BOT Thái Nguyên - Chợ Mới liệu có “thoát hiểm”?

(BĐT) - Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới được phê duyệt 2 trạm thu phí trên 2 tuyến đường song song nhưng chỉ mới được thu trên 1 trạm, đang vỡ phương án tài chính. Phương án thu phí đang được các bộ, ngành, địa phương liên quan thống nhất trên cơ sở bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội.
Đã hơn 2 năm kể từ khi được đưa vào khai thác sử dụng, Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới chỉ mới được thu phí tại 1 trạm
Đã hơn 2 năm kể từ khi được đưa vào khai thác sử dụng, Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới chỉ mới được thu phí tại 1 trạm

Vì sao có trạm thu phí trên Quốc lộ 3 cũ?

Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới nối từ TP. Thái Nguyên đến thị trấn Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn). Dự án triển khai trên hai tuyến đường song song, bao gồm làm mới hoàn toàn tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (dài 40,3 km) và nâng cấp mặt đường, mở rộng 25 km trên Quốc lộ 3 cũ. Tổng mức đầu tư là 2.746 tỷ đồng.

Vấn đề là vì sao phải triển khai trạm thu phí trên cả 2 tuyến? Theo lý giải của Bộ Giao thông vận tải, nếu chọn phương án đặt 1 trạm thu phí trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới, Nhà nước sẽ phải hỗ trợ 52% tổng mức đầu tư. Trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc kêu gọi tài trợ nước ngoài khó khăn, phương án này không khả thi.

Để khuyến khích nhà đầu tư tham gia thực hiện Dự án theo hình thức BOT mà không cần sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, phương án bố trí 2 trạm thu phí, một trên Quốc lộ 3 cũ (đoạn Tân Long - Bờ Đậu), một trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới, sẽ đảm bảo hiệu quả tài chính của Dự án. Nguồn doanh thu từ thu phí lưu lượng phương tiện thông qua 2 trạm thu phí đảm bảo khả năng hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Phương án này đã nhận được sự thống nhất của UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh Bắc Kạn, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác không thể không nhắc đến là tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới là đường cấp 3 miền núi, không phải là cao tốc, có nhiều đường nhánh nối với Quốc lộ 3 cũ. Vì thế, việc thu phí 1 trạm (thu hở, không phải thu phí kín như cao tốc) sẽ không thể giải quyết được tình trạng xe né trạm. Việc này cuối cùng cũng sẽ dẫn đến phá vỡ phương án tài chính.

Miễn giảm diện rộng cho dân địa phương

Tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới hiện thu hút một lượng xe lớn từ Quốc lộ 3 cũ. Tốc độ khai thác trên Quốc lộ 3 cũ được cải thiện, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Thời gian di chuyển về TP. Thái Nguyên hoặc trung tâm huyện Chợ Mới được cải thiện đáng kể. Đi trên tuyến mới, thời gian từ Hà Nội đến TP. Bắc Kạn chỉ còn 2 giờ.
Mặc dù Dự án được triển khai phù hợp với các quy định của pháp luật, tuy nhiên khi triển khai thu phí tại trạm thu phí Km77+922,5 Quốc lộ 3 cũ, có một số ý kiến chưa đồng thuận nên vẫn chưa được triển khai thu phí để hoàn vốn cho Dự án.

Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại buổi họp Thường trực Chính phủ về xử lý vướng mắc các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hình thức BOT. Thông báo số 430/TB-VPCP ngày 13/11/2018 về nội dung cuộc họp nêu rõ: “Đối với các dự án đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa được thu phí hoặc chỉ thu phí một phần (Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới…)…, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, địa phương liên quan thống nhất, có giải pháp thuyết phục để thực hiện thu phí, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội (lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư), giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn…”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 8/1/2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã họp với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên để thống nhất phương án giảm phí cho các phương tiện tham gia giao thông qua trạm thu phí Km77+922,5 Quốc lộ 3 cũ.

Phương án giảm phí đề xuất có phạm vi, đối tượng và mức giảm phí lớn nhất cả nước hiện nay. Mức giảm phí từ 50 - 100% cho các phương tiện thuộc toàn bộ các xã, phường, thị trấn của TP. Thái Nguyên và 3 huyện Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa có bán kính từ 10 - 30 km so với trạm thu phí Km77+922,5 Quốc lộ 3 cũ. Ngoài ra, giảm thêm 30% cho các phương tiện ngoài phạm vi bán kính 30 km. Việc giảm phí hứa hẹn sẽ giảm ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân lân cận; giải quyết khó khăn về tài chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (đang phải trả lãi vay ngân hàng khoảng 16 tỷ đồng/tháng).

Tin cùng chuyên mục