tổng hợp các yếu tố về thể chế, chính sách và điều kiện quyết định hiệu quả năng suất của nền kinh tế một quốc gia trong huy động và sử dụng nguồn lực. Từ nhiều năm nay, Chính phủ Việt Nam nhất quán nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục và thường xuyên trong các chiến lược phát triển kinh tế xã hội bên cạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế nhằm củng cố các nền tảng lâu dài cho phát triển. Chính phủ đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hoàn thiện thể chế, hiện đại hóa nâng cao cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng suất năng lục cạnh tranh quốc gia.

Ông Sơn cho biết, cuộc CMCN 4.0 với sự ra đời của nhiều công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, công nghệ nano…đang làm  thay đổi tư duy, phương thức con người tạo ra của cải vật chất tác động lan tỏa đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội cũng như doanh nghiệp và người dân. Với lực lượng lao động trẻ, cởi mở, thông minh tiếp cận nhanh với công nghệ mới, Việt Nam có nhiều cơ hội ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất, cải thiện môi trường cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này đang đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam. “Nếu không nắm bắt kịp, thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ mới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ ngày càng suy giảm, nguy cơ tụt sẽ càng nhanh hơn, khoảng cách phát triển giữa các tầng lớp trong dân cư trong quốc gia cũng như Việt Nam với thế giới ngày càng lớn”, ông Sơn cảnh báo.

Chỉ rõ nguy cơ này, dẫn kết quả nghiên cứu của ILO, ông Sơn cho biết, khoảng 56% lượng lao động của 5 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang đứng trước  rủi ro cao bị thay thế bởi  công nghệ mới trong 1-2 thập niên tới.

Cũng theo Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, nếu không tạo được việc làm, thu nhập cho lực lượng lao động, nhất là đội ngũ lao động trẻ thì phân hóa giàu nghèo trong cuộc cách mạnh này ngày càng sâu sắc hơn. Cùng với đó là liên kết kinh tế đa tầng nấc với các luật chơi mới mà Việt Nam đang tham gia, một mặt mở ra không gian phát triển mới, nhưng mặt khác đặt ra thách thức cạnh tranh gay gắt hơn đối với  DN và nền kinh tế Việt Nam. Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát  triển bao trùm trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng với sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0 là một yêu cầu cấp thiết đối với cả nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Đánh giá về năng lực cạnh tranh của Việt Nam, ông Justin Wood, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của WEF cho rằng, trong 3 thập kỷ gần đây, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Việt Nam từ một quốc gia có thu nhập thấp trở thành quốc gia thu nhập trung bình và và thời gian tới là thu nhập trung bình cao. Để đạt mục tiêu này không hề dễ dàng, bởi trước mắt Việt Nam cần tránh được bẫy thu nhập trung bình khi cuộc CMCN 4.0 đang làm thay đổi nhiều năng suất lao động.

Trên cơ sở đó, nhằm giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bao trùm trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, Hội thảo tập trung vào các vấn đề như: Con đường đưa Việt Nam đến phát triển cao và bền vững hơn; công bố kết quả khảo sát về đánh giá những động lực thúc đẩy cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam; đo lường tác động xã hội của DN và vai trò của DN trong thúc đẩy phát triển bao trùm…. Sự kiện do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức.

Tin cùng chuyên mục