BOT Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: Bao giờ chọn nhà đầu tư?

(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, Dự án Đầu tư đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ phải sơ tuyển quốc tế theo quy định tại Nghị định 30/2015/NĐ-CP. 
Theo dự kiến, kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án Đầu tư đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được phê duyệt vào cuối quý II - đầu quý III/2018. Ảnh: Quang Tuấn
Theo dự kiến, kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án Đầu tư đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được phê duyệt vào cuối quý II - đầu quý III/2018. Ảnh: Quang Tuấn

Trên cơ sở kết quả sơ tuyển sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu quốc tế, đấu thầu trong nước hoặc chỉ định thầu. Theo dự kiến sẽ phê duyệt kết quả đấu thầu vào cuối quý II - đầu quý III/2018. Như vậy, phải 1 năm nữa mới chính thức biết nhà đầu tư của Dự án là ai cho dù trước đó truyền thông đã nhắc đến những cái tên như CTCP Sân Golf Long Thành, Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1, Tổng công ty Thái Sơn và một số nhà đầu tư nước ngoài khác.

Xác định rõ phương án tài chính

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng mức đầu tư 5.408,8 tỷ đồng, được phê duyệt đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) tại Quyết định số 2519/QĐ-BGTVT ngày 28/8/2017 với quy mô đầu tư phân kỳ. Theo thiết kế, điểm đầu của Dự án giao với Quốc lộ (QL) 80 tại vị trí sau cầu Mỹ Thuận, tiếp nối với cầu Mỹ Thuận 2 (dự kiến); điểm cuối tại nút giao Chà Và (Km2062+700 trên QL1). Dự án đi qua tỉnh Vĩnh Long 13,6 km và tỉnh Đồng Tháp 9,9 km, chiều dài tuyến cao tốc là 23,6 km, chiều dài nối tuyến là 0,55 km. Giai đoạn 1 đầu tư tuyến cao tốc với bề rộng nền đường 17 m (4 làn xe cao tốc, làn dừng xe khẩn cấp bố trí cách quãng), 3 nút giao khác mức liên thông và đường nối đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.

Phương án tài chính được xác định bằng việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ khoảng 18 năm 10 tháng với mức giá khởi điểm là 1.200 đồng/xe tiêu chuẩn/km, dự kiến 3 năm điều chỉnh tăng giá vé 1 lần (đảm bảo không vượt khung). Hỗ trợ của Nhà nước bằng việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đoạn TP.HCM - Trung Lương trong 4 năm 4 tháng từ tháng 9/2028 với mức giá 2.000 đồng/xe tiêu chuẩn.km. 

Kiến nghị giãn tiến độ để giảm tổng mức đầu tư

Bộ GTVT cho biết đã chỉ đạo tư vấn nghiên cứu tính toán rút ngắn tiến độ tối đa trên cơ sở xem xét các yếu tố kinh tế - kỹ thuật của Dự án. Tuy nhiên, do Dự án phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định 30/2015/NĐ-CP. Bên cạnh đó, công trình đi qua vùng đất yếu (chiều sâu đất yếu có đoạn tới 55m) phải xử lý cố kết nền đất trước khi thi công mặt đường nên việc hoàn thành trước năm 2020 như chỉ đạo là khó khăn và chi phí đầu tư sẽ tăng rất cao. Dù chưa có tính toán cụ thể đối với dự án này, nhưng xử lý nền đất yếu đã được tính toán tại Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bằng giải pháp cọc xi măng đất kết hợp với giải pháp công trình sẽ cần khoảng 2.292 tỷ đồng so với 667 tỷ đồng xử lý theo giải pháp thông thường là bấc thấm.

Hơn nữa, việc phê duyệt kết quả đấu thầu dự kiến vào cuối quý II - đầu quý III/2018 nhưng đến năm 2019 hoàn thành công trình đưa vào sử dụng thì thời gian thi công chỉ hơn một năm, rất khó để nhà đầu tư vừa cân đối tài chính vừa đẩy nhanh tiến độ. Dù có lợi thế hơn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khi chính sách về tài chính đã được khơi thông trước khi ký hợp đồng dự án, sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 75/2017/TT-BTC ngày 21/7/2017 theo hướng điều chỉnh mức lãi suất bám sát mức lãi vay mà nhà đầu tư phải trả khi vay ngân hàng, tổng mức đầu tư điều chỉnh giảm thấp hơn, từ 6.384 tỷ đồng xuống còn 5.408,8 tỷ đồng (giảm 15%) nhưng nếu “ép” tiến độ thì Dự án mất đi lợi thế. Vì thế, Bộ GTVT đề xuất Dự án sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2020 và hoàn thành đưa vào khai thác quý I/2021. Bộ GTVT cho biết sẽ phối hợp với địa phương tiến hành sớm công tác giải phóng mặt bằng và chỉ đạo nhà đầu tư tiến hành công tác thiết kế ngay sau khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư.        

Tin cùng chuyên mục