Bài toán nguồn nhân lực đã có lời giải

(BĐT) - Sớm xác định tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hà Nam đặt yêu cầu phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, với mục tiêu xây dựng Hà Nam trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, không chỉ đáp ứng nhu cầu trên địa bàn, mà còn cung cấp nhân lực có chất lượng cao cho các tỉnh, thành lân cận.
Theo kế hoạch, Hà Nam sẽ xây dựng Khu đại học Nam Cao. Ảnh minh họa: Internet
Theo kế hoạch, Hà Nam sẽ xây dựng Khu đại học Nam Cao. Ảnh minh họa: Internet

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực

Ngay từ khi mới tái lập năm 1997, tỉnh Hà Nam đã có ngay những quyết sách về phát triển nguồn nhân lực. Hàng năm, UBND Tỉnh đều bổ sung kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng dạy nghề theo nhu cầu xã hội; đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn vốn, các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án và các nguồn tài trợ để mua sắm, nâng cấp trang thiết bị dạy nghề.

Tỉnh cũng có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực trên địa bàn và người lao động học nghề. Cụ thể, Điều 9 Quyết định 1428/2001/QĐ-UB ngày 19/12/2001 của UBND Tỉnh quy định: “Các dự án đầu tư sử dụng từ 50 lao động trong Tỉnh trở lên và ưu tiên tuyển chọn lao động tại cơ sở nơi giao đất cho doanh nghiệp được Tỉnh hỗ trợ chi phí đào tạo nghề (có chứng chỉ nghề) 300 nghìn đồng/người”.

Để khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, Điều 5 Quyết định 863/2003/QĐ-UB ngày 5/8/2003 của UBND Tỉnh quy định: “Các dự án đầu tư vào khu công nghiệp có sử dụng từ 50 lao động trong Tỉnh trở lên được UBND Tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề 300 nghìn đồng/người từ nguồn ngân sách của Tỉnh đối với công nhân chưa có tay nghề; được ưu tiên tiếp nhận số lao động đã qua đào tạo tại các trường chuyên nghiệp, dạy nghề”.

Quyết định số 26/2010/QĐ-UBND ngày 26/8/2010 do UBND Tỉnh ban hành cũng quy định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người nghèo giai đoạn 2010 - 2015 từ 2 - 3 triệu đồng/người/khoá học tuỳ theo từng nghề và thời gian học thực tế...

Nhờ có những cơ chế, chính sách đúng đắn đối với việc đào tạo nguồn nhân lực, nhiều năm liền tỉnh Hà Nam đứng trong top 10 địa phương dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục. Hiện trên địa bàn Tỉnh có khá nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp như: Trường Đại học Hà Hoa Tiên, Đại học Công nghiệp, Cao đẳng Y tế Hà Nam, Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, Trường Trung cấp Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin I...

Mạng lưới cơ sở dạy nghề cũng ngày càng phát triển, một số trường nghề được nâng cấp, mở rộng quy mô như: Trường Cao đẳng nghề Chế biến gỗ, Trường Cao đẳng nghề Hà Nam…, tạo điều kiện phát triển dạy nghề ở trình độ cao. Bên cạnh đó, ngành nghề đào tạo cũng được mở rộng, đa dạng hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài Tỉnh.

Hiện thực hóa mô hình “khu đại học”

Tỉnh Hà Nam đang tích cực hiện thực hóa mô hình “khu đại học” để hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đa ngành, đa lĩnh vực tại chuỗi các trường đại học thuộc Khu đại học Nam Cao với diện tích đất sử dụng khoảng 754 ha.

Hiện trên địa bàn Tỉnh có khá nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp như: Trường Đại học Hà Hoa Tiên, Đại học Công nghiệp, Cao đẳng Y tế Hà Nam, Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, Trường Trung cấp Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin I...

Theo kế hoạch, Hà Nam sẽ xây dựng Khu đại học Nam Cao theo mô hình tiên tiến về tổ chức xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gắn với đô thị. Với lợi thế về vị trí địa lý, Khu đại học Nam Cao được kỳ vọng là trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của Đồng bằng sông Hồng.

Khu đại học gồm tổ hợp các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; gồm nhiều pháp nhân khác nhau được đầu tư xây dựng trong không gian quy hoạch thống nhất, bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại; được khai thác hệ thống hạ tầng và các tiện ích chung, đồng thời tự chủ trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật theo yêu cầu phát triển hoạt động của mình, phù hợp với quy hoạch xây dựng Khu đại học đã được phê duyệt.

Nhiều trường đại học trong và ngoài nước đã đăng ký đầu tư và đang bước đầu triển khai dự án tại Khu đại học Nam Cao. Đến nay đã có 17 trường đại học trong nước và quốc tế đăng ký đầu tư. Trong đó, 7 trường đang thực hiện dự án đầu tư; 5 trường đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; 3 trường đã được phê duyệt dự án và 2 trường đang thực hiện giai đoạn I thi công dự án...

Để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến với Khu đại học Nam Cao, tỉnh Hà Nam sẽ có các cơ chế ưu đãi đặc thù về đất đai, thuế và các chính sách hỗ trợ đầu tư trình Chính phủ phê duyệt.

Theo ước tính của UBND tỉnh Hà Nam, trong giai đoạn 2016 - 2020, Tỉnh cần 1.260 tỷ đồng để đào tạo nguồn nhân lực, cần 1.555 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo. Để huy động đủ nguồn lực đầu tư, ngoài nguồn ngân sách trung ương được phân bổ, tỉnh Hà Nam sẽ ưu tiên cân đối nguồn ngân sách địa phương và kêu gọi một số nguồn vốn khác từ doanh nghiệp, từ nguồn tài trợ ODA, từ người được đào tạo…

Tin cùng chuyên mục